735 cơ sở kinh doanh trái cây được thiết lập tài khoản quản trị

19/12/2018 1:38 PM

(Chinhphu.vn) - Sở Công thương Hà Nội vừa đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ được giao tại kế hoạch 02/KH-UBND ngày 3/1/2018 của UBND Thành phố.

Đáng chú ý, cùng với việc đẩy mạnh sử dụng mã hình QR để truy xuất nguồn gốc trực tuyến các sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên địa bàn thành phố, Sở Công Thương đã tích cực phối hợp Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và Phát triển (IDE) cung cấp danh sách các cơ sở kinh doanh trái cây được cấp biển nhận diện kinh doanh trái cây an toàn đáp ứng tiêu chí của Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội”. Đến nay, 735 cơ sở kinh doanh trái cây đã được thiết lập tài khoản quản trị tại hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm Hà Nội; còn lại 31 cơ sở đang tiếp tục được cập nhật.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã tổ chức 10 lớp tập huấn kiến thức ATTP cho gần 1.500 người, hướng dẫn các đơn vị quản lý, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm về đảm bảo ATTP trong kinh doanh, không kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng. Còn trong công tác thanh, kiểm tra, Sở đã tiến hành hậu kiểm ATTP đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm trong siêu thị, trung tâm thương mại được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch của thành phố, thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục thực hiện tốt các nội dung nên trên, đồng thời hướng dẫn, tập huấn cho doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nhóm sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp chủ lực của thành phố để ứng dụng thực tiễn “Quy trình xác thực chống hàng giả”. Phối hợp phổ biến tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ truy xuất nguồn gốc trực tuyến sử dụng mã hình QR cho các Phòng Kinh tế quận, huyện, thị xã, ban quản lý, doanh nghiệp quản lý chợ; phổ biện tờ rơi tuyên truyền tại các địa điểm mua sắm văn minh, hiện đại như trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Tuyên truyền rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân qua nhiều hình thức để mọi người nhận biết, hiểu thao tác, sử dụng các thiết bị điện tử thông minh khi khai thác các thông tin cần thiết từ việc “scan - quét” mã hình QR gắn trên sản phẩm, hàng hóa, mặt hàng nông sản, thực phẩm.

Sở Công Thương cũng tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa kinh doanh tại các địa điểm mua sắm, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh..., để kịp thời phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các trường hợp kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATTP, gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

(Theo HN Portal)

Top