Các siêu thị thích ứng với kinh doanh ‘Online hóa’

17/03/2020 4:43 PM

(Chinhphu.vn) - Trước tình hình dịch Covid -19 diễn biến ngày càng phức tạp, lượng người đến các siêu thị, trung tâm mua sắm sụt giảm. Nắm bắt xu hướng này, nhiều doanh nghiệp đang một mặt vẫn thực hiện khuyến mãi để kích cầu, mặt khác chuyển hướng kinh doanh “online hóa” để duy trì doanh số, giảm thiệt hại do tác động của Covid-19 gây ra.

Ảnh minh họa

Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, hơn 10 ngày qua, trong khi doanh số bán hàng tại các trung tâm thương mại và chợ truyền thống có phần chững lại thì doanh số kênh bán hàng trực tuyến có dấu hiệu tăng trưởng. Theo báo cáo sơ bộ từ một số siêu thị trên địa bàn Thủ đô, tỷ lệ giao dịch hàng hóa qua thương mại điện tử tăng từ 25%-30%.

Tuy nhiên, để có được thành công này, các siêu thị đã triển khai dịch vụ gọi điện đặt hàng và tăng cường các dịch vụ qua bán hàng trực tuyến. Đơn cử, từ đầu tháng 2, hệ thống siêu thị Big C triển khai dịch vụ "gọi điện đặt hàng" và giao hàng miễn phí với hoá đơn từ 200.000 đồng trở lên. Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long Khúc Tiến Hà cho biết, sau khi triển khai dịch vụ này, số đơn đặt hàng hàng qua điện thoại đã tăng trưởng mạnh với mức tăng trên 200% so với tháng trước.

Cũng như Big C, hệ thống siêu thị Co.opmart bên cạnh bảo đảm nguồn hàng nhà bán lẻ đã đẩy mạnh đẩy mạnh triển khai kênh mua sắm online qua điện thoại, qua wesbite thương mại điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm cho người dân cả nước. Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ, từ đầu tháng 3 đến nay, kênh mua sắm qua điện thoại của hệ thống siêu thị Co.opmart trên toàn quốc đã tăng gấp 10 lần so với ngày bình thường.

Theo đại diện hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam, hiện phần lớn khách hàng chọn đặt hàng qua email, điện thoại và giao hàng tận nơi. Vì vậy, hệ thống này cũng đang đầu tư chăm sóc mạnh kênh bán hàng trên. Một số hệ thống siêu thị khác cũng đang tích cực kích cầu bằng cách đẩy mạnh hợp tác với các trang bán hàng online như tiki, shopee, lazada... và tăng cường các hoạt động giảm giá, khuyến mãi...

Ngay từ thời điểm Việt Nam xuất hiện các ca dương tính với virus Covid-19, Công ty BRG Retail, đơn vị quản lý hệ thống bán lẻ của Tập đoàn BRG, đã chủ động triển khai các kế hoạch và biện pháp cụ thể, bám sát chỉ đạo của các cơ quan chức năng, với mục tiêu kịp thời bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng Thủ đô, đặc biệt trong các thời điểm nhu cầu tăng cao, góp phần tham gia bình ổn tâm lý và giá cả trên thị trường.

Cụ thể, công ty BRG Retail đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống siêu thị và cửa hàng, bao gồm: HaproMart, Hapro Food, FujiMart, Intimex, Seika Mart… triển khai cung ứng đầy đủ các sản phẩm hàng hóa thiết yếu tới người dân với mức giá không đổi; đặc biệt với 13 nhóm mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn giá của thành phố Hà Nội gồm: gạo, thịt gà, trứng gà, thực phẩm chế biến như: xúc xích, giò, thịt nguội, chân giò hun khói, đồ hộp, thủy hải sản đông lạnh, bún mỳ phở ăn liền, sữa, nước uống đóng chai, dầu ăn, gia vị, rau củ quả.

Bên cạnh bảo đảm cho việc mua sắm trực tiếp tại cửa hàng, các thành viên trong hệ thống bán lẻ của BRG Retail cũng phát triển và đẩy mạnh việc mua sắm qua mạng thông qua các công cụ như fanpage, email … và giao hàng tại nhà. Việc này không chỉ đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân khi phải hạn chế ra ngoài mà còn giúp giảm việc tập trung đông người nhằm phòng tránh lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Nhân viên giao hàng cũng luôn bảo đảm công tác vệ sinh phòng chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, đeo găng tay. Đồng thời, siêu thị cũng đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm sơ chế, chế biến sẵn “Ready to cook” từ các nguyên liệu tươi ngon, chất lượng nhằm giúp người dân thuận tiện trong việc mua sắm và chế biến món ăn.

Hiện nay, BRG Retail đã chủ động làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp để tăng lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu từ 300-500% tại từng siêu thị và tăng gấp 10 lần tại Kho trung tâm, đồng thời tăng cường các chuyến vận tải giao hàng nhằm bảo đảm cung ứng tại tất cả các điểm siêu thị từ Hà Nội cho đến các tỉnh thành như Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên...

Nhằm bảo đảm nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công Thương Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị không găm hàng, có phương án điều tiết, luân chuyển, kiểm soát lượng hàng hóa bán ra, bảo đảm mỗi người dân đều mua đủ tiêu dùng, không mua gom, tích trữ hàng hóa.

Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội đã đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp, hỗ trợ giới thiệu, kết nối với các đơn vị cung ứng mặt hàng mà Hà Nội đang xảy ra biến động để cung ứng cho thị trường Hà Nội.

Thùy Linh

Top