Bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo người dân về ngộ độc thủy ngân

30/08/2019 3:09 PM

(Chinhphu.vn) - Liên quan đến vấn đề nguy cơ ngộ độc từ thủy ngân và lưu huỳnh từ vụ cháy khu nhà máy thuộc Công ty Cổ phần Bóng đèn, phích nước Rạng Đông (Hà Nội, hôm 28/8), Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ tới người dân những khuyến cáo dưới đây.

Trao đổi với báo chí, Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, trong ngày 30/8, Trung tâm chống độc đã tiếp nhận 10 bệnh nhân đến kiểm tra sức khỏe, trong đó có 2 người dân và 8 phóng viên tham gia hỗ trợ cứu hộ và đưa tin về vụ cháy hôm 28/8 tại Hà Nội. Tất cả các bệnh nhân này đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe với tinh thần chủ động, vì họ đều có dấu hiệu chung trước khi đến viện là đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi.

Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên cũng cho biết, bước đầu kết quả khám lâm sàng của 10 bệnh nhân trên là bình thường. Tuy nhiên, các xét nghiệm ngộ độc thuỷ ngân vẫn đang được tiến hành và đến nay chưa có kết quả.

Chuyên gia của Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai cũng chia sẻ, thuỷ ngân được sử dụng trong bóng đèn và nhiều đồ dùng khác trong gia đình. Trong vụ cháy này, nhiệt độ môi trường rất nóng, thuỷ ngân sẽ bốc hơi, nên gây nguy cơ ngộ độc đối với người hít phải trực tiếp hơi nóng, khí nóng trong vụ cháy.

“Vì vậy, những người có có nguy cơ ngộ độc thủy ngân là những người cứu hoả, công nhân cứu hộ, người dân trực tiếp tham gia cứu hộ trong đám cháy...Đó là những người trực tiếp hút phải khí nóng, hơi nóng khi tham gia chữa cháy. Tuy nhiên, nguy cơ ngộ độc còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: nồng độ thuỷ ngân cao hay ít, thời gian tiếp xúc với các hoạt động tại đám cháy...”, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.

Với phân tích trên, bác sỹ Nguyên cho rằng, những người có biểu hiện bất thường sau khi tiếp xúc tại đám cháy hoặc người gần khu vực đó, như: khó thở, ho nhiều, tức ngực, nôn mửa, đau bụng, choáng váng, tê chân tay, lú lẫn... thì nên đi khám.

Những người dân ở xa khu vực cháy, ít hít phải hơi nóng, khói.... thì xác suất ngộ độc không cao và cần dựa vào các triệu chứng biểu hiện thì mới cần thiết đi khám.

Người dân có thể đến các bệnh viện tuyến quận, thành phố ở Hà Nội để khám, lấy máu, nước tiểu, xét nghiệm nồng độ thuỷ ngân.

Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên cũng cho biết, nếu tình trạng ngộ độc thủy ngân kéo dài sẽ ảnh hưởng tới thần kinh, hô hấp, nội tạng...

Tuy nhiên, chuyên gia về chống độc này khẳng định, người dân không nên quá lo ngại. Vif nguy cơ cao nhất bị ngộ độc là lúc đang cháy, thủy ngân bốc hơi vào không khí, còn hiện tại đám cháy đã hết và cần có sự đánh giá của các chuyên gia về nguồn nước, đất, không khí, Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên nói.

Thuý Hà

Top