Bất động sản Tây Hà Nội ‘sôi động’ trong thời Covid-19

30/03/2020 4:00 PM

(Chinhphu.vn) - Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây tổn thất lớn đến nền kinh tế toàn cầu, khiến lĩnh vực bất động sản cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, thông tin về kế hoạch xây dựng 2 khu đô thị rộng 500 ha ở Thạch Thất, Hà Nội khiến thị trường bất động sản phía Tây Thủ đô ghi nhận nhiều diễn biến sôi động trong tuần qua.

Một trong những dự án của Tập đoàn Vingroup. Ảnh: Thùy Chi

Tập đoàn Vingroup mới đây đã có văn bản gửi UBND huyện Thạch Thất, Hà Nội đề xuất xây dựng 2 khu đô thị trên địa bàn với diện tích khoảng 500 ha. Theo đó, Vingroup cho rằng, địa phương có lợi thế về vị trí, thuận tiện kết nối với nội đô TP. Hà Nội qua Đại lộ Thăng Long nên việc xây dựng các khu đô thị sẽ tạo thêm quỹ đất, giúp giãn dân cho nội thành. 

Khu đô thị thứ 1 dự kiến có diện tích khoảng 200 ha, nằm giáp Đại lộ Thăng Long và Khu công nghệ cao Hoà Lạc. Khu đô thị thứ 2 nằm cách Đại lộ Thăng Long khoảng 500 m, với quy mô khoảng 300 ha, giáp huyện Quốc Oai. 

Sau khi có thông tin trên, hàng trăm nhà đầu tư đã đổ về huyện Thạch Thất trong ít ngày qua để tìm hiểu, mua gom đất, khiến giá đất khu vực này bất ngờ tăng cao, cho thấy sức nóng bất động sản Tây Hà Nội đang dần quay trở lại.

Đây không phải lần đầu Vingroup ghi dấu sự có mặt của tập đoàn này tại Thạch Thất. Trước đó, dự án nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vsmart của Vingroup với diện tích 15,2 ha đã được đưa vào hoạt động từ cuối năm ngoái, cho thấy tiềm năng của khu vực này đối với sự phát triển của Thạch Thất nói riêng và Hà Nội nói chung.

Đồng thời, những diễn biến trên cũng cho thấy sức hút của trục Đại lộ Thăng Long đối với các “ông lớn” như Vingroup, CEO Group, Văn Phú Invest, Geleximco, FLC Group… khi quyết định rót vốn đầu tư vào các dự án tại đây. 

Lý giải điều này, giới phân tích cho rằng khu vực Tây Hà Nội đang có sức hút trở lại chủ yếu đến từ hệ thống hạ tầng ngày càng được đầu tư phát triển đồng bộ. Cụ thể, hạ tầng giao thông dọc Đại lộ Thăng Long bao gồm đầy đủ các hình thái giao thông công cộng hiện đại của Thủ đô như xe buýt nhanh BRT, tuyến đường sắt trên cao… tạo nên mạng lưới với các tuyến đường huyết mạch như trục Tố Hữu (Lê Văn Lương kéo dài), Đại lộ Thăng Long, đường Lê Quang Đạo kéo dài.

Thêm vào đó, hàng loạt đề án mở rộng, cải tạo các trục đường lớn đang và sẽ được triển khai là yếu tố góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đô thị hiện đại cùng với Đại lộ Thăng Long, khẳng định sức sống trong tương lai của phía Tây Hà Nội như Đường 32, Đường vành đai 3,5 và cầu Thượng Cát, Quốc lộ 70 nối từ Nhổn đến Đại lộ Thăng Long… 

Ngoài ra, các hạ tầng khác như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại cũng sẽ được đầu tư xây dựng. Đáng chú ý, cơ sở 2 của Bệnh viện Nhi và cơ sở 2 Bệnh viện Phụ sản dự kiến được xây dựng trong thời gian tới tại Quốc Oai khiến giá trị bất động sản ở đây được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên.

Trong tương lai gần, khi trụ sở, văn phòng của 12 bộ, ban, ngành của Nhà nước di chuyển về khu vực này, đồng thời Sân bay quốc tế Hòa Lạc và khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc hiện hữu, khu vực phía Tây Thủ đô sẽ từng bước trở thành trung tâm kinh tế - chính trị - công nghệ mới của thành phố.

Giá trị nhà đất tại khu vực phía Tây Hà Nội đang “trở lại guồng quay” trước đây. Tuy nhiên, dưới con mắt của các chuyên gia, thời điểm này vẫn cần cẩn trọng khi quyết định đầu tư tại khu vực, cần lựa chọn những dự án có pháp lý minh bạch, rõ ràng và đánh giá mức độ uy tín của chủ đầu tư cũng như đơn vị phân phối. Do đó, nên lựa chọn những dự án đã hiện hữu và có “sự sống”, tránh rơi vào tình trạng gặp phải dự án “ma” như đã từng xuất hiện tại khu vực này trước đây. 

Thời điểm này, nhiều nhà đầu tư băn khoăn liệu có nên giao dịch khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp hay không. Nhưng đây chính là thời điểm tốt để đưa ra quyết định do có nhiều thời gian nghiên cứu về dự án. Hơn nữa, chủ đầu tư và các đơn vị phân phối thường tung ra nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn, có lợi cho người mua bất động sản trong thời gian này để kích cầu. 

Ngoài ra, bất động sản được đánh giá là ngành ít chịu tác động nhất từ dịch bệnh do quyết định liên quan tới nhà đất thường nằm trong các kế hoạch dài hạn, ít bị ảnh hưởng bởi các sự kiện mang tính thời điểm như Covid-19.

Thùy Chi

Top