10 cá nhân dự kiến đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2018

20/09/2018 5:12 PM

(Chinhphu.vn) - Thực hiện quy trình xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" của TP. Hà Nội, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố đã thông qua danh sách đề nghị các cấp xét, tặng thưởng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2018 cho 10 cá nhân.

1. Ông Nguyễn Hữu Ngọc, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội (SN 1918)
Quê quán: Thuận Thành, Bắc Ninh.
HKTT: Số 22 đường Trung Yên 9, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.


Ông là người có nhiều tác phẩm để giới thiệu, quảng bá về Hà Nội trong đó có nhiều tác phẩm bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, qua đó giúp bạn bè quốc tế hiểu thêm về Thủ đô như các tác phẩm: “Hà Nội - Trái tim, khối óc của dân tộc Việt Nam”; cuốn “Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội” bằng tiếng Anh và tiếng Pháp là một trong những cuốn sách đầu tiên giới thiệu về Hà Nội được xuất bản năm 1997, cuốn sách được dùng làm quà tặng các nguyên thủ quốc gia đến tham dự hội nghị các nước có sử dụng tiếng Pháp lần 7 tại Hà Nội; năm 2010, nhân dịp Hà Nội tròn 1000 năm, ông tiếp tục cho ra mắt 10 cuốn sách “Ha Noi, Who are you” bằng tiếng Anh để phục vụ công tác đối ngoại. Dù tuổi đã cao, nhà văn hóa Hữu Ngọc vẫn đang miệt mài nghiên cứu, quảng bá văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa Hà Nội.

2. PGS.TS Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (SN 1966)
Quê quán: Bắc Ninh.
HKTT: Số 195B Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội.


Trong suốt quá trình 28 năm làm việc trong ngành Y tế, trên mọi cương vị công tác, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh luôn dành tâm huyết cho nghề nghiệp, cống hiến tâm sức và trí tuệ tận tụy phục vụ nhân dân, đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân Thủ đô và cả nước.

Là Giám đốc của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, ông đã cùng tập thể lãnh đạo bệnh viện khắc phục mọi khó khăn, đưa bệnh viện phát triển đi lên cả về trình độ chuyên môn kỹ thuật, tinh thần thái độ phục vụ, trở thành điểm đến đáng tin cậy của nhân dân Thủ đô. Quá trình công tác, ông là chủ nhiệm của nhiều chương trình đề tài cấp bộ, cấp nhà nước, là giảng viên bộ môn Phụ sản của hai trường đại học lớn là Đại học Y Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông cũng là tác giả của nhiều bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín.

Đồng thời ông cũng có nhiều sáng tạo trong công tác quản lý điều hành, áp dụng nhiều phương pháp kỹ thuật tiên tiến, các kỹ thuật mới..., mang lại hiệu quả tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ.

3. Bà Trần Phương Lan, Trưởng Câu lạc bộ “Những bé bị ly thượng bì bọng nước”, quận Hoàn Kiếm (SN 1977)
Quê quán: Công Lý, Lý Nhân, Hà Nam.
HKTT: 340 Lê Duẩn, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm.


Bệnh ly thượng bì bóng nước bẩm sinh (EB) là một bệnh di truyền hiếm gặp trên thế giới cũng như Việt Nam và không có khả năng chữa trị khỏi. Mặc dù gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng bà đã không ngại vất vả, tốn kém, khởi xướng thành lập Câu lạc bộ chăm sóc, giúp đỡ thuốc thang, dạy kiến thức chăm sóc trẻ bị EB.

Câu lạc bộ chỉ có 4 người nhưng đã giúp đỡ cho nhiều trẻ em, gia đình có con bị mắc căn bệnh này. Câu lạc bộ thường xuyên phát thuốc, cấp bông băng miễn phí và hướng dẫn các gia đình cách chăm sóc và thay bông băng cho các em. Sau quá trình đi khắp đất nước giúp đỡ các em, đến năm 2014, bà đã trực tiếp nhận nuôi một bé trai bị gia đình bỏ rơi tại bệnh viện khi thấy bé Kem bị bệnh EB nặng, tiên lượng chỉ sống được vài tháng.

Trung bình mỗi ngày, bà chi phí bông băng, thuốc men cho bé Kem từ 3 đến 5 triệu đồng/ngày. Bà và gia đình đã phải bán đi 2 ngôi nhà để có thể chữa trị cho bé. Dưới bàn tay chăm sóc và thuốc thang của bà, điều kỳ diệu đã xảy ra: Bé Kem đến nay đã gần 4 tuổi và dù bệnh nặng nhưng vẫn sống trong tình yêu thương của gia đình bà.

Hiện nay, câu lạc bộ thường xuyên trợ giúp khoảng 30 bé bị bệnh EB trên khắp mọi miền đất nước, cung cấp bông băng, thuốc men, kinh phí thường xuyên là từ 4 đến 8 triệu đồng/ tháng/cháu và tư vấn cách chăm sóc, nuôi dưỡng cho gia đình các em. Khi có sự nhờ giúp của các gia đình, bà không quản khó khăn vận động các thành viên và những người xung quanh đến tận nơi trợ giúp. Thời gian nhiều nhất số cháu bị bệnh EB được câu lạc bộ trợ giúp lên đến 60 cháu bé.

4. Ông Nguyễn Tứ Hùng, công dân Cụm 13, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội (SN 1945)
Quê quán: Xã Tân Lập, huyện Đan Phượng.
HKTT: Xã Tân Lập, huyện Đan Phượng.


Tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1965 đến năm 1974 xuất ngũ trở về địa phương. Đến tháng 10-1978, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, ông làm đơn xin tái ngũ trở lại quân đội lên biên giới phía Bắc bảo vệ Tổ quốc và đến tháng 12-1980, ông được phục viên. Sau khi rời quân ngũ trở về quê hương, ông tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương (là đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 1994-1999). Năm 2004 và năm 2009, hưởng ứng sự vận động của hai cụm dân cư 12, 13 và Ban Quản lý di tích làng Hạnh Đàn, cá nhân ông và gia đình đã tham gia đóng góp 290 triệu đồng để xây dựng đình, chùa của làng.

Từ năm 2012 đến năm 2015, hưởng ứng phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” do huyện và xã phát động, ông cùng với gia đình và nhân dân trong làng tích cực tham gia đóng góp tiền của, ngày công xây dựng chỉnh trang đường làng, ngõ xóm. Cá nhân ông và gia đình đã tự nguyện làm đơn đề nghị UBND xã Tân Lập cho ủng hộ 1,8 tỷ đồng để xây kè ao đình và ủng hộ kinh phí duy trì hệ thống đèn điện chiếu sáng xung quanh ao và trông nom, quét dọn bảo vệ ao. Tháng 9-2017, ông và gia đình tiếp tục ủng hộ 316 triệu đồng để nâng cấp các tuyến đường trong xã. Tính từ năm 2004 đến nay, ông và gia đình đã tham gia ủng hộ xây dựng 4 công trình với số tiền 2 tỷ 406 triệu đồng. Trong đó riêng 9 tháng năm 2017 đã ủng hộ 2 tỷ 116 triệu đồng.

5. Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn T&T (SN 1962)
Quê quán: Thị xã Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
HKTT: Số 61 phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm.


Là người sáng lập và quản lý Tập đoàn T&T, từ năm 1993 đến nay, sau hơn 25 năm dưới sự quản trị, điều hành của ông, Tập đoàn T&T đã ngày càng lớn mạnh, trở thành tập đoàn kinh tế lớn với hơn 60 công ty thành viên. Các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh với mức tăng trưởng cao, doanh thu bình quân năm tăng 150% (năm 2013 đạt 1.218 tỷ đồng, năm 2017 đạt 9.093 tỷ đồng), nộp ngân sách nhà nước bình quân năm tăng 39,5% (Năm 2013: 46,8 tỷ đồng, năm 2017 đạt 91,424 tỷ đồng). Tạo công ăn việc làm và bảo đảm các chế độ cho hơn 2.800 người lao động trong toàn tập đoàn (riêng khu vực Hà Nội là hơn 1.000 lao động). Các sản phẩm xe máy do T&T sản xuất nhiều năm được công nhận “Sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP Hà Nội”. Hiện nay công ty đang tập trung đầu tư chiến lược cho hoạt động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và thực phẩm tiêu dùng an toàn, có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam cũng như người dân Thủ đô.

Đặc biệt, tại hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển 2018”, công ty đã cùng Tập đoàn Hitachi Zosen Corp (Nhật Bản) triển khai một trong hai dự án xử lý rác quan trọng của thành phố đó là dự án Xử lý rác thu hồi điện Xuân Sơn với tổng vốn đầu tư 2.050 tỷ đồng.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa thể thao của thành phố, hằng năm, tập đoàn đã chi hàng trăm tỷ đồng để phát triển phong trào thể thao thành tích cao của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Về bóng đá: Câu lạc bộ Hà Nội là câu lạc bộ bóng đá mạnh nhất của thành phố, nhiều lần đoạt chức vô địch và á quân Vleague. Về bóng bàn: Câu lạc bộ Bóng bàn Hà Nội T&T được thành lập từ năm 2008, sau 10 năm hoạt động, câu lạc bộ đã trở thành một trong những cái nôi lớn trong công tác đào tạo bóng bàn của cả nước và Hà Nội; đóng góp nhiều lứa huấn luyện viên và vận động viên cho đội tuyển bóng đá quốc gia và bóng bàn Hà Nội.

Bên cạnh đó, ông đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội, từ năm 2015 đến nay đã đóng góp 92,8 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh trên cả nước. Trong đó đối với Thủ đô đã đóng góp 42 tỷ đồng (tiêu biểu như: Ủng hộ 10 xe chuyên dụng quét rác với trị giá 17 tỷ đồng; sửa chữa xây dựng và ủng hộ Quỹ Vì người nghèo thành phố trị giá 11 tỷ đồng, ngoài ra còn ủng hộ làm đường, nhà văn hóa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các hoạt động an sinh xã hội khác trị giá hơn 13 tỷ đồng.
 

6. Nghệ nhân ưu tú ẩm thực Việt Nam Phạm Thị Ánh Tuyết, chủ nhà hàng Ánh Tuyết - 25 Mã Mây, quận Hoàn Kiếm (SN 1953)
Quê quán: Thanh Trì, Hà Nội.
Nơi thường trú: 22 Mã Mây, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm.


Là người có nhiệt huyết trong việc quảng bá và tôn vinh ẩm thực Hà Nội ra thế giới. Đã hơn 10 năm nay, bà Tuyết thường xuyên nhận các học viên từ các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Nam Phi... đến học nấu món ăn truyền thống của người Hà Nội. Hiện nay lớp học của bà ngày càng đông thông qua các tour du lịch Hà Nội. Những món ăn mang “Thương hiệu nghệ nhân Ánh Tuyết” đã hiện diện trong các quán ăn nhanh cho đến những tiệm ăn sang trọng tại New York và nhiều thủ đô các nước khác. Hình ảnh nghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyết với các món đặc sản của đất Hà thành cũng đã trở nên quen thuộc với công chúng Mỹ, Nga và các nước trên thế giới qua kênh truyền hình Discovery Chanel, BBC (Anh), SRG (Thụy Sĩ), New York (Mỹ), Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… thực hiện.

Với mong muốn truyền cho thế hệ trẻ nét văn hóa ẩm thực của người Hà Nội, hằng năm bà đều mở các lớp dạy nữ công gia chánh cho các bạn trẻ của Thủ đô. Năm 2017, bà được Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao giải thưởng Nghệ nhân ẩm thực và vinh dự được chọn là nữ nghệ nhân để lên thực đơn và nấu tiệc thết đãi 21 nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị APEC Đà Nẵng. Năm 2018, bà được mời chỉ đạo trực tiếp phục vụ ẩm thực cho 61 phu nhân đại sứ quán tại Khu nghỉ dưỡng Flamigo Đại Lải. Bà cũng được mời làm giám khảo nhiều cuộc thi ẩm thực tại Việt Nam và cũng tham gia các cuộc tọa đàm về văn hóa ẩm thực truyền thống trên các kênh Đài Truyền hình Việt Nam. Đồng thời bà thường xuyên tham gia dạy nấu ăn trên các chương trình truyền hình quốc gia và địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng khác.
 

7. Vận động viên điền kinh Bùi Thị Thu Thảo, đạt Huy chương vàng tại Đại hội Thể thao châu Á 2018 (SN 1992)
Quê quán: Ba Vì, Hà Nội.
HKTT: Ba Vì, Hà Nội.


Vận động viên Bùi Thị Thu Thảo xuất thân từ một gia đình khó khăn tại huyện Ba Vì, Hà Nội, từ nhỏ đã phải làm những việc còn vất vả, nặng nhọc như đóng gạch, phụ hồ… bố mẹ Thảo đều làm nghề nông, nhà có ba anh em, Thảo là út, bố Thảo bị bệnh khớp gần 20 năm, mẹ Thảo gần đây cũng bị bệnh ngày càng nặng, nhiều lần đi viện khiến gia đình phải vay mượn để lấy tiền chữa bệnh. Sau hai lần Thảo định bỏ nghề để ở nhà chăm sóc bố ốm nặng, nhưng được sự động viên của các huấn luyện viên Thảo lại tiếp tục tham gia thi đấu. Thảo luôn ước mơ và phấn đấu đạt thành tích cao và giấc mơ ấy đã thành hiện thực, cô đã liên tiếp giành nhiều huy chương.

Những hy sinh thầm lặng, ý chí khổ luyện miệt mài đã giúp Thu Thảo khẳng định bản lĩnh, làm nên thương hiệu “Cô gái vàng của làng điền kinh Việt Nam”. Năm 2014: Đạt 1 Huy chương bạc Asiad; 1 Huy chương bạc Giải Bãi biển châu Á. Năm 2015: 1 Huy chương bạc SEA Game 28. Năm 2016: 1 Huy chương vàng Giải Bãi biển châu Á; 1 Huy chương bạc Giải châu Á trong nhà. Năm 2017: 2 Huy chương vàng Giải vô địch châu Á; 1 Huy chương vàng SEA Game 29; 1 Huy chương vàng Giải châu Á trong nhà. Năm 2018: 1 Huy chương vàng môn điền kinh tại Asiad.

8. Ông Trịnh Ngọc Trình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi (HEDO) (SN 1934)
Số 4, Trịnh Hoài Đức, Hà Nội.
Quê quán: Hoa Lư, Ninh Bình.
HKTT: Nhà số 31A ngách 373/36 An Dương Vương, tổ 9 cụm 1, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ.

Tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 11 tuổi, bị thương và mất một tay trong chiến dịch chặn đánh quân địch ở thị xã Ninh Bình (câu chuyện “Em Ngọc” viết về ông đã được đưa vào “Tuyển tập văn lớp 5”, trở thành tài liệu học tập trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cho nhiều thế hệ thanh, thiếu niên Việt Nam). Năm 1952, ông được cử đi học và trở về làm giáo viên giảng dạy nhiều năm ở Tây Bắc. Năm 1960, ông về Trường Đại học Sư phạm Hà Nội học tập rồi trở thành giảng viên và Bí thư Đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1964, ông cùng tập thể Ban Chấp hành Đoàn trường khởi xướng và phát động phong trào “Tam bất kỳ” ở các chi đoàn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sau đó được Thành đoàn Hà Nội đổi tên thành phong trào “Ba sẵn sàng”.

Phong trào thi đua đã được Thành đoàn Hà Nội nhân rộng, phát động và nhanh chóng trở thành phong trào thi đua yêu nước của thế hệ trẻ thời kháng chiến chống Mỹ. Đã có hàng vạn sinh viên, thanh niên Hà Nội chích tay lấy máu viết đơn sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Đảng cần, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì miền Nam ruột thịt, bảo vệ miền Bắc…

Năm 1965, ông chuyển sang công tác tại Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đến năm 1975 chuyển về Đại học Sư phạm Hà Nội là Trưởng phòng Công tác chính trị. Ông đã đề xuất thành lập bộ môn “Giáo dục thời sự chính sách”; trực tiếp làm chủ nhiệm bộ môn và là giảng viên chính giảng dạy cho sinh viên năm thứ 4 để kịp thời thông tin, những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, của Đảng bộ Hà Nội nhằm giáo dục, uốn nắn những lệch lạc, biểu dương người tốt, việc tốt trong thanh niên, học sinh, sinh viên.

Tháng 3-1990, ông được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi (HEDO). Ông đã cùng trung tâm vận động và thực hiện thành công hơn 200 chương trình, dự án phục vụ đồng bào ở những vùng miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thuộc 43 tỉnh, thành. Đến nay, mặc dù đã trên 80 tuổi, ông vẫn tích cực tham gia cộng tác với trung tâm trong các dự án hỗ trợ phát triển giáo dục tại các tỉnh miền núi trên khắp cả nước.

9. Thượng úy Nguyễn Văn Tiến, Đội Cảnh sát giao thông số 12 - Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt - Công an TP Hà Nội (SN 1990)
Quê quán: Xã Đại Hùng, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
HKTT: Thôn Ngũ Luân, xã Đại Hùng, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.


Quá trình công tác, cá nhân anh luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt là trong công tác ngăn chặn, xử lý kịp thời các lỗi vi phạm có nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông, từ đó góp phần làm giảm tai nạn giao thông trên địa bàn phụ trách ở cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong quá trình tham gia làm nhiệm vụ, đã phát hiện, phối hợp bắt giữ nhiều vụ việc người điều khiển phương tiện ô tô, xe máy liên quan đến phạm pháp hình sự như: Vận chuyển ma túy, chở hàng hóa gian lận thương mại không rõ xuất xứ, nguồn gốc… Các vụ việc đều được bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Đặc biệt vào thời gian 01h15 ngày 25-9-2017, anh đã cùng với quần chúng nhân dân cứu được 5 người ra khỏi đám cháy tại số nhà 50 tổ 2, khu Xuân Hà, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Việc chữa cháy, cứu người của anh và Tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 12 đã thể hiện tinh thần dũng cảm, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm đến tính mạng của bản thân, thể hiện nghĩa cử cao đẹp, được các báo, đài, dư luận nhân dân ghi nhận ca ngợi, đánh giá cao, góp phần tạo dựng hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an Thủ đô thân thiện vì nhân dân phục vụ.

10. Ông Nguyễn Đức Cường, Tổ trưởng Tổ sửa chữa cơ điện, Phân xưởng Thiết bị công nghệ, Công ty cổ phần Điện cơ Thống Nhất (SN 1960)
Quê quán: Thanh Trì, Hà Nội.
HKTT: Số nhà 2/71/6 Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên.


Là Tổ trưởng Tổ sửa chữa cơ điện thuộc Phân xưởng Thiết bị công nghệ, Công ty cổ phần Điện cơ Thống Nhất, ông được biết đến như một tấm gương cán bộ kỹ thuật cần mẫn, năng động, sáng tạo, giàu nhiệt huyết và đam mê với công tác chuyên môn. Từ khi mới vào làm việc tại công ty (năm 1977) đến nay, ông đã cùng tổ sửa chữa thiết bị quản lý, khai thác hiệu quả khoảng 600 đầu máy, thiết bị, giúp công ty hằng năm luôn đạt lợi nhuận cao.

Bên cạnh đó, ông không ngừng tìm tòi, học hỏi, trau dồi tay nghề để có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm lợi cho công ty, cụ thể: Từ năm 2010 đến năm 2015, trong điều kiện công ty khó khăn về vật tư do nhiều thiết bị cũ, không có phụ tùng thay thế, ông đã chủ động và cùng các thành viên trong tổ tự nghiên cứu các phương án đại tu, thực hiện sửa chữa nhiều thiết bị hỏng nặng như: Hệ thống điều khiển thủy lực máy mài vô tâm, máy ép nhựa, máy đúc áp lực, máy đột cao tốc, máy nén khí… đạt hiệu quả cao.

Sáng kiến cải tạo lại hệ thống thủy lực của máy ép 135T đã rút ngắn thời gian máy chạy không tải và tăng được lực ép, không có sản phẩm sai hỏng phù hợp với công nghệ dập vuốt của công ty để gia công bầu quạt công nghiệp 650/670. Sáng kiến tự chế máy ép thủy lực tự động 20 tấn, thay vì phải nhập máy ép của nước ngoài đã làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, ông còn rất tâm huyết truyền nghề cho những lao động trẻ, luôn sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần. Ông được đồng nghiệp trong công ty luôn tôn trọng, khâm phục.

(Theo Báo Hà Nội Mới)

Top