Bảo tồn kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội

29/03/2016 4:29 PM

(Chinhphu.vn) - Việc bảo tồn các công trình kiến trúc thuộc địa Pháp tại Hà Nội chính là bảo tồn lịch sử. Kiến trúc Pháp thể hiện sự đa dạng của văn hóa và sự phát triển mối giao thoa văn hóa Đông – Tây chính là di sản không phải thủ đô nào cũng có được trên thế giới.

Nhà Hát Lớn Hà Nội, một trong những công trình tiêu biểu của việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản từ kiến trúc Pháp. Ảnh: Nguyễn Thắng

Bảo tồn bền vững

Theo GS Hoàng Đạo Kính, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, một bậc thầy về di sản trùng tu thì bảo tồn kiến trúc trong các đô thị muốn được coi là bền vững cần đảm bảo cả ba yếu tố: Văn hóa xã hội, kinh tế và môi trường

Dưới góc độ văn hóa xã hội, các công trình di sản hiện hữu trong một xã hội đương đại tạo ra sự cân bằng và hài hòa với thời đại. “Bảo tồn di sản kiến trúc thuộc địa Pháp chính là bảo tồn một phần lịch sử Hà Nội, một thành phố có lịch sử lâu đời trong đó có 80 năm dưới sự thống trị của thực dân Pháp và cuộc đấu tranh chống lại sự thống trị này. Bên cạnh đó, các công trình kiến trúc chính là vật chứng lịch sử cho sự giao thoa văn hóa Việt - Pháp, văn hóa Đông – Tây”, GS Hoàng Đạo Kính nhận định.

Về mặt xã hội, các công trình kiến trúc thuộc địa Pháp đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của không gian sinh hoạt cộng đồng của thành phố Hà Nội. Từ các công trình công cộng như nhà hát, viện bảo tàng, trường học, nhà thờ đến các công trình nhà ở biệt thự đã tồn tại từ rất lâu và trở thành một bộ phận hữu cơ trong đời sống của người dân, kết nối các tầng lớp trong xã hội một cách bền vững...

Bảo tồn bền vững dưới góc độ kinh tế chính là bảo tồn kết hợp khai thác giá trị. Bảo tồn di sản kiến trúc thuộc địa Pháp trong quá trình phát triển kinh tế của Hà Nội được xem là bền vững, khi nó không tạo rào cản cho sự phát triển kinh tế mà còn giúp kinh tế phát triển.

Theo KTS. Hoàng Đạo Kính, các công trình kiến trúc thuộc địa Pháp chính là một quỹ tài sản đô thị đặc biệt của TP Hà Nội. Về mặt kinh tế, cần phải có một chiến lược khai thác hợp lý và lâu dài các giá trị của khối tài sản này. Bên cạnh đó, khai thác hoạt động kinh tế hiệu quả sẽ tạo nguồn lực vật chất, tài chính có tác dụng hỗ trợ nâng cao khả năng bảo trì di tích, các công trình thường xuyên và hiệu quả. Đây chính là một hình thức tái đầu tư để phát triển. Một trong số những cách làm hiệu quả đó là việc thông qua du lịch. Bản thân mỗi công trình kiến trúc thời Pháp thuộc mang trong mình một giá trị lịch sử văn hóa nhất định. Kiến trúc thuộc địa Pháp ở Hà Nội, đầu thể kỉ 20 vốn được ca tụng với những thành phố đẹp nhất vùng Viễn Đông. Các công trình từ kiến trúc biệt thự, dinh thự, hay khu phố Pháp đều có thể trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Tùy theo các đặc điểm về công năng sử dụng, giá trị văn hóa, hình ảnh kiến trúc của công trình mà chúng ta có đưa ra những giải pháp linh hoạt ở các cấp độ khác nhau từ công trình - tuyến phố - khu vực di sản.

Đối với môi trường thiên nhiên, công trình di sản cần phải được bảo tồn tránh các tác động có hại của môi trường thiên nhiên, như gió bão, nắng nóng, độ ẩm… Việc duy trì và phát triển môi trường vi khí hậu và cảnh quan khu vực di sản (cây xanh, mặt nước) là hết sức quan trọng

Cần bảo tồn và khai thác các điểm nhìn, hướng nhìn, trường nhìn, góc nhìn có lợi nhất cho di sản trong ngữ cảnh khu vực, tuyến phố gắn liền với công trình di sản. Có thể kết hợp bảo tồn di sản tránh tác động có hại của thiên nhiên mà vẫn bảo tồn môi trường thị giác...

“Cuộc chiến” thời bình

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hiệp hội KTS Việt Nam cho rằng gìn giữ các di sản kiến trúc trong lòng Thủ đô hiện nay như một cuộc chiến giữa thời bình. Hiện trạng tu nhân hóa nhiều biệt thự dẫn tới sự quá tải của công trình, “Mỗi biệt thự ngày xưa được thiết kế cho một gia đình, nay có đến cả chục hộ cùng chung sống. Tuổi thọ công trình quá cao, trong khi đó công tác duy tu bảo dưỡng thì quá hời hợt. Việc sập biệt thự cổ ở 107 Trần Hưng Đạo là một ví dụ rất đau lòng với những người biết trân trọng di sản của thủ đô này”, KTS Tùng suy ngẫm.

Theo Hiệp hội KTS Hà Nội, một trong những đặc điểm các khu vực được người Pháp quy hoạch xây dựng tại Hà Nội đó là các ô phố được chia vuông vắn, mang tính hình học cao.

Đạng chiếm tỉ lệ lớn nhất là các ô phố nhà ở. Những ô phố kiểu này có thể thấy ở khắp nơi trong thành phố. Khu phố dành cho người Pháp phía nam hồ Hoàn Kiếm, ở khu vực phía tây của thành phố như khu Ba Đình, Quán Thánh hoặc khu vực dành cho công chức người Việt ở khu Bùi Thị Xuân.

Dạng ô phố tiếp theo là dành riêng cho các công trình công cộng như một công trình hành chính, một trường học, một bệnh viện lớn. Với các ô phố loại này, do hiện nay là các cơ quan, công thự của Nhà nước nên việc bảo tồn ít nhiều sẽ dễ dàng hơn do tính đồng nhất của chủ sở hữu.

Dạng ô phố cuối cùng là ô phố hỗn hợp. Đây là những ô phố bao gồm cả công trình công cộng và nhà ở. Những ô phố kiểu này thường xuất hiện ở khu vực trung tâm của khu phố Pháp từ khu vực quảng trường Ba Đình tới khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm tới phố Trần Hưng Đạo.

Để duy trì được tỷ lệ và hình thái ô phố và cảnh quan đường phố, nên tập trung các công trình cao tầng bên trong lõi ô phố để giãn dân tại chỗ. Việc giải phóng diện tích lõi ô phố, giãn dân tại chỗ và bóc tách các kiến trúc mới phát sinh chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức trong bối cảnh sử dụng và sở hữu vô cùng phức tạp của các căn biệt thự hiện nay. Chính vì vậy, càng cần phải có sự cộng tác, tham vấn của cộng đồng dân cư trong việc triển khai cũng như sự kết hợp của các nhà đầu tư.

Với ô phố công cộng và ô phố hỗn hợp, giải pháp cần thiết là ưu tiên bảo tồn, tôn tạo các công trình công cộng và không gian công cộng, tạo sự kết nối các không gian cảnh quan xung quanh.

“Với những công trình đã xuống cấp cần phải khảo sát, đánh giá các bộ phận hư hỏng, mức độ hư hỏng. Tiến hành trùng tu trên cơ sở các tài liệu lưu trữ, ảnh chụp trước đây hay các tài liệu có tính khoa học khác để không dẫn tới sự biến đổi tính nguyên bản của công trình. Đây là một quá trình đòi hỏi có sự nghiên cứu tỉ mỉ, khách quan và khoa học, tránh những sự nhầm lẫn của các bộ phận kiến trúc phát sinh sau 1954”, KTS Tùng nhấn mạnh.

Sở Xây dựng Hà Nội đã rà soát, chấm điểm, xếp loại danh mục 1.540 căn biệt thự thuộc mọi thành phần sở hữu trên địa bàn thành phố. Theo đó, Hà Nội đưa 1.253 căn vào danh mục thuộc đối tượng quản lý.

Hiệp hội KTS Việt Nam khuyến nghị Hà Nội chỉ cần giữ lại 400 biệt thự cần bảo tồn, còn hơn 1.000 biệt thự khác có thể biến thành các công trình công cộng và có cơ chế cho người dân khai thác, bảo tồn các công trình này.

Nguyễn Thắng

Top