Các đại biểu cần tập trung xây dựng chương trình hành động

27/04/2016 11:51 AM

(Chinhphu.vn) - Sáng nay 27/4, Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội tổ chức Hội nghị Gặp mặt ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và ứng cử viên đại biểu HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021. Tại đây, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị các đại biểu cần tập trung xây dựng chương trình hành động.

Chủ tịch HĐND TP, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại hội nghị- Ảnh: Thùy Linh

Ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Bầu cử TP cho biết, ngày 26//4, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã có Nghị quyết công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV theo từng đơn vị trong cả nước. Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng có công văn gửi Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội để thực hiện việc công bố các đại biểu chính thức ứng cử tại 10 đơn vị của TP Hà Nội.

Trên cơ sở đó, ông Trần Huy Sáng đã công bố danh sách chính thức 50 ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tại 10 đơn vị bầu cử và 178 ứng cử đại biểu HĐND TP khóa XV nhiệm kỳ 2016-2021 tại 30 đơn vị bầu cử trên địa bàn TP Hà Nội.

Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Quốc Hùng đã thông tin về tình hình kinh tế-xã hội TP 5 năm qua, phương hướng nhiệm vụ năm 2016 và 5 năm tới phục vụ thông tin cho các đại biểu tiếp xúc cử tri. Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP cũng hướng dẫn tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử thực hiện vận động bầu cử.

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội cho biết, chất lượng ứng cử viên so với các nhiệm kỳ trước đã được nâng lên rõ rệt. Hội nghị hôm nay đã công bố chính thức danh sách các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và ứng cử viên đại biểu HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021, danh sách này sẽ được niêm yết trong ngày 28/4, sau đó các ứng cử viên có thể tiến hành vận động bầu cử.

Chủ tịch HĐND TP cũng cho biết, trong danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội sau hiệp thương do Thành phố giới thiệu đã có 16 người là Giáo sư, Phó giáo sư - Tiến sĩ và 11 người là Thạc sĩ (chiếm trên 70%); còn lại đều tốt nghiệp Đại học. Về ứng cử viên nữ đạt 40,5%, người dưới 40 tuổi đạt 8,1% và người tái cử đạt 13,51%; người ngoài đảng đạt 8,1%, người tự ứng cử đạt 2,7%.

Trong danh sách 178 người ứng cử viên đại biểu HĐND có 28 người là Giáo sư, Phó Giáo sư - Tiến sĩ, (đạt 15,7%); 93 người là Thạc sĩ (đạt 52,2%); còn lại là trình độ Đại học.

Lưu ý các ứng cử viên, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị: “Đối với các đại biểu ứng cử, phải tập trung xây dựng chương trình hành động. Đề nghị các đồng chí nghiên cứu kỹ định hướng phát triển của TP, của nơi mình về ứng cử để chương trình hành động tham gia trúng vấn đề. Chương trình hành động cũng cần gắn với tình hình địa phương”.

Đối với UBND, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội đề nghị có đầu mối cung cấp tài liệu liên quan tới phát triển kinh tế xã hội, tổng kết các chương trình của UBND để phục vụ các ứng cử viên. Đồng thời, UBND phối hợp với Ban tuyên giáo chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền về chương trình hành động của các ứng cử viên... Các quận, huyện cần xếp lịch tiếp xúc cử tri song song, bố trí lịch một cách khoa học. UBND quận, huyện phối hợp với các cấp để thông báo địa điểm, thời gian tiếp xúc cử tri.

“Do Hà Nội có số ứng cử viên và số đơn vị bầu cử nhiều nên yêu cầu MTTQ TP Hà Nội sẽ chủ trì cuộc tiếp xúc cử tri đại biểu Quốc hội, còn tiếp xúc cử tri đại biểu HĐND giao cho Ủy ban MTTQ Thành phố các quận, huyện, thị xã”, Chủ tịch HĐND TP cho biết.

Thùy Linh

Top