3 tháng đầu năm không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào trên địa bàn thành phố

14/04/2019 5:00 PM

(Chinhphu.vn) - Theo thống kê quý I/2019, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 66.531 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.

Công tác thanh kiểm tra an toàn thực phẩm luôn được đẩy mạnh. Ảnh: Thiện Tâm

Cụ thể, ngành y tế quản lý 38.086 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, tuyến thành phố quản lý 3.912 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tuyến quận/huyện/ thị xã quản lý 13.082 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tuyến xã/phường/thị trấn quản lý 21.092 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố, Sở Y tế Hà Nội đã tham mưu UBND ban hành kế hoạch của UBND Thành phố về công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội năm 2019; Kế hoạch của UBND Thành phố về việc “Đảm bảo An toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội Xuân năm 2019”; Quyết định của UBND Thành phố về việc thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành công tác An toàn thực phẩm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội Xuân năm 2019. Kế hoạch của UBND Thành phố về thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở ngành đoàn thể và quận huyện thị xã thực hiện hiệu quả các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục triển khai kế hoạch liên ngành Y tế - Giáo dục trong bảo đảm an toàn thực phẩm. Thực hiện tốt việc phối hợp về an toàn thực phẩm giữa Sở Y tế với Ban quản lý Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật, các báo đài thành phố thống nhất giải pháp phối hợp truyền thông năm 2019.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã xây dựng triển khai 2 hoạt động chương trình an toàn thực phẩm bao gồm hoạt động tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; hoạt động phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Các tiêu chí an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống từng bước được cải thiện. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm năm 2019. Hướng dẫn công tác tăng cường tự quản lý tại các bếp ăn tập thể; tiếp tục thực hiện tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, phòng chống lạm dụng rượu và đồ uống có cồn. Tăng cường phòng chống ngộ độc Methanol và phòng chống ngộ độc thực phẩm mùa đông xuân, mùa xuân hè. Chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tập thể trường học.

Công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm được tăng cường, Thành phố đã kiện toàn 4 đội cơ động phòng chống ngộ độc thực phẩm, chủ động giám sát an toàn thực phẩm phục vụ các hội nghị, sự kiện lớn của Trung ương và thành phố khoảng 60.000 suất ăn đảm bảo an toàn thực phẩm. Giám sát an toàn thực phẩm phục vụ các lễ hội đầu xuân 2019. Lãnh đạo Sở Y tế làm việc với UBND các quận, huyện có nhiều lễ hội lớn về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ lễ hội tại huyện Mỹ Đức, quận Tây Hồ, thị xã Sơn Tây, huyện Sóc Sơn… Quý I/2019 không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Công tác thanh kiểm tra, giám sát các cơ sở thực phẩm được tăng cường, xử lý các cơ sở vi phạm với nhiều hình thức. Tổng số đoàn thanh tra, kiểm tra 712 đoàn (trong đó có 620 đoàn liên ngành). Kiểm tra đạt 19.711/23.268 lượt cơ sở (đạt 84.7%). Trong đó tuyến quận huyện, xã phường kiểm tra 23.188 lượt cơ sở, tuyến thành phố kiểm tra 80 cơ sở. Qua công tác thanh kiểm tra, ngành Y tế toàn thành phố đã phát hiện 266 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt số tiền là 1.092.874.000 đồng, hủy sản phẩm 35 cơ sở. Trong đó, ngành y tế tuyến thành phố phạt tiền 8 cơ sở với số tiền 187.574.000 đồng (Thanh tra Sở Y tế xử phạt 7 cơ sở với số tiền 185.574.000 đồng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội xử phạt 1 cơ sở với số tiền phạt 12.000.000 đồng); tuyến quận/huyện/thị xã phạt 258 cơ sở với số tiền 905.300.000 đồng.

Cùng với công tác thanh kiểm tra, các đoàn kiểm tra đã lấy 70 mẫu thực phẩm gửi làm xét nghiệm chỉ tiêu lý hóa và vi sinh tại Labo xét nghiệm. Kết quả, 64/70 mẫu đạt chỉ tiêu vi sinh; 64/70 mẫu đạt chỉ tiêu hóa lý. Xét nghiệm nhanh đạt 56.950/61.067 mẫu (tỷ lệ đạt 93.3%), trong đó số xét nghiệm nhanh dụng cụ, tinh bột, nước sôi có số xét nghiệm đạt là 44.910/47.950 mẫu (tỷ lệ đạt 93.7%).

Đối với công tác thực hiện các thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm, quý I/2019, ngành y tế cấp mới 609 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (cùng kỳ năm 2018 cấp 897 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm).

Để thu hút chính quyền vào cuộc, người dân chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, hoạt động tuyên truyền luôn được chú trọng. Đặc biệt, tuyên truyền an toàn thực phẩm phục vụ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, lễ hội đầu Xuân; thông tin nhanh về kết quả thanh kiểm tra an toàn thực phẩm; tuyên truyền về thực trạng an toàn thực phẩm và tăng cường phổ biến các văn bản mới, các kiến thức và thực trạng đảm bảo an toàn thực phẩm, lựa chọn thực phẩm an toàn. Trong quý I, tuyến thành phố đã tổ chức nói chuyện về chuyên đề an toàn thực phẩm với tổng số 339 buổi/30.343 lượt người tham dự. Tổ chức tuyên truyền và nói chuyện lồng ghép an toàn thực phẩm. Phát hành 633 băng đĩa tuyên truyền. Loa đài của các phường xã, thị trấn và của các quận huyện phát thanh về an toàn thực phẩm, tăng thời lượng vào các dịp Tết Nguyên đán, lễ hội đầu xuân, tổng số 17.377 lượt phát thanh. Chính vì vậy, người dân đã có ý thức hơn trong công tác đảm báo an toàn thực phẩm.

Thiện Tâm

Top