Bán hàng online: Cần siết chặt quản lý

24/08/2020 11:35 AM

(Chinhphu.vn) - Thương mại điện tử tại Việt Nam được nhận định có tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh khi người dân có xu hướng mua sắm trực tuyến thay vì mua tại điểm bán truyền thống. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã buôn bán hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ảnh minh họa

Biến tướng hàng giả, hàng nhái

Giữa lúc nhiều ngành nghề đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 thì thương mại điện tử, bán hàng online đã thực sự “lên ngôi” trong thời gian gần đây. Tổ chức Visa vừa công bố báo cáo cho biết ghi nhận số lượng người dùng mua sắm trực tuyến ở mức kỷ lục, với trung bình 30 triệu lượt mua hàng trực tuyến tại Việt Nam mỗi ngày. Tuy nhiên, bên cạnh việc phát triển ngày càng mạnh mẽ, thì hiện tượng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên các sàn thương mại điện tử cũng đang là quan ngại lớn.

Đơn cử như mới đây, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và Cục Quản lý thị trường Hà Nội đồng loạt kiểm tra 5 địa điểm bán hàng và kho chứa hàng của 2 website kinh doanh hàng hiệu là menshop79.com và Menshopfashion.com đã phát hiện, thu giữ gần 2.000 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, Hermes, Versace, Burberry… Thông tin từ Cục TMĐT và Kinh tế số cũng cho thấy, trong thời gian diễn ra cách ly xã hội do dịch Covid-19, lực lượng chức năng qua kiểm tra đã yêu cầu các sàn TMĐT như: Sendo.vn, Shopee.vn, Chotot.com, Lazada.vn, Tiki.vn... xử lý khoảng 16.200 gian hàng và 32.880 sản phẩm vi phạm kinh doanh trên môi trường mạng.

Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội cho biết, thực tế cho thấy, mọi hoạt động từ xét duyệt thông tin người bán, đăng tải thông tin hàng hóa, giao dịch, thanh toán đều thông qua đơn vị vận hành sàn giao dịch thương mại điện tử. Trong khi đó, nhiều sàn do có doanh thu từ việc thu phí giao dịch, đã thả lỏng việc xét duyệt hồ sơ của đối tượng tham gia sàn, dẫn đến hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái tràn lan trên mạng mà không có biện pháp kiểm soát; nhiều mặt hàng còn đăng tải bằng tiếng Trung, tiếng Hàn... khiến người tiêu dùng lúng túng khi tiếp cận thông tin. Mặc dù các sàn thương mại điện tử như Lazada.vn, Sendo.vn, Shopee.vn, Tiki.vn... đã tham gia ký kết với Bộ Công Thương cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử” nhưng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến.

Hơn nữa, hoạt động kinh doanh này có thể dễ dàng triển khai bởi việc đầu tư các trang thiết bị livestream rất rẻ tiền nhưng được thúc đẩy bởi mạng xã hội nên mang lại hiệu quả chốt đơn hàng rất cao.

Mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, song các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử vi phạm pháp luật diễn biến ngày càng phức tạp. Khó khăn lớn nhất là các đối tượng không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận. Hàng hóa được phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, thậm chí chỉ bán hàng qua cộng tác viên, trung gian, đồng thời các website được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát, cũng như xác định chứng cứ để đấu tranh, xử lý.

Tăng cường phối hợp, ngăn chặn

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, cơ quan quản lý đã không theo kịp sự phát triển nhanh chóng và đa dạng, phong phú của sàn thương mại điện tử, khiến tạo ra những kẽ hở để từ đó gian thương lợi dụng thực hiện những hành vi phi pháp. Thương mại điện tử phát triển rất nhanh mà quy định về quản lý loại hình này chưa đi vào nề nếp, vì thế khó để bảo đảm bình đẳng giữa người mua người bán.

Do đó, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần sự chung tay của các cơ quan liên quan như cơ quan thuế, hải quan để có thể tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, hướng tới mục tiêu phát triển về thương mại điện tử trong tương lai.

Để công tác phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng nhập lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ... trên môi trường mạng hiệu quả hơn, ông Chu Xuân Kiên cho biết, thời gian tới, Cục Quản lý thị trường Hà Nội chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường quản lý địa bàn, thống kê và nắm thông tin về các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; kiểm tra địa bàn trọng điểm, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng...

Bên cạnh đó, cơ quan lập pháp cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên sàn thương mại điện tử; tăng nặng hình thức xử phạt vi phạm hành chính nhằm ngăn chặn hiện tượng nhờn luật do mức độ xử phạt quá thấp so với lợi nhuận thu được. Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử, ngăn chặn tình trạng lợi dụng để bán hàng giả, hàng lậu, lừa đảo người tiêu dùng.

Đặc biệt, nhiều địa điểm hoạt động kinh doanh trực tuyến nằm lẫn trong nhà dân, khu chung cư, khiến lực lượng chức năng khó tiếp cận, kiểm tra, xử lý. Các đối tượng còn thường xuyên lợi dụng kho hàng, xe hàng của các hãng chuyển phát, giao nhận nhưng lực lượng quản lý thị trường không có thẩm quyền dừng xe, mở niêm phong kiểm tra.

Bên cạnh đó, việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch thương mại điện tử, hàng hóa giao dịch còn gặp nhiều khó khăn bởi lực lượng quản lý thị trường không có thẩm quyền đề xuất lấy các sao kê ngân hàng, theo dõi giao dịch tài chính của đối tượng. Vì vậy, ban quản lý các khu chung cư, các công ty chuyển phát nhanh cũng như các ngân hàng cần chung tay với lực lượng quản lý thị trường trong việc đấu tranh chống gian lận, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường mạng.

Diệu Anh

Top