Bảo vệ người tiêu dùng: Doanh nghiệp và người dân cùng vào cuộc

22/09/2017 5:25 PM

(Chinhphu.vn) - Có thể thấy, thói quen mua sắm của một bộ phận không nhỏ người dân hiện nay vẫn là xem hàng, thanh toán rồi nhận hàng mà ít khi cần giấy bảo hành, nên khi mua phải hàng không bảo đảm chất lượng thì rất khó được bảo vệ. Do đó, để công tác bảo vệ người tiêu dùng đạt kết quả tốt hơn nữa, cần sự vào cuộc của cả doanh nghiệp và người dân.

Người dân hãy là người tiêu dùng thông minh khi mua sắm hàng hóa. Ảnh: Thùy Linh

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được thi hành hơn 6 năm qua, nhưng đến nay còn rất nhiều người, nhất là người tiêu dùng ở nông thôn chưa biết hoặc không quan tâm đến những quy định của luật. Không ít người tiêu dùng đối mặt với những hành vi như bán hàng kém chất lượng, trà trộn hàng giả, hàng nhái, thực hiện khuyến mãi không trung thực, né tránh chế độ bảo hành...

Riêng quý II/2017, bên cạnh việc tiếp nhận và xử lý 298 yêu cầu tư vấn, phản ánh của tiêu dùng qua Tổng đài 1800 6838, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ tiêu dùng còn tiếp nhận 89 khiếu nại qua đường bưu điện, email và trang web bảo vệ tiêu dùng.

Có thể thấy, thói quen mua sắm của một bộ phận không nhỏ người dân hiện nay vẫn là xem hàng, thanh toán rồi nhận hàng mà ít khi để ý đến việc lấy hóa đơn hay viết giấy bảo hành, nên khi mua phải hàng không bảo đảm chất lượng hay bị lỗi kỹ thuật thì rất khó được bảo vệ. Phần lớn tiêu dùng chỉ phản ánh, thương lượng với các cơ sở bán hàng, còn việc đổi, trả hay sửa chữa, bảo hành tùy thuộc vào uy tín, trách nhiệm của bên bán chứ không có cơ sở pháp lý buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ.

Bên cạnh đó, phần lớn tiêu dùng vẫn có tâm lý e ngại việc khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại với lý do chủ yếu là giá trị tranh chấp nhỏ, thủ tục khiếu nại, khiếu kiện tới cơ quan có thẩm quyền phức tạp và cho rằng đơn vị kinh doanh sẽ không giải quyết. Chỉ trừ những trường hợp quá bức xúc, gây thiệt hại lớn về kinh tế người dân mới khiếu nại.

Riêng trong năm 2016, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ tiêu dùng đã tiếp nhận và xử lý gần 1.200 vụ việc khiếu nại của tiêu dùng. Con số này chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh chung, bởi còn có các vụ việc thuộc thẩm quyền xử lý của các lực lượng khác như quản lý thị trường, công an kinh tế, thanh tra y tế, thanh tra khoa học công nghệ... Tuy nhiên, chỉ từ con số xử lý khiếu nại tại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ tiêu dùng đã phần nào cho thấy sự phức tạp của lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, để công tác bảo vệ tiêu dùng đạt được nhiều kết quả hơn nữa cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, đơn vị, đoàn thể và mỗi người dân.

“Các doanh nghiệp cần tự nhận thức sâu sắc việc bảo vệ quyền lợi tiêu dùng vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của mình, tìm hiểu sâu hơn nữa về kiến thức tiêu dùng, sẵn sàng và kịp thời phản ánh tới cơ quan quản lý nhà nước các trường hợp vi phạm quyền lợi tiêu dùng”, ông Hải nhấn mạnh.

Chia sẻ về vai trò của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ quyền lợi tiêu dùng, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng của hệ thống siêu thị Big C cho biết, đơn vị tạo mọi điều kiện để khách hàng có thể phản ánh nhanh chóng và thuận tiện nhất những trường hợp cụ thể về chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Ngay tại siêu thị, khách hàng có thể liên hệ trực tiếp tại phòng Dịch vụ khách hàng, gửi email hoặc điện thoại tới Đường dây nóng 1800 555555 và được phản hồi trong thời gian 5 ngày.

Việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi tiêu dùng phải có sự tham gia đầy đủ các thành phần: Nhà nước-doanh nghiệp-các tổ chức xã hội, tiêu dùng, thì mới có thể thực hiện hiệu quả. Điều này cũng đồng nghĩa, đã đến lúc cần xã hội hóa công tác bảo vệ quyền lợi tiêu dùng.

Ông Chu Xuân Kiên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại TP. Hà Nội cho biết, yếu tố quan trọng để thiết thực bảo vệ quyền lợi tiêu dùng là mỗi người dân hãy trở thành tiêu dùng thông minh khi mua sắm hàng hóa và chủ động đấu tranh, tố cáo hành vi gian lận, né tránh trách nhiệm...

Bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, thì tiêu dùng cần hiểu đúng, hiểu rõ Luật Bảo vệ quyền lợi tiêu dùng để bảo vệ mình hiệu quả nhất.

Thùy Linh

Top