Ba Vì sẽ phát triển du lịch là ngành kinh tế chủ yếu

15/07/2016 4:25 PM

(Chinhphu.vn) – Mục tiêu của huyện Ba Vì đã đặt ra là tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có để đầu tư phát triển mạnh dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ yếu của huyện, đồng thời tăng cường mở rộng quy mô các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn.

Khu du lịch Ao Vua - Ba Vì.

Lợi thế về tài nguyên du lịch

Ông Hà Xuân Hưng, Bí thư huyện ủy Ba Vì cho biết, Ba Vì là huyện có khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, với hệ sinh thái phong phú, thảm thực vật đa dạng được coi là "lá phổi xanh" phía Tây Thủ đô, có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, với các danh lam thắng cảnh như: Ao Vua, Khoang Xanh- Suối Tiên, hồ Tiên Sa, Thiên Sơn- Suối Ngà, hồ Suối Hai, hồ Cẩm Quỳ, nước khoáng nóng Thuần Mỹ…

Là vùng mang đậm nét văn hoá xứ Đoài, nơi phát tích Thánh Tản Viên Sơn, trên địa bàn huyện Ba Vì có 598 di tích lịch sử văn hoá đã được xếp hạng, trong đó có trên 44 di tích cấp Quốc gia; 1 di tích cấp Quốc gia đặc biệt.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Khu du lịch Ba Vì - Suối Hai được xác định là địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Đề án phát triển du lịch cộng đồng ở xã Ba Vì, Ba Trại và Vân Hòa đã được nghiên cứu, khảo sát và nghiệm thu để thực hiện.

Đến cuối năm 2015, tổng giá trị sản xuất toàn ngành kinh tế của huyện đạt 20.293 tỷ đồng (đạt 102% kế hoạch). Trong đó, ngành dịch vụ - du lịch chiếm 52%; nông lâm nghiệp 32% . Thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng, tăng 20 triệu đồng so với năm 2010; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2010 – 2015 đạt 13,5%.

Ngành dịch vụ, du lịch của Ba Vì có tốc độ tăng trưởng khá, đến nay dần trở thành ngành kinh tế chủ yếu của huyện; tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 10%. Trong đó du lịch có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010- 2015 đạt 13,1%/năm; năm 2015 đã có 2,5 triệu lượt du khách tới Ba Vì, doanh thu 234 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập cho hàng ngàn lao động.

Du lịch phát triển đã góp phần tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hợp lý. Tuy nhiên, ông Hà Xuân Hưng cho biết, do địa bàn rộng, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện còn chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối giữa các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, đường liên xã, khu vực miền núi, dẫn đến khó khăn trong phát triển kinh tế, phát triển du lịch, dịch vụ.

Bên cạnh đó, hầu hết các điểm du lịch nhỏ bé, phân tán; sản phẩm du lịch chưa đa dạng; sự liên kết giữa các cơ sở du lịch trong vùng chưa chặt chẽ; quảng bá du lịch chưa sâu; nguồn lực đầu tư còn thấp; công tác quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn chậm. Hệ thống di tích, lễ hội chưa được khai thác đúng mức dẫn đến sự lãng phí tiềm năng du lịch.

Tạo đột phá về CCHC để phát triển

Để phát huy tối đa thế mạnh của địa phương, năm 2016, huyện ủy Ba Vì đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá về cải cách hành chính; xây dựng các chương trình công tác cụ thể hoá các mục tiêu về cải cách hành chính giai đoạn 2016 – 2020.

Ông Hà Xuân Hưng cho biết, trong những tháng đầu năm 2016, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là tăng cường kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao. Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa của huyện, bộ phận một cửa các xã, thị trấn để bảo đảm giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn, đúng thời hạn quy định.

Giai đoạn 2016 – 2020, Ba Vì đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân giai đạt 10,5 - 11%.  Cơ cấu kinh tế đến cuối năm 2020 tỷ trọng dịch vụ du lịch chiếm 55%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 24%, công nghiệp - xây dựng 21%...

Giải pháp chủ yếu của Ba Vì đưa ra để đạt mục tiêu tăng trưởng là tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành, lĩnh vực thế mạnh của huyện và các sản phẩm chất lượng cao, gắn với bảo vệ môi trường. Phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế nhằm khai thác và phát huy tốt các nguồn lực tổng hợp; đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đặc biệt, phát triển mạnh dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế chủ yếu; tăng cường mở rộng quy mô các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn; đầu tư xây dựng đường giao thông, xây dựng các khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tâm linh và du lịch nghỉ dưỡng.

Các sản phẩm du lịch, những điểm du lịch hiện có tiếp tục đầu tư nâng cấp qua việc kêu gọi đầu tư phát triển các dự án lớn, hình thành hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, giải trí ở khu vực sườn tây núi Ba Vì, hồ Suối Hai, khu nước khoáng nóng Thuần Mỹ. Tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, các khu du lịch nhằm xây dựng tuyến du lịch phong phú, đa dạng

Gia Huy

Top