Bảo tàng – Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa

24/09/2016 9:16 AM

(Chinhphu.vn) – Bảo tàng không chỉ là nơi bảo tồn, lưu giữ, trưng bày, khai thác, phát huy giá trị những di sản của dân tộc mà còn là nơi cung cấp cho du khách một cách nhìn tương đối đầy đủ về quá trình phát triển của đất nước và con người Việt Nam.

So với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, Hà Nội là một thành phố có tiềm năng để phát triển du lịch. Cùng với các công trình kiến trúc, Hà Nội còn sở hữu một hệ thống bảo tàng đa dạng bậc nhất Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng trên dưới 100 bảo tàng lớn nhỏ trong mọi lĩnh vực, song chỉ có một số bảo tàng có khuôn viên đẹp, nội dung trưng bày bổ ích và được người dân đánh giá cao như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ Nữ, Bảo tàng Công an Hà Nội,...

Tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc

Tại các quốc gia phát triển trên thế giới, bảo tàng luôn được coi là “bộ mặt quốc gia”, là nơi thu hút khách du lịch. Còn ở Việt Nam, những bảo tàng thu hút được du khách có thể nói vẫn còn rất khiêm tốn. Trong số những bảo tàng hút khách đó, phải kể đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, bởi đây được coi là bảo tàng hút khách nhất cả nước. Tháng 7 vừa qua, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng danh hiệu “Điểm tham quan hàng đầu Việt Nam năm 2016”. Đây cũng là lần thứ 2 liên tiếp, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhận được danh hiệu này.

Các chiến sĩ Công an tham quan khu trưng bày hiện vật tại Bảo tàng Công an Hà Nội. Ảnh: Thành Nam

Nằm trong khuôn viên rộng 3ha với 3 khu trưng bày gồm: khu trưng bày trong nhà, khu trưng bày ngoài trời và khu bảo tàng Đông Nam Á mới được khánh thành năm 2013, Bảo tàng Dân tộc học không chỉ tạo cho du khách sự thích thú, cảm giác như đang du lịch khám phá giữa lòng Thủ đô, mà từ cách trình bày, bố trí đến nội dung thể hiện đều rất khoa học và logic, khiến người xem có thể dễ dàng nắm bắt và “thẩm thấu” sắc màu văn hóa của các dân tộc anh em.

Cùng con tham gia buổi học dã ngoại tới Bảo tàng Dân tộc học vào một sáng cuối tuần, chị Nguyễn Thị Tuyết trú tại đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị thường đi đến đây cùng lũ trẻ, bởi bọn trẻ rất thích nơi này vì giữa lòng thành phố ồn ào đông đúc lại có một khu vui chơi lý tưởng. “Ở đây không khí tuyệt vời. Ngay gần đường nhưng gần như không có tiếng ồn và khói bụi vì nó được che chắn bởi những rặng cây xanh mát. Ở đây không chỉ trưng bày các hình ảnh, hiện vật đặc trưng của tất cả 54 dân tộc anh em trên đất nước, mà còn thường tổ chức, mô phỏng lại những nghề và trò chơi truyền thống của các dân tộc. Không những vậy, dịp cuối tuần, các cháu còn được xem múa rối nữa”, chị Tuyết chia sẻ.

Nếu từng có dịp đến tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, chắc chắn chúng ta sẽ hiểu vì sao bảo tàng này lại có sức hút với du khách đến vậy. Với bộ sưu tập lên đến 15.000 hiện vật, 42.000 thước phim và ảnh, cộng thêm cách trưng bày vô cùng sáng tạo, đã tạo nên không gian hấp dẫn cho người xem. Ngoài việc Bảo tàng đã phân ra các khu trưng bày nhất thời theo chủ đề, các khu trưng bày ngoài trời, khu trưng bày hiện vật, hình ảnh về nghệ thuật nói chung của Đông Nam Á…nhằm phục vụ tốt nhất khách tham quan, các hiện vật cũng như hình ảnh ở đây đều được dịch ra 3 thứ tiếng là tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp.

Điều đặc biệt nhất mà bất kỳ ai cũng nhận ra khi đã từng đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đó là ngoài việc được tìm hiểu về văn hóa các dân tộc Việt Nam, từ trang phục, nhà ở, nếp sinh hoạt..., Bảo tàng còn liên tục tổ chức các sự kiện theo chủ đề, đặc biệt vào các dịp 1/6, tết Trung thu, tết Nguyên Đán... Vì vậy, Bảo tàng Dân tộc học vẫn được coi là một trong những điểm sáng hiếm có so với nhiều mô hình trưng bày, tôn vinh giá trị văn hóa của các dân tộc Việt đang chịu cảnh thờ ơ, quay lưng của du khách.

Thấu hiểu giá trị lịch sử

Một địa chỉ tham quan được đánh giá cao, thu hút du khách nữa là Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Đến Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam khách tham quan có thêm những trải nghiệm mới về rất nhiều câu chuyện xúc động về người phụ nữ Việt Nam như sợi dây phơi được tết bằng tóc cùng chuyện của những người phụ nữ trong tù hay câu chuyện về lá thư của chị Tần, tiểu đội trưởng của 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc viết về cho mẹ 5 ngày trước khi khi hy sinh, cùng nhiều và rất nhiều những hiện vật, hình ảnh, câu chuyện, con người... như đưa chúng ta trở về, trải nghiệm qua từng lời kể, khiến ta được thêm một lần biết xúc động thực sự, để thêm một lần cảm phục hơn người phụ nữ Việt Nam.

Cùng với các bảo tàng trên, trong những năm gần đây, Hà Nội còn mở thêm một vài Bảo tàng mới như Bảo tàng Công an Hà Nội, Bảo tàng Thiên nhiên. Dù mới đi vào hoạt động được một thời gian ngắn, nhưng các bảo tàng này cũng đã thu hút được khá nhiều du khách cùng những nhận xét tích cực.

Trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tám lịch sử, đến bất kỳ khu trưng bày nào của Bảo tàng Công an Hà Nội, chúng ta đều có thể bắt gặp từng tốp khách đến thăm quan. Đó là những du khách nước ngoài đi tự do, là từng nhóm cán bộ chiến sỹ của các đơn vị lực lượng vũ trang Thủ đô. Bồi hồi, xúc động trước những ký ức của các chiễn sỹ Công an Thủ đô qua các thời kỳ, anh Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Công an huyện Ba Vì cho biết, trong không khí chào mừng ngày thành lập ngành 19/8 và Quốc khánh 2/9, huyện Ba Vì đã tổ chức cho cán bộ chiến sỹ đến thăm quan Bảo tàng để anh em đơn vị có dịp ôn lại truyền thống tốt đẹp của ngành, tưởng nhớ công lao của các anh hùng, liệt sĩ Công an nhân dân qua các thời kỳ. Đồng thời, thông qua hoạt động này, phát huy truyền thống của ngành, cán bộ chiến sĩ công an huyện Ba Vì biết lấy những tấm gương của lớp cha anh mình để tự soi lại mình, tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chia sẻ về những hoạt động nhằm thu hút, hấp dẫn công chúng, một chiến sỹ phục vụ tại Bảo tàng Công an Hà Nội cho biết, Bảo tàng Công an Hà Nội luôn mở cửa miễn phí cho công chúng Thủ đô và khách du lịch. Đến với Bảo tàng Công an Hà Nội, bạn có thể yêu cầu được thuyết minh miễn phí dù bạn đi một mình hay là đi theo đoàn. Vào các dịp cuối tuần, nếu các bậc phụ huynh đưa con nhỏ đến thăm quan, ngoài việc hiểu thêm về các hoạt động cũng như lịch sử của ngành công an, các bạn nhỏ còn được mặc quần áo cảnh sát, sử dụng một số trang thiết bị để trải nghiệm công việc của các chiến sỹ công an, đồng thời còn được chụp ảnh lưu niệm. Sắp tới, Bảo tàng sẽ có chương trình hướng dẫn trẻ về luật giao thông, chương trình tự vệ.

Thành Nam

Top