An toàn thực phẩm trong kết nối giao thương

07/12/2018 4:11 PM

(Chinhphu.vn) – Một trong những chương trình giao thương lớn của Hà Nội đó là kết nối nông lâm, thủy hải sản của các địa phương trên cả nước về tiêu thụ trên địa bàn Thành phố. Để đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) những mặt hàng này đòi hỏi sự phối hợp liên ngành luôn phải chặt chẽ.

Hàng ngày các chợ đầu mối tại Hà Nội nhập một số lượng rất lớn hàng hóa thực phẩm về Hà Nội, đây là nơi cần kiểm soát chặt ATTP định kỳ - Ảnh: Nguyễn Thắng

Từ câu chuyện tại Hòa Bình

Vừa qua, nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng bị lực lượng chức năng xử lý với nhiều lỗi vi phạm. Điển hình như cơ sở sữa đậu nành Đông Á, địa chỉ xóm Mát, xã Dân Chủ (TP. Hòa Bình) do ông Trần Quốc Tuấn làm chủ đã vi phạm không duy trì việc kiểm soát chất lượng kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ theo quy định, phạt vi phạm hành chính 12,5 triệu đồng; hay như ông Đào Bá Thanh ở xã Liên Châu (Thanh Oai, Hà Nội) đến giờ vẫn còn bất ngờ về việc mình vận chuyển trứng lên Hòa Bình tiêu thụ bị cơ quan chức năng tỉnh này phạt với số tiền lên tới 5,5 triệu đồng…

Thống kê cho thấy, qua các đợt tiêu hủy hàng hóa vi phạm do các cơ quan chức năng thực hiện, hàng hóa vi phạm làm giả nhãn hiệu, hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ chiếm phần lớn. Điển hình như vụ tiêu hủy hơn 1 tạ ruốc thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng trăm hộp bánh quy giả do lực lượng Quản lý thị trường TP.Hòa Bình phát hiện, tịch thu không để lưu thông ngoài thị trường.

Theo quy định, hàng hóa trên đường vận chuyển phải có hóa đơn, chứng từ kèm theo chứng minh nguồn gốc là hợp pháp ngay tại thời điểm kiểm tra. Chính vì vậy, việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc rất quan trọng. Đây cũng là điều kiện quan trọng để các loại nông sản có thể được lưu thông tại nhiều thị trường khó tính.

Hòa Bình là tỉnh nằm trung tâm trên trục giữa các tỉnh Tây Bắc nối với TP.Hà Nội. Vừa qua, con đường cao tốc nối giữa TP.Hà Nội với tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành. Đây chính là cơ hội để các loại nông sản, thủy sản sạch của Hòa Bình được tiêu thụ trên những thị trường có sức tiêu dùng lớn. Vấn đề còn lại là, làm thế nào để đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc.

Theo thống kê, đến năm 2020, diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đạt trên 12.000ha, sản lượng đạt trên 30 vạn tấn; mía đạt 7.500ha, sản lượng trên 53 vạn tấn; số lồng cá trên 4.500 lồng, sản lượng 10.000 tấn; gà ta đạt 5,2 triệu con... Đến năm 2025, quy mô sản xuất và sản lượng có thể tăng thêm 30%. Ngay từ lúc này, việc tìm các kênh phân phối hiệu quả là rất quan trọng. Chính vì vậy, vấn đề đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm phải được ưu tiên hàng đầu.

Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hoà Bình cho biết, Hoà Bình có một số mặt hàng chủ lực gắn với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như cam, bưởi, mía, lợn bản địa, gà đồi, cá Sông Đà... Gần 80ha sản xuất nông sản của tỉnh có chứng nhận VietGAP, chứng nhận an toàn thực phẩm như rau, củ, quả, thịt cá... được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng.

Mặc dù vậy, vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông sản của Hoà Bình vẫn đang là bài toán khó. Bởi hiện nay, giá cả nông sản vẫn bấp bênh, không ổn định. Nguyên nhân là do tỉnh chưa hình thành được nhiều mô hình sản xuất lớn gắn với tiêu thụ. Đó là chưa kể một số nơi ý thức của nông dân về sản xuất an toàn chưa cao.

Đây chính là lý do khiến Hòa Bình mong muốn được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên cổng thông tin điện tử đến các cộng đồng doanh nghiệp ở Hà Nội, các hệ thống siêu thị, nhà hàng, trung tâm tổ chức sự kiện…

Nâng cao ý thức bằng truyền thông

Ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội cho biết, việc kết nối tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành là rất quan trọng vì Hà Nội có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm nông nghiệp trong khi khả năng đáp ứng chưa được nhiều.

Một trong những phương thức có thể phủ rộng thông tin về đảm bảo ATTP đến từng hộ sản xuất của các địa phương là thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. VSATTP cũng là một chủ đề chính được đăng tải thường xuyên trên các phương tiện báo chí, truyền thông trong những năm gần đây, giúp công chúng ngày càng ý thức hơn tới quy trình sản xuất, cách thức tạo ra thực phẩm họ tiêu dùng hằng ngày, đồng thời đề cao vấn đề an toàn và dinh dưỡng. Đáng chú ý, báo chí truyền thông, qua những bài viết giàu tính phát hiện, cũng đã cảnh báo về quy trình sản xuất nông nghiệp không an toàn.

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Trưởng phòng Truyền thông, Cục An toàn thực phẩm, cho biết: Công tác tuyên truyền, giáo dục về an toàn thực phẩm hiện vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, chưa kết nối được nguồn thực phẩm sạch với người tiêu dùng. Công tác truyền thông tư vấn trực tiếp chưa được quan tâm đúng mức, công tác tuyên truyền đôi lúc còn rời rạc, thiếu gắn kết dẫn đến hiểu biết về an toàn thực phẩm của người dân bị hạn chế. Cùng với đó, nguồn lực phục vụ công tác truyền thông còn mỏng, đội ngũ cán bộ quản lý an toàn thực phẩm tuyến quận, huyện, phường, xã thường là kiêm nhiệm, gây khó khăn cho công tác truyền thông về an toàn thực phẩm.  

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách thấu đáo và toàn diện, thực tế vẫn còn tình trạng thông tin về ATTP thiếu khoa học, thiếu chính xác, thậm chí thông tin nhằm phục vụ mục đích không trong sáng, vụ lợi, được “cường điệu hóa”. Trong thời đại thông tin bùng nổ, sự phát triển của mạng xã hội thì những biến tướng này càng trở nên đáng sợ và lan rộng. Điều này cho thấy, trách nhiệm to lớn của báo chí chính thống không chỉ phải cung cấp thông tin một cách khoa học, đầy đủ, giúp công chúng có kiến thức tiêu dùng mà còn phải là những cơ quan giúp Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp định hướng, dẫn dắt dư luận và giảm tin đồn thất thiệt, các luồng dư luận xấu.

Hiện nay, nước ta có tới 24,5 triệu hộ nông dân chủ yếu sản xuất quy mô nhỏ, năng suất, chất lượng sản phẩm phụ thuộc nhiều vào phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, lạm dụng vật tư nông nghiệp đầu vào, cũng như thiếu kiểm soát đối với sản phẩm nguyên liệu; thiếu truy xuất nguồn gốc… đang là các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP. Vấn đề mấu chốt là cần một nền tảng pháp lý chuẩn khoa học và sự tham gia của nhiều bên để thực thi các phương thức thực hành nông nghiệp bền vững. Nông dân, cơ quan quản lý, các đơn vị sản xuất - phân phối, và bản thân các cơ quan báo chí, truyền thông đều có trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc đưa nông sản an toàn, đủ dinh dưỡng tới người tiêu dùng.

Nguyễn Thắng

Top