Bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô

07/02/2016 10:36 AM

(Chinhphu.vn) – Vượt trên 180% kế hoạch giảm nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội xuống còn 1,5% là hiệu quả của chính sách hỗ trợ giảm nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội mà TP. Hà Nội đang nỗ lực phấn đấu trong những năm qua khi liên tục vượt chỉ tiêu giảm nghèo.

Ảnh minh họa

Định hướng giảm nghèo bền vững

Đầu năm 2015, Hà Nội đặt mục tiêu đến cuối năm giảm 3.500 hộ nghèo, đưa tỷ lệ giảm nghèo của Thành phố xuống dưới 1,9%. Nhưng đến cuối năm, bằng nhiều giải pháp tích cực cùng với các chính sách hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả, toàn Thành phố đã giảm được 6.550 hộ nghèo, đạt 187% kế hoạch đã đặt ra. Đây được đánh giá là một thắng lợi tích cực của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội trong kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2015.

Những giải pháp mà ngành đặt ra và thực hiện có hiệu quả việc giảm nghèo là tổ chức các hội nghị giảm nghèo bền vững và phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều tới từng quận, huyện, thị xã. Triển khai nguồn vốn vay ưu đãi cho trên 11.000 hộ nghèo, 30.000 lượt hộ cận nghèo, 1.300 lượt hộ mới thoát nghèo, 8.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí cho vay trên 1.600 tỷ đồng.

Các địa phương đạt chỉ tiêu giảm nghèo cao của Thành phố là quận Hà Đông, Long Biên, Tây Hồ, huyện Mỹ Đức, Gia Lâm, Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Thường Tín, Sơn Tây, Ứng Hoà.

Năm 2016, Hà Nội tiếp tục đặt chỉ tiêu giảm nghèo bền vững, đưa tỷ lệ giảm nghèo xuống còn 1,3% (giảm 2% so với năm 2015) tương đương với giảm tiếp 3.500 hộ nghèo. Đồng thời, tập trung xây dựng chuẩn nghèo mới và kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020; đặc biệt, chú trọng công tác giảm nghèo tại các xã vùng đồng bào dân tộc, xây dựng các giải pháp tiếp cận nghèo theo hướng đa chiều.

Giải pháp cụ thể là tăng cường hỗ trợ phát triển ngành nghề, nhất là những nơi chưa có làng nghề, tập trung các nghề truyền thống, quy mô nhỏ, nhóm hộ gia đình; hỗ trợ giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các mô hình sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ; xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả phù hợp với từng địa phương.

Ngoài ra, tăng cường chính sách cho vay hỗ trợ giảm nghèo; chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo theo quy định được vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để trang trải chi phí học tập, sinh hoạt trong thời gian theo học. Tiếp tục cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người nghèo, người cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người mù có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân phong và người dân các xã diện đặc biệt khó khăn.

Tạo việc làm mới cho 150 nghìn lao động

Năm 2015, toàn Thành phố đã giải quyết việc làm cho trên 149.00 lao động, đạt 101% kế hoạch đặt ra. Tổng số 321 cơ sở dạy nghề trên địa bàn Thành phố đã tuyển sinh và dạy nghề cho 148.000 lượt người, đạt 100% kế hoạch đặt ra. Trong đó, các quận, huyện đã tổ chức 715 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, dạy cho trên 24.000 người với các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Trên tinh thần nâng cao chất lượng hoạt động của các sàn giao dịch việc làm, các Trung tâm dịch vụ việc làm đã tổ chức 166 phiên giao dịch với trên 5.000 đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Có trên 58.000 lượt lao động được tư vấn giới thiệu việc làm, trong đó số lao động được tuyển dụng tại các phiên giao dịch là 25.000 người.

Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm đã xét duyệt 4.600 dự án vay vốn giải quyết việc làm với số tiền 703 tỷ đồng, tạo việc làm cho 35.500 lao động. Xuất khẩu lao động 2.000 đi một số thị trường lao động như Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia và một số nước châu Phi.

Tuy nhiên, chất lượng công tác đào tạo nghề năm 2015 được TP. Hà Nội thẳng thắn nhận định là chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội, do cơ sở vật chất của các cơ sở dạy nghề còn thiếu, trình độ giáo viên dạy nghề nhất là kỹ năng nghề còn hạn chế; việc đào tạo những nghành nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp cũng còn thiếu và yếu. Trong đó, số lao động có trình độ chuyên môn phân bố không đều, tập trung nhiều ở các quận nội thành. Bên cạnh đó, số lao động qua đào tạo nghề nhiều nơi không tìm được việc làm do không kỹ năng nghề chưa đáp ứng hoặc ngành nghề học không phù hợp nhu cầu tuyển dụng

Chính vì vậy, Thành phố đã đặt mục tiêu cho năm 2016 là tạo việc làm mới cho 150.000 người, tuyển mới đào tạo nghề cho 148.000 người. Trong đó, giải pháp đào tạo nghề và đào tạo nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả được đặc biệt đặt ra theo hướng gắn kết đào tạo nghề với sử dụng lao động thực tiễn của thị trường lao động, cụ thể là đào tạo theo đặt hàng của các doanh nghiệp… Có như vậy Thành phố mới tạo ra được nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Đặc biệt, Thành phố chú trọng đào tạo lao động trình độ cao trong các ngành nghề như: Điện, điện tử, cơ điện, cơ khí, kỹ thuật viễn thông… để nâng cao năng lực cạnh tranh cho thị trường đào tạo lao động tại Hà Nội. Tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các đơn vị, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động. Muốn vậy, Thành phố đã có kế hoạch thực hiện đề án rà soát, sắp xếp hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn Thành phố đã được đặt ra, nâng cao sàn giao dịch việc làm, đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho đội ngũ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chết cho các trường nghề để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn Thành phố.

Huy Anh

Top