Bảo đảm trẻ em gái được thụ hưởng sự tiến bộ và công bằng xã hội

08/10/2020 9:02 AM

(Chinhphu.vn) - Ngày 8/10/2020, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Ứng Hòa tổ chức hội nghị biểu dương trẻ em gái chăm ngoan học giỏi trong các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số nhân ngày quốc tế trẻ em gái 11/10.

Phát biểu tại hội nghị, TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ lời kêu gọi phải bảo đảm trẻ em gái toàn cầu được thụ hưởng sự tiến bộ và công bằng xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 11/10 hàng năm là "Ngày quốc tế trẻ em gái" (International Day of the Girl).  Kỷ niệm 9 năm ngày Quốc tế trẻ em gái, năm nay Liên Hợp Quốc lựa chọn chủ đề: “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”. Không đơn giản chỉ là một ngày kỉ niệm, Ngày Quốc tế Trẻ em gái ra đời nhằm mục đích trao cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới bao gồm các lĩnh vực như giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn... Các em có quyền được hưởng một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt, không chỉ trong suốt những năm tháng đầu đời quan trọng mà cả khi trở thành phụ nữ. Nếu được quan tâm trong thời gian vị thành niên, trẻ em gái sẽ có tiềm năng để thay đổi thế giới, trở thành những người lao động, các bà mẹ, các doanh nhân, cố vấn, các nhà lãnh đạo trong gia đình và các nhà lãnh đạo chính trị trong xã hội của ngày mai. Bằng việc công nhận ngày 11/10 hằng năm là Ngày Quốc tế Trẻ em gái, thế giới đang chứng minh sự thật rằng làm con gái không hề là việc dễ dàng và trẻ em gái trên toàn cầu xứng đáng đón nhận sự giáo dục, bảo vệ tốt hơn và một tương lai tươi đẹp hơn.

 

Để thực hiện tốt công tác dân số trong tình hình mới, thành phố Hà Nội luôn quan tâm và coi trọng công tác Dân số - KHKGĐ, chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Hiện nay Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác Dân số - KHHGĐ chuyển hướng sang Dân số và phát triển. Kế hoạch hóa gia đình không những góp phần làm giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến việc giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, đồng thời giảm số ca tử vong mẹ và tử vong trẻ em; tỷ số giới tính khi sinh của của thành phố Hà Nội giảm dần từ 117,6 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2008 xuống còn 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2019; chỉ tiêu năm 2020 là 113 trẻ trai/100 trẻ gái, theo số liệu 9 tháng, tỷ số giới tính khi sinh của thành phố ở mức 111,5 trẻ trai/100 trẻ gái. Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn Thành phố đang có xu hướng giảm nhưng vẫn trên mức báo động. Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời như hiện nay, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, an ninh, chính trị; dẫn đến hiện tượng thiếu nữ thừa nam trong độ tuổi kết hôn và dẫn đến phá vỡ cấu trúc gia đình ảnh hưởng tới chất lượng dân số trong tương lai. 

Trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10 và Ngày Quốc tế Người cao tuổi Việt Nam năm 2020, Hà Nội phát động tổ chức kỷ niệm rộng khắp trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại một số đơn vị Ứng Hòa, Đống Đa tổ chức hội nghị biểu dương trẻ em gái chăm ngoan học giỏi trong các gia đình tiêu biểu; Thanh Oai, Hai Bà Trưng, Phúc Thọ, Ba Đình, Hoàn Kiếm tổ chức điểm truyền thông hưởng ứng Ngày quốc tế trẻ em gái 11/10… Ngoài ra, các đơn vị tổ chức truyền thông bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, nhân bản, cấp phát tờ rơi sách mỏng tuyên truyền về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh… 

Tuy nhiên, công tác dân số ở Thủ đô vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức. Do cơ cấu dân số trẻ nên hằng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn ở mức cao, góp phần làm tăng số sinh của thành phố; tốc độ gia tăng dân số cơ học hàng năm ở mức cao, góp phần làm tăng quy mô dân số. Quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, dân trí không đồng đều, nhận thức và tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao. 

Nhằm đẩy mạnh các biện pháp nâng cao chất lượng công tác Dân số - KHHGĐ, PGS. TS Hoàng Đức Hạnh yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về công tác dân số trong tình hình mới; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2025, tăng cường công tác phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể trong việc nâng cao nhận thức của lãnh đạo và truyền thông lồng ghép với các nội dung chuyên đề tại cộng đồng về mất cân bằng giới tính khi sinh và thực thi chính sách giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tăng cường tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ, trẻ em gái, xóa bỏ bất bình đẳng giới góp phần làm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, vận động từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái; tuyên truyền về già hóa dân số, cộng đồng chung tay chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…

 

Tại huyện Ứng Hòa luôn quan tâm chú trọng nâng cao chất lượng dân số, đẩy mạnh các biện pháp khống chế và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. 9 tháng đầu năm 2020 là 112 trẻ trai/ 100 trẻ gái. Huyện đã tăng cường công tác truyền thông về dân số - KHHGĐ, nâng cao nhận thức người dân về bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh; tăng cường kiểm tra các cơ sở y tế thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế trong việc siêu âm không tiết lộ giới tính thai nhi, không thực hiện loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính... Trên địa bàn huyện có rất nhiều các tấm gương bé gái chăm ngoan học giỏi, rất nhiều các gia đình đã, đang và sẽ vẫn thực hiện tốt chính sách dân số. Tại hội nghị, đã biểu dương 100 trẻ em gái có thành tích học tập tốt của các gia đình thực hiện tốt chính sách dân số.

Thiện Tâm

 

Top