Các bếp ăn trường học Hà Nội phải công khai xuất xứ thực phẩm

19/03/2019 5:18 PM

(Chinhphu.vn) - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu Chủ tịch các quận, huyện, thị xã giao ban với các trường học, thành lập ban thanh tra kiểm tra thực phẩm, nước uống và yêu cầu đơn vị cung cấp thực phẩm cho các trường công khai nguồn gốc xuất xứ hàng hóa đến cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh.

UBND TP. Hà Nội họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch. Ảnh: Gia Huy

Chiều 19/3, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Thành ủy Hà Nội, UBND Thành phố tổ chức họp trực tuyến với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã liên quan đến các giải pháp quyết liệt phòng chống dịch tả lợn và dịch sởi, sốt xuất huyết, tăng cường kiểm tra giám sát thực phẩm các trường học trên địa bàn.

Dịch bệnh tả lợn xuất hiện chủ yếu ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ

Liên quan đến bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, tính đến 19h ngày 18/3, DTLCP đã xảy ra tại 30 hộ chăn nuôi/20 thôn/14 xã thuộc 6 quận, huyện (Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Sóc Sơn, Gia Lâm, Quốc Oai) làm mắc bệnh và tiêu hủy 765 con với trọng lượng trên 48 nghìn kg.

Nhận định và đánh giá tình hình dịch bệnh, Sở NN&PTNT cho biết, bệnh DTLCP trên địa bàn Hà Nội xuất hiện đầu tiên ở hộ nuôi lợn rừng, không được tiêm phòng vaccine, điều kiện vệ sinh chuồng trại không bảo đảm. Số hộ xảy ra dịch bệnh chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, chưa xuất hiện tại các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô hớn (đàn lớn nhất phải tiêu hủy là 120 con).

Chủ yếu dịch bệnh xảy ra ở các hộ chăn nuôi có sử dụng thức ăn tận dụng từ nhà hàng, quán ăn trong điều kiện không thực hiện đầy đủ quy trình vệ sinh đối với người, phương tiện, dụng cụ.

Ngay khi xảy ra dịch bệnh, Thành phố đã chỉ đạo các sở ngành liên quan và UBND các quận huyện chủ động huy động nhân lực, vật lực trong công tác chống dịch. Thành lập 5 Tổ kiểm tra liên ngành đi kiểm tra và triển khai công tác phòng chống dịch bệnh tại tất cả các quận, huyện, thị xã. Tổ chức 2 đợt tẩy uế môi trường toàn Thành phố, đối tượng là các vùng nguy cơ lây nhiễm cao, các hộ chăn nuôi quy mô lớn, nhỏ lẻ, cơ sở giết mổ, bãi rác. Các đơn vị đã duy trì trực 24/24h tiếp nhận thông tin về dịch bệnh và an toàn thực phẩm phản ánh qua đường dây nóng 02433.800.115.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng cho biết, cùng với Sở Y tế, Sở GD&ĐT đã tổ chức kiểm tra quy trình nấu ăn tại các bếp ăn trường học, kiểm tra quy trình sữa học đường... tại các trường học từ 25/2-19/3 tại 24 trường tiểu học ở 12 quận. Qua thanh tra, về bếp ăn bán trú, nước uống đóng chai, sữa học đường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm khá bảo đảm. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, thanh tra Sở Y tế đã nhắc nhở các trường học.

Đối với phòng chống bệnh DTLCP, Sở đã tổ chức giao ban các phòng giáo dục, các hiệu trưởng về phòng chống dịch, không tẩy chay thịt lợn trong các nhà trường; tuyên truyền về phòng chống dịch cho giáo viên, hướng dẫn vệ sinh cá nhân cho học sinh...

Bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến còn phức tạp

Dự báo tình hình sắp tới, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: "Nguy cơ phát sinh DBTLCP trong thời gian tới là rất cao" do Hà Nội có tổng đàn lợn lớn với gần 2 triệu con (sau tỉnh Đồng Nai), trong đó có 60% còn chăn nuôi nhỏ, lẻ, tận dụng.

Virus DTLCP có khả năng tồn tại lâu trong lợn bệnh, các sản phẩm lợn bệnh, trong môi trường, dụng cụ chăn nuôi. Trong khi đó, việc chăn nuôi nhỏ lẻ mật độ cao, đan xen trong khu nhà dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.

Bên cạnh đó là tình trạng sử dụng thức ăn thừa trong chăn nuôi còn khá phổ biến, trong khi đó kể cả nấu chín nhưng dụng cụ, phương tiện, con người không được vệ sinh, xử lý vẫn mang mầm bệnh vào khu vực chăn nuôi. Hiện địa bàn Hà Nội có trên 25 nghìn cơ sở (dịch vụ ăn uống, nhà hàng, bếp ăn, tập thể, khách sạn) có các sản phẩm thải loại dư thừa hàng ngày, các hộ chăn nuôi mang về sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Virus DTLCP có thể lây lan từ nơi có dịch sang nơi khác qua con người, phương tiện vận chuyển, côn trùng và động vật.

Sở NN&PTNT cũng cho biết thời tiết biến đổi bất lợi, mưa ẩm kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan trong khi hiện nay chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu với bệnh DTLCP.

Khó khăn cũng được Sở NN&PTNT cho biết nhiều địa phương chưa quản lý được hoạt động của những thương lái đi thu gom lợn, trong đó có lợn ốm, chết và đặc biệt là các hộ giết mổ nhỏ, lẻ, tận dụng chưa có hệ thống xử lý nước, chất thải khi ra môi trường.

Việc sử dụng thức ăn tận dụng còn phổ biến nhưng nhận thức về xử lý thức ăn tận dụng của người chăn nuôi chưa đầy đủ. Nếu chỉ nấu chín thức ăn tận dụng nhưng người, dụng cụ chứa đực, bảo quản... không được vệ sinh, khử trùng tốt thì mầm bệnh vẫn còn tồn tại và lây lan cho đàn vật nuôi.

Giải pháp quan trọng nhất là phòng ngừa

Tại Hội nghị Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, từ khi phát hiện bệnh DTLCP trên địa bàn Hà Nội đến nay 1 tháng nhưng dịch không được kiểm soát mà còn lan rộng hơn có nghĩa các biện pháp phòng, chống chưa quyết liệt để kiềm chế. Chính vì vậy diễn biến những ngày tới có thể phức tạp, đặc biệt khi Hà Nội vừa là địa bàn trung chuyển, tiêu thụ, chăn nuôi sẽ ảnh hưởng đến chăn nuôi của người dân nhất là các huyện ngoại thành.

"Nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp lương thực thực phẩm, sản xuất kinh tế của người dân và tâm lý tiêu dùng của người dân, cũng như ảnh hưởng đến ngành chế biến thức ăn gia súc", Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị, ngay sau buổi họp các quận, huyện, thị xã phải vào cuộc quyết liệt các biện pháp liên quan phòng ngừa bệnh DTLCP; tập trung tuyên truyền các hộ chăn nuôi để có biện pháp phòng ngừa; phổ biến tất cả biểu hiện dịch bệnh để khi có biểu hiện người dân báo ngay cho cán bộ thú y; khi nhận thông tin phải tiến hành xét nghiệm ngay và có kết quả phải chôn lấp; nơi có ổ dịch phải phân công kiểm dịch, sau 30 ngày mới được công bố hết dịch bệnh.

Đối với các địa bàn chưa phát hiện bệnh DTLCP phải phổ biến cho người dân các giải pháp chăm sóc cho đàn lợn; kiểm tra nguồn thức ăn cho lợn; tuyên truyền để người dân không tẩy chay các sản phẩm liên quan thịt lợn nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chăn nuôi trên địa bàn.

Về bếp ăn và thực phẩm trong các trường học, Chủ tịch TP. Hà Nội đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã giao ban với các trường học trong và ngoài công lập yêu cầu đơn vị cung cấp lương thực thực phẩm cho các trường công khai minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hóa cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh. Các trường phải thành lập ban thanh tra và mời phục huynh giám sát chất lượng giá cả và công bố công khai cho cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, giải pháp quan trọng nhất là từ phòng ngừa. Ban Giám hiệu các trường phải làm nghiêm vấn đề bảo đảm nguồn gốc xuất xứ và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh, bảo đảm dinh dưỡng cả thực phẩm và nước uống cho học sinh.

Gia Huy

Top