Bảo đảm an toàn tuyệt đối trong trường học

26/04/2019 11:00 AM

(Chinhphu.vn) – Mới đây, tại Hội nghị giao ban UBND thành phố Hà Nội tháng 4/2019, lãnh đạo Sở GD&ĐT đã báo cáo công tác an toàn thực phẩm, an toàn trường học và phòng chống bạo lực học đường, phòng chống đuối nước trong trường học.

Ảnh minh họa

Siết chặt việc cung ứng thực phẩm vào trường học

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, trên địa bàn Thành phố hiện có gần 1.700 trường học tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Hằng ngày, các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố phục vụ trung bình gần 800.000 học sinh ăn bán trú từ 1-4 bữa/ngày theo đặc thù từng trường. Các cơ sở đều tuân thủ các điều kiện theo quy định về ATTP như: Bảo đảm các thủ tục pháp lý, có hợp đồng cung ứng thực phẩm an toàn, thực hiện khám sức khỏe cho người trực tiếp liên quan đến thực phẩm, tập huấn để có kiến thức về ATTP, tự cam kết bảo đảm ATTP; về điều kiện cơ sở nhiều đơn vị trường học bảo đảm bếp ăn một chiều, phương tiện dụng cụ không thôi nhiễm, bảo đảm điều kiện kho bảo quản thực phẩm.

Hầu hết các trường thực hiện nghiêm túc chế độ giao nhận thực phẩm, kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn và thực hành vệ sinh của người tham gia chế biến thực phẩm. Việc nhận thực phẩm hằng ngày đều có sự giám sát của dại diện cha mẹ học sinh...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại, hạn chế như cơ sở vật chất tại một số nhà trường đã xuống cấp, khu chế biến sắp xếp chưa gọn gàng, sạch sẽ hoặc cơ sở chật hẹp bếp không bố trí một chiều, thiếu lưới chắn côn trùng… Một số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập cải tạo từ nhà ở nên bếp ăn không bảo đảm quy chuẩn.

Một số địa phương chưa chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường có tổ chức bán trú cho học sinh nên một số trường không có khu bếp, phải nấu ở địa điểm khác, sau đó vận chuyển đến trường, khó kiểm soát quá trình vận chuyển.

Một số nhân viên trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm, cô nuôi ý thức thực hành ATTP chưa cao; còn xảy ra sự cố ATTP tại một trường mầm non và một trường tiểu học, còn có vụ việc báo chí phản ánh liên quan đến vệ sinh thực phẩm, nước uống...

Thời gian tới, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường bảo đảm các thủ tục pháp lý về ATTP, bảo đảm cung ứng thực phẩm an toàn, chú trọng việc giám sát truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Duy trì công khai thực đơn, thực phẩm hằng ngày. Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước triển khai hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện công tác bảo đảm ATTP trong trường học, phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất xây mới, sửa chữa nâng cấp bếp ăn, phòng ăn, hệ thông cấp thoát nước...bảo đảm ATTP. Đẩy mạnh công tác truyền thông cho học sinh về ATTP, vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, giữ gìn nguồn nước sạch.

Tăng cường phòng chống thương tích, đuối nước cho học sinh

Về công tác an toàn trường học và phòng chống bạo lực học đường, trên cơ sở Quy chế phối hợp giữa Công an Thành phố và Sở GD&ĐT, chỉ đạo các cơ sở giáo dục và công an cùng cấp triển khai phù hợp với thực tiễn tình hình của địa phương bảo đảm kịp thời xử lý các vụ việc trong và ngoài nhà trường làm mất an toàn, an ninh trường học; giao ban thường kỳ, đều đặn.

Tiếp tục phối hợp với Công an Thành phố chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời trao đổi các thông tin về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, kích động cán bộ, nhà giáo, học sinh tham gia vào các hoạt động phức tạp; thông báo kịp thời với nhà trường các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến học sinh, cán bộ, giáo viên để cùng phối hợp, xử lý.

Phối hợp với chính quyền địa phương xử lý, đình chỉ hoạt động các hàng quán không phép, điểm trông giữ xe trái phép, các cửa hàng internet xung quanh trường theo quy định...

Về công tác phổ cập bơi và phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn Thành phố đã được triển khai rộng rãi và đạt được những thành tích bước đầu. Mô hình “bể bơi thông minh” có nhiều ưu điểm nổi bật, phù hợp việc dạy bơi đại trà trong các trường tiểu học như: Bể bơi được lắp đặt phù hợp với diện tích của trường hiện có; thuận lợi trong việc tổ chức, quản lí học sinh; Sau khi sử dụng có thể tháo dỡ bể, trả lại mặt bằng cho nhà trường để tiếp tục tổ chức các hoạt động dạy và học khác.

Trong những năm gần đây, các quận, huyện đã chú trọng đến công tác phổ cập bơi cho học sinh trong đó chú trọng đến học sinh lớp 3,4,5 của bậc tiểu học; UBND các quận, huyện, thị xã đã đầu tư kinh phí cho các nhà trường lắp “bể bơi thông minh” và hỗ trợ một phần kinh phí cho tất cả học sinh tham gia học bơi trong hè như quận Thanh Xuân, Cầu giấy; đã có nhiều bể bơi nước nóng được xây dựng ở các trường học.

Thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục tăng cường công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có chuyên môn bơi để tự đảm nhiệm việc dạy bơi cho học sinh; rà soát số học sinh chưa biết bơi để xây dựng kế hoạch sát với thực tế từng năm và triển khai công tác dạy bơi cho học sinh đạt hiệu quả cao.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc phổ cập bơi và phòng chống đuối nước cho học sinh, coi đây là trách nhiệm của cả cộng đồng và xã hội. Tăng cường công tác giáo dục kĩ năng, xử lý tình huống và biết cách phòng, tránh các nơi nguy hiểm có thể xảy ra tai nạn đuối nước; biết tìm sự giúp đỡ của người lớn khi có sự cố xảy ra.

Bích Phương

Top