An toàn sinh học là điều kiện hàng đầu để tăng đàn lợn

07/05/2020 4:40 PM

(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội có tổng đàn lợn là trên 1,8 triệu con, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu. Sau khi xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, thời điểm thấp nhất Hà Nội chỉ còn 0,9 triệu đầu lợn, giảm xấp xỉ 50%, nhưng nay đã phục hồi lên 1,2 triệu con.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội - Ảnh: Đỗ Hương

Xung quanh nội dung này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ.

Thưa ông, xin ông cho biết những khó khăn chính với người chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn trên địa bàn Thành phố trong giai đoạn hiện nay?

Ông Nguyễn Huy Đăng: Sau Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) dù chăn nuôi đang dần phục hồi nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, ngành nông nghiệp Thành phố đã và đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dịch bệnh trực tiếp ảnh hưởng tới việc tiêu thụ các sản phẩm từ chăn nuôi.

Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã yêu cầu các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi lợn giảm giá lợn hơi bán ra về mức 70.000 đồng/kg, tuy nhiên hiện giá thịt lợn trên thị trường vẫn neo ở mức cao, nhiều cơ sở giết mổ khan hiếm lợn. Điều đó được thể hiện rõ qua số lượng lợn giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung thời gian qua giảm từ 30% - 50%. Trong khi diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nguy cơ xảy ra cao, nhất là DTLCP do chưa có vaccine phòng bệnh; ngoài ra, việc nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tiếp tục gặp khó khăn do dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản xuất trong chăn nuôi.

Ông có thể chia sẻ thêm về việc thực hiện ATSH như thế nào cho hiệu quả trong giai đoạn hiện nay không?

Ông Nguyễn Huy Đăng: Ngoài thực hiện xây dựng chuồng trại, thực hiện chăn nuôi đúng kỹ thuật theo hướng dẫn thực hiện ATSH của Bộ NN&PTNT thì quan trọng nhất cần cho vật nuôi tiêm đúng liều, đúng định kỳ, thường xuyên chứ không đợi dịch bùng phát mới rục rịch tiêm thì lúc đó khả năng phòng dịch đã giảm đi rất nhiều.

Tiếp đó, chúng ta cần xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, vì nếu trong vùng dịch mà bà con có chứng nhận cơ sở an toàn dịch thì sản phẩm vẫn có thể xuất bán bình thường. Đây chính là mấu chốt của việc đảm bảo ATSH và chăn nuôi bền vững.

Đặc biệt trong chăn nuôi các hộ cũng phải khai báo kịp thời vấn đề vệ sinh thú y với cán bộ thú y. Đây là cơ sở để cán bộ thú y lập kế hoạch theo dõi, vừa thuận tiện cho công tác phòng chống dịch bệnh, vừa truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm gia cầm.

Một trong những vướng mắc nhiều địa phương đang mắc phải đó là tiến độ hỗ trợ cho người chăn nuôi khá chậm nên việc phục hồi chăn nuôi cũng bị hạn chế. Vậy tại TP. Hà Nội việc này được tiến hành như thế nào?

Ông Nguyễn Huy Đăng: TP. Hà Nội vừa qua đã chính thức có quyết định hỗ trợ các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó Thành phố ưu tiên 150 tỷ đồng hỗ trợ riêng cho lĩnh vực chăn nuôi, chủ yếu tập trung chăn nuôi lợn.

Tính đến thời điểm hiện tại, TP. Hà Nội đã chi trả 1.150 tỷ đồng hỗ trợ người chăn nuôi lợn bị tiêu hủy bởi dịch tả lợn Châu Phi. Nói thật, đến lúc này chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm bởi quá trình chi trả hỗ trợ tiền tiêu hủy dịch tả lợn Châu Phi an toàn, không xảy ra tiêu cực, không xảy ra khiếu kiện, trục lợi. Cụ thể, Hà Nội sẽ hỗ trợ 100% chi phí tinh lợn ngoại, hỗ trợ 5 triệu đồng/nái, hỗ trợ 3 triệu đồng/đực bố mẹ để đẩy nhanh tăng đàn

Vậy còn việc hỗ trợ mua con giống để thúc đẩy được tái đàn thì được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Đăng: Hiện nay hỗ trợ từ ngân sách các quận huyện cho người dân là khoảng 50% số tiền mua giống, nếu nhu cầu ở các địa phương lớn hơn thì thì Thành phố sẽ hỗ trợ. Quan điểm của ngành nông nghiệp TP. Hà Nội là tăng đàn không chỉ số lượng mà phải đi đôi với chất lượng. Muốn vậy phải thực hiện an toàn sinh học triệt để. Với những hộ nghèo và hộ cận nghèo việc đầu tư chăn nuôi ATSH cho lợn nếu khó khăn thì Thành phố có chính sách sẽ chuyển nuôi bê, dê hoặc bò cái sinh sản. Hiện nay chính sách của Hà Nội đang tập trung hỗ trợ trang trại, gia trại có điều kiện chăn nuôi về an toàn sinh học. Tập trung cho cho mua đàn lợn hậu bị, hỗ trợ 5 triệu đồng/con giống cho các trang trại, gia trại đủ điều kiện thú y.

Về lâu dài chúng tôi đề xuất hỗ trợ cho DN và cho các HTX và các gia trại lớn đủ điều kiện để nuôi ATSH, một số nơi chúng tôi đã hỗ trợ 40%-50% tiền giống để có đàn hậu bị đảm bảo. Vì một số nơi hiện nay do thiếu giống đã đưa một lượng lợn thương phẩm vào làm giống thì chất lượng không tốt.

Xuất phát điểm với 1,8 triệu con lợn trước dịch, đã có lúc tổng đàn lợn của TP. Hà Nội xuống đến 0,9 triệu con và giờ đã lên gần 1,2 triệu con. Vậy TP. Hà Nội đang tập trung vào khâu nào trong hỗ trợ chăn nuôi để có thể quay về số lượng lợn như trước?

Ông Nguyễn Huy Đăng: Theo tôi, muốn tăng đàn nhanh chóng phải tăng cường hỗ trợ tinh lợn tốt cho các hộ nuôi nái, tập huấn cho trang trại, gia trại về khoa học kỹ thuật để có giống tốt, an toàn dịch bệnh để số con sống sống sót sau sinh được nhiều. Như trước khi 1 lứa chỉ 10 -11 con giờ phải tăng lên tầm 13 con thì đến cuối năm nay sẽ có hơn 1 triệu con giống, đây sẽ là lượng giống để tăng đàn nhanh chóng.

Vừa rồi Sở NN&PTNT có làm việc với các công ty chăn nuôi lớn trên địa bàn thành phố, chúng tôi đề nghị các công ty trực tiếp ưu tiên bán giống cho các trang trại gia trại, hộ chăn nuôi lớn trên địa bàn TP, đặc biệt là việc tăng cường việc cung cấp giống. Các đơn vị vệ tinh của các công ty này cũng đang cung cấp giống cho các tỉnh nếu đã đủ nhu cầu thì đề nghị cung cấp ra ngoài Hà Nội.

Theo tôi, người chăn nuôi không nên quá hoang mang, cần cố gắng giữ ổn định chăn nuôi, nhất là đối với đàn lợn nái. Bởi sau khi dịch đi qua, dự báo thị trường sẽ thiếu hụt một số lượng thịt lợn nhất định. Nếu số lợn nái bị hao hụt, người nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn khi tái đàn để bù đắp cho thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Hương (thực hiện)

Top