Các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết

31/10/2018 3:47 PM

(Chinhphu.vn) - Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 sắp đến gần, tính đến thời điểm này nhiều doanh nghiệp đã chủ động khai thác nguồn hàng từ các tỉnh và dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Người dân mua sắm hàng hóa dịp Tết 2018. Ảnh: Thùy Linh

Theo dự báo của Sở Công Thương Hà Nội, trong dịp Tết cổ truyền Kỷ Hợi 2019, nhu cầu tiêu thụ gạo sẽ tăng từ 5 đến 7% , thịt lợn tăng 18-20%, thịt bò tăng 15%, thịt gà tăng 20%, rau củ quả tăng 10-15%... Mặc dù nhu cầu tiêu dùng được dự báo tăng, tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp trên địa bản Thủ đô chỉ đáp ứng được khoảng 50-65% nhu cầu tiêu thụ của người dân trên địa bàn Hà Nội, đây là một trong những vấn đề khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng về việc giá thực phẩm sẽ tăng mạnh dịp tết Nguyên đán sắp tới.

Nguồn cung thiếu, ảnh hưởng tác động thị trường, cùng với nhu cầu tiêu thụ mạnh của người dân dịp cận Tết…là một trong những nguyên nhân khiến giá cả tiêu dùng tăng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người lo ngại đó chính là việc làm sao để bình ổn giá và bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng trước những biến động của thị trường.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, dịp Tết không tránh khỏi sự biến động về giá cả các loại mặt hàng thiết yếu. Trong kế hoạch triển khai công tác phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, TP.Hà Nội sẽ ổn định giá các mặt hàng, hạn chế tình trạng khan hàng, tăng giá. Để làm được việc này, Sở Công Thương đã chỉ đạo, phối hợp các doanh nghiệp triển khai dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với tổng giá trị hàng hóa phục vụ người dân Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đạt 28.500 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2018.

Để người tiêu dùng mua được hàng bảo đảm chất lượng, đúng giá, ngành công thương và các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, 454 chợ, hệ thống, trên 600 cửa hàng tiện ích, trên 50 chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm.

Ngoài ra, Sở Công Thương phối hợp với doanh nghiệp tổ chức 350 chuyến bán hàng lưu động, 10 phiên chợ Việt tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ nhu cầu của người dân và người lao động.

 “Hiện đã có 18 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa tới 10.428 điểm bán hàng phục vụ nhân dân”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.

Đặc biệt, thay vì sử dụng nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bình ổn giá dịp Tết, TP.Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay của 3 tổ chức tín dụng với tổng số vốn lên đến 2.700 tỷ đồng. Cùng với đó, công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được TP.Hà Nội đẩy mạnh.

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động nguồn hàng

Tính đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã chủ động khai thác nguồn hàng từ các tỉnh và dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết 2019. Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Vũ Thanh Sơn cho biết, Hapro đã lên kế hoạch dự trữ các mặt hàng thiết yếu như: Thịt bò, thịt lợn, trứng, thủy sản… Những mặt hàng này được khai thác từ các nhà cung cấp lớn, có uy tín, chất lượng bảo đảm.

“Hapro sẽ tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, bán đúng giá quy định, góp phần giữ vững sự ổn định của thị trường”, ông Sơn cho hay.

Ông Vũ Thanh Tân, Giám đốc Phụ trách truyền thông Tập đoàn Central Group Việt Nam chia sẻ, hiện Big C đã đàm phán với các nhà sản xuất, các đơn vị cung ứng để chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng như bia, nước ngọt, bánh, kẹo... giúp người tiêu dùng có thể thỏa sức mua sắm, không lo về giá.

Giám đốc Vùng vận hành Vinmart miền Bắc Nguyễn Ngọc Dung cũng khẳng định, ngoài số hàng hóa đang dự trữ tại hệ thống siêu thị Vinmart, đơn vị còn dự trữ tại tổng kho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đồng thời tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá...

Bên cạnh sự chuẩn bị của các doanh nghiệp, Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính Hà Nội và các ban ngành liên quan theo dõi sát diễn biến cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn để kịp thời giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; mở kênh tiếp nhận thông tin để chỉ đạo điều tiết hàng hóa, hỗ trợ kịp thời, tránh gây ảnh hưởng xấu đến thị trường.

Thùy Linh

Top