Bảo tồn và phát huy giá trị di tích văn hóa, lịch sử Thủ đô

19/09/2018 3:35 PM

(Chinhphu.vn) - Trên nửa thế kỷ bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng kể trên các lĩnh vực nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng, bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị di tích và khơi dậy những tiềm năng ẩn chứa trong các di tích.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hòa An

Sáng 19/9, tại Bảo tàng Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Trung ương Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội”. Thông qua Hội thảo, TP. Hà Nội mong muốn các nhà khoa học, chuyên gia sẽ nghiên cứu, phân tích, làm rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến những yếu kém, hạn chế trong công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định Hà Nội hiện đang dẫn đầu các tỉnh, thành phố về số lượng các di tích lịch sử, cũng như số lượng các di tích văn hóa là di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia. Trên nửa thế kỷ bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, Thành phố đã đạt được những kết quả đáng kể trên các lĩnh vực nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng di tích, bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Đồng thời, khơi dậy những tiềm năng ẩn chứa trong các di tích, phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục kiến thức lịch sử, giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Qua đó, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững của một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội là du lịch…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sự nghiệp bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa nói riêng, di sản văn hóa nói chung vì sự nghiệp phát triển bền vững của Thủ đô, Hà Nội cũng đã biểu lộ những khó khăn trong công tác quản lý. Theo đồng chí Ngô Văn Quý, Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội” chính để khẳng định di sản văn hóa là một trong những nguồn lực nền tảng cho việc phát triển và xây dựng kinh tế, xã hội của toàn Thành phố, cũng như khắc phục kịp thời những hạn chế trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Động cho biết, thời gian qua ngành đã cố gắng tối đa thực thi trách nhiệm bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, phát huy giá trị di tích trong đời sống đương đại. Sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di tích văn hóa, lịch sử ở Thủ đô tuy đã đạt được những kết quả khả quan nhưng vẫn còn những hạn chế, những nỗi lo...

Cụ thể như số lượng di tích trên địa bàn đồ sộ nhưng kết quả nghiên cứu phát triển di tích chưa tương xứng, còn trên 50% di tích chưa được nghiên cứu đầy đủ, chưa lập hồ sơ xếp hạng di tích, chưa có quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa. Hà Nội đã cố gắng trong việc huy động các nguồn lực cho bảo tồn di tích nhưng so với yêu cầu vẫn chưa đáp ứng được. Hiện Thành phố có 507 di tích xuống cấp nặng, 901 di tích xuống cấp trung bình, đặc biệt có 166 di tích bị vi phạm.

Theo ông Tô Văn Động, mặc dù nói rằng Hà Nội đã bước đầu đa dạng các hình thức phát huy giá trị di tích, nhưng kết quả chưa cao, nhiều di tích "vắng như Chùa Bà Đanh"...

Tại Hội thảo, đại biểu đã được nghe nhiều tham luận của các nhà quản lý, chuyên gia và các nhà khoa học. Trong đó, nhiều tham luận đã thẳng thắn đề cập đến những vấn đề đang được quan tâm trong thời gian qua. Cụ thể, các tham luận được chia ra làm 3 nhóm: Những vấn đề chung với tham luận “Bảo vệ và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa đặc sắc của Thủ đô Hà Nội” của GS.TS Trương Quốc Bình, Việt Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia; nhóm lĩnh vực giá trị tiềm năng của di tích lịch sử - văn hóa Hà Nội với tham luận “Giá trị quy hoạch và kiến trúc đô thị khu phố Pháp ở Hà Nội” của GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; và nhóm vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di dích lịch sử - văn hóa Hà Nội.

Hòa An

Top