Cải tiến thu gom, xử lý rác thải ở khu vực ngoại thành

14/06/2019 2:00 PM

(Chinhphu.vn) – Thời gian qua, Hà Nội đã tích cực cải tiến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại khu vực ngoại thành vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cần tháo gỡ.

Ảnh minh họa

Trung bình mỗi ngày, Hà Nội phát sinh khoảng 6.400 tấn chất thải rắn sinh hoạt các loại và con số này không ngừng tăng. Thời gian qua, thành phố và các địa phương đã có nhiều nỗ lực để nâng mức thu gom rác thải trong ngày đạt cao. Cụ thể, UBND TP. Hà Nội đã quan tâm, chỉ đạo đầu tư, xây mới, cải tạo, mở rộng đồng bộ các khu, nhà máy xử lý chất thải, bãi chôn lấp rác sinh hoạt quy mô lớn tại Sóc Sơn, Chương Mỹ, Sơn Tây. Thành phố cũng giao các huyện đầu tư mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng các khu tập kết rác thải có phạm vi phục vụ trong địa bàn huyện. Triển khai cơ giới hóa trong công tác xử lý rác, đến nay, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt trong ngày tại nội thành đạt khoảng 98%-99%; các huyện đạt 87%-88%. Kinh phí duy trì vệ sinh môi trường giảm hơn 32% so với thời điểm trước đấu thầu tập trung.

Dù rất nỗ lực, song giám sát của Ban Đô thị HĐND Thành phố ở một số huyện mới đây cho thấy việc thu gom, xử lý rác vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó, vấn đề khó khăn nhất đối với hầu hết các huyện là việc có thực hiện thu gom ở các ngõ, xóm. Điển hình như huyện Chương Mỹ, việc thu gom rác thải ở các ngõ, xóm bề rộng dưới 2m, nhưng chưa nằm trong gói thầu. Cùng với đó, mức giá dịch vụ không đủ cân đối thu - chi nên hoạt động thu gom còn hạn chế.

Ngoài ra, khối lượng công việc phát sinh ngoài hợp đồng do các tuyến đường, phố, ngõ, xóm vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2017 và 2018, trong quá trình xây dựng nông thôn mới cũng không được thanh toán kinh phí, ảnh hưởng đến việc chi trả lương cho người lao động. Hợp đồng gói thầu chỉ quy định tần suất thu gom rác hằng ngày tại thị trấn Chúc Sơn và Xuân Mai, còn lại 30 xã thực hiện thu gom từ 2- 3 lần/tuần, dẫn đến tồn đọng rác thải tại các điểm tập kết, không bảo đảm vệ sinh môi trường.

Chia sẻ khó khăn với đơn vị duy trì vệ sinh môi trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc cho biết thêm, do địa bàn huyện rộng, dân cư đông, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày khoảng 163 tấn, nhưng mới chỉ có 145 tấn rác được đưa đi xử lý tại bãi rác của thành phố, số còn lại bị tồn đọng tại huyện. Riêng năm 2018, tổng khối lượng rác thải được thu gom, vận chuyển về điểm tập kết tại các xã là hơn 42 nghìn tấn, tồn đọng hơn 3.800 tấn. Ngoài ra, việc thu phí dịch vụ vệ sinh môi trường gặp nhiều khó khăn khi các xã, thị trấn chỉ thu được khoảng 65% chỉ tiêu do dân cư biến động, nhiều người thường xuyên đi làm ăn xa nhà. Thậm chí một số trường hợp cố tình không nộp phí dịch vụ vệ sinh môi trường.

Cũng gặp khó khăn như Chương Mỹ, theo Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy, không chỉ việc thu gom rác ở các ngõ, xóm bề rộng dưới 2m chưa được nghiệm thu thanh toán mà khối lượng duy trì vệ sinh đối với các ngõ, xóm có bề rộng từ 2m, với mức giá tại Quyết định số 54/QĐ-UBND thu 3.000 đồng/người/tháng áp dụng từ ngày 1/1/2017 là quá thấp, không đủ cân đối thu - chi. Cùng với đó, theo phân luồng của Thành phố, huyện Thường Tín chỉ được vận chuyển về khu xử lý chất thải tập trung 140 tấn rác/ngày, không giải quyết hết rác phát sinh hằng ngày của huyện.

Các huyện Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Trì cũng có chung khó khăn, vướng mắc về giá phí dịch vụ thấp, đơn vị không cân đối thu - chi trong hoạt động thu gom rác thải. Trong đó, huyện Thanh Trì đã mở rộng, bổ sung việc thu gom rác ở một số tuyến đường mới nhưng chưa được phê duyệt kinh phí.

Trưởng Ban Ðô thị HÐND TP. Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết, việc thu phí dịch vụ vệ sinh môi trường tại các huyện hiện nay còn thấp, chưa hợp lý. Nhiều gói thầu có khối lượng đăng ký công việc thấp hơn khối lượng thực tế dẫn đến phát sinh khối lượng và kinh phí phải chi trả. Việc phối hợp giữa đơn vị duy trì vệ sinh môi trường với chính quyền các xã để thu phí dịch vụ chưa tốt dẫn đến mất cân đối nguồn kinh phí. Số lượng điểm tập kết rác thải tại các xã còn thiếu, nhiều điểm xuống cấp.

Tuy nhiên, khác với các loại dịch vụ thiết yếu khác, vấn đề thu gom rác thải cần được ưu tiên nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, cũng như để đạt mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp. Vì thế, các sở, ngành cần sớm tham mưu cho UBND Thành phố các giải pháp cấp thiết. Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong và Nhà máy Xử lý rác thải Đồng Ké trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát các nhà thầu vệ sinh môi trường, bảo đảm chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao. Trong quá trình rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới, các huyện, xã phải bố trí đầy đủ các điểm tập kết, trạm trung chuyển rác thải. Tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thành Nam

Top