10 quận, huyện giải ngân ở mức 0%

27/06/2019 9:45 AM

(Chinhphu.vn) - Tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư năm 2019 của toàn Hà Nội chậm, nhất là ở cấp Thành phố là đánh giá của TP. Hà Nội sau 5 tháng đầu năm 2019. Hết 5 tháng đầu năm 2019 có 10 quận, huyện giải ngân ở mức 0%.

Hội nghị Giao ban Thành ủy Hà Nội sáng 27/6. Ảnh: Gia Huy

Mới giải ngân được 15,3% kế hoạch năm 2019

Cho biết tại hội nghị giao ban chuyên đề của Thành ủy Hà Nội với các địa phương sáng nay (27/6), Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, mức giải ngân Hà Nội đạt được thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm 2018, toàn Thành phố giải ngân được 14.135 tỷ đồng/KH 42.619,5 tỷ đồng, đạt 33,17% kế hoạch giao).

Đến nay, Thành phố đã hoàn thành phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 117/126 dự án; 9 dự án còn lại chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục phê duyệt điều chỉnh dự án và dự kiến sẽ hoàn thiện thủ tục trình, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong tháng 6/2019. Đã khởi công 28/126 dự án khởi công mới năm 2019; hoàn thành thủ tục phê duyệt quyết định đầu tư 25 dự án trong tổng số 105 dự án đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư...

Đối với giải ngân vốn, hết 5 tháng, toàn Thành phố giải ngân trên 6.800 tỷ đồng, đạt 15,3% kế hoạch giao đầu năm; ước giải ngân 6 tháng đầu năm 2019, toàn Thành phố thực hiện chi trên 14 nghìn tỷ đồng, đạt 31% kế hoạch giao (đạt 32,2% kế hoạch giao đầu năm). Trong đó, cấp Thành phố giải ngân trên 7 nghìn tỷ đồng, đạt 26,8%; cấp huyện giải ngân trên 7.400 tỷ đồng, đạt 36%.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, tính đến hết ngày 31/5, chỉ một số ít đơn vị có kết quả giải ngân khá, còn lại là thấp, dưới mức bình quân chung của Thành phố. Các đơn vị đạt giải ngân khá là quận Hà Đông (89%), huyện Đan Phượng (51%), huyện Quốc Oai (49%), huyện Thanh Oai (45%)... Nếu đánh giá trên số vốn kế hoạch cấp huyện giao thêm, một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân khá là huyện Mỹ Đức (44,15%), huyện ứng Hòa (34,47%), huyện Quốc Oai (32,51%), huyện Sóc Sơn (31,58%).

Tuy nhiên, tính đến hết ngày 31/5 còn 10 quận, huyện chưa thực hiện giải ngân (giải ngân 0%) như: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Phú Xuyên... Ngoài ra, cả 6 Ban Quản lý dự án củaThành phố đều có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân chung như Ban Đường sắt đô thị (12%), Ban Nông nghiệp (12%), Ban Giao thông (3%).

Nút thắt là các dự án trọng điểm

Nêu lên các khó khăn của các dự án đầu tư cấp Thành phố, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, qua phân tích thực trạng tình hình giải ngân đến nay cho thấy nút thắt làm cho tỷ lệ giải ngân thấp tập trung vào các dự án trọng điểm được giao vốn lớn nhưng chưa kịp khởi công, giải phóng mặt bằng vướng mắc, số lượng các dự án khởi công mới chưa đạt theo kế hoạch giao.

Bên cạnh đó là một số các dự án chuyển tiếp không giải ngân được do vướng giải phóng mặt bằng, một số dự án đã có khối lượng thực hiện nhưng chưa được giải ngân do các chủ đầu tư đang hoàn tất công tác nghiệm thu theo quy định.

Nguyên nhân chậm được Hà Nội phân nhóm cụ thể, như đối với các dự án khởi công mới, năm 2019 đã giao đã giao vốn khởi công mới cho 126 dự án, đã phê duyệt kế hoạch đấu thầu (117 dự án), tuy vậy đến nay mới khởi công 28 dự án. Nguyên nhân là do mất nhiều thời gian thực hiện việc lập, thẩm định và phê duyệt. Đối với các công trình dân dụng còn phải lập và duyệt thiết kế PCCC, nhiều dự án thực hiện chậm dẫn đến các công trình dân dụng chậm tiến độ; các nguyên ngân trên dẫn đến mở thầu và khởi công nhiều dự án chậm so tiến độ yêu cầu. Dự kiến từ quý 3, nhiều công trình mới sẽ khởi công, tỷ lệ giải ngân sẽ được tăng cao vào cuối quý 3/2019 trở đi.

Một số dự án triển khai thủ tục đầu tư chậm, chưa phê duyệt được thiết kế-dự toán: Dự án xây dựng cầu vượt nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt-Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch; đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường vành đai 2,5 với đường Giải Phóng (QLl A cũ), quận Hoàng Mai; mở rộng đường Phan Kế Bính theo quy hoạch...

Bên cạnh đó là một số dự án vướng về địa điểm, quy hoạch như: Nạo vét bùn Hồ Tây; đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường vành đai 2,5 với đường Giải Phóng (QL1A cũ), quận Hoàng Mai; xây dựng trụ sở Cảnh sát PCCC và Trụ sở làm việc Công an phường một số địa bàn.

Giải phóng mặt bằng chậm cũng được ông Quyền cho biết do nhiều nguyên nhân như: Khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, nhiều hộ gia đình không hợp tác tốt trong công tác đo đếm và không đồng thuận với mức giá đền bù theo chính sách hiện hành, công tác nhà tái định cư có khó khăn về quỹ nhà và vị trí nhà tái định cư ...

Vướng mắc và chậm giải phóng mặt bằng là một trong các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giải ngân chậm: Có khoảng 30 dự án vướng và chậm dẫn đến chậm hoặc không giải ngân được số kế hoạch vốn được giao khoảng 2.500 tỷ đồng (Vành đai I: 1.300 tỷ, Khu Liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn khoảng 182 tỷ đồng...).

Đẩy nhanh thủ tục phê duyệt dự án đầu tư

Giải pháp được Hà Nội đưa ra cụ thể là với một số dự án có khối lượng GPMB lớn, tồn tại vướng mắc nhiều năm nay, chủ đầu tư phải tập trung nhân lực giải quyết dứt điểm, kịp thời báo cáo UBND Thành phố giải quyểt các nội dung vượt thẩm quyền: Quốc lộ 1A, đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì; Xây dựng đường Văn Cao - Hồ Tây; Xây dựng đường Liễu Giai- Núi Trúc (đoạn Vạn Bảo đến nút Núi Trúc), GĐ 2; cống hóa và xây dựng tuyến đường từ nút rẽ ra phố Núi Trúc đến phố Sơn Tây...

Ngoài ra, Thành phố đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư đảm bảo điều kiện bố trí vốn thực hiện khởi công mới năm 2020. Triển khai lập, trình thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán công trình ngay sau khi dự án đầu tư được phê duyệt theo cơ chế giải ngân linh hoạt để đảm bảo các dự án có đủ thủ tục để đấu thầu thi công ngay từ tháng, quý I/2020.

Gia Huy

Top