Cảm phục người phụ nữ khiếm thị giàu nghị lực

07/10/2016 11:21 AM

(Chinhphu.vn) - Căn bệnh thoái hóa võng mạc lấy đi ánh sáng từ đôi mắt nhưng chị Đỗ Thúy Hà đã vươn lên, tìm tòi cho mình hướng đi mới, thông thạo 2 ngoại ngữ, tự tìm con đường du học và hiện nay chị đang mang lại nhiều nguồn sáng cho những người cùng cảnh ngộ.

Chị Đỗ Thúy Hà đã vượt lên mọi khó khăn để mang "ánh sáng" đến cho những người khiếm thị khác - Ảnh Gia Hân

Nghị lực vươn lên tìm ánh sáng

Gặp chị trong một ngày mùa thu tháng 10 trong căn phòng nhỏ của trụ sở Hội Người mù quận Đống Đa, tôi bất ngờ bởi thần thái hiền dịu, xinh đẹp toát lên từ người phụ nữ khiếm thị với nghị lực mạnh mẽ, vươn lên những thách thức, khó khăn của cuộc đời.

Chị Đỗ Thúy Hà đang ngồi làm việc trước máy vi tính bình thường như bao người phụ nữ khác, nhưng để có được những ngày làm việc như thế này, chị đã phải vượt qua bao hành trình gian nan để chiến thắng căn bệnh không nhìn thấy ánh sáng.

Chia sẻ với phóng viên, chị cho biết, thoái hoá võng mạc là căn bệnh bẩm sinh chị mắc phải ngay khi vừa sinh ra, trong những năm đầu đời, chị vẫn nhìn thấy ánh sáng chỉ là không nhìn rõ như các bạn cùng trang lứa. Lên 6 tuổi, theo học tại Trường tiểu học Phương Liên nhưng chị lại không nhìn được lên bảng để thấy cô giáo viết gì. Sau vài tháng, mắt chị đột nhiên mờ nhanh đến mức chỉ nhìn được mọi vật như qua màn sương che phủ. Bố mẹ cho Hà đi khám, bác sĩ kết luận Hà bị thoái hóa võng mạc mắt từ khi còn bẩm sinh, một trường hợp rất khó chữa trị.

Dù cô giáo hết sức hỗ trợ, nhưng sau vài tháng, cô vẫn phải thông báo với bố mẹ chị rằng chị không thể theo học được ở đây. Ngày cô thông báo với gia đình rằng cháu khó có thể tiếp tục học được nữa vì mắt hầu như chẳng còn nhìn thấy chữ, dù biết bệnh của con, bố mẹ chị mang tâm trạng tuyệt vọng khi không thể giúp được gì cho con và chị nghỉ học ở nhà.

Chị chia sẻ, khi ấy, tôi vẫn còn là một đứa trẻ nên không nghĩ được nhiều. Khi phải nghỉ học, tôi rất buồn và đã hỏi mẹ: ““Mẹ ơi, tại sao con lại khác với các bạn?”, nhưng mẹ tôi cũng không thể trả lời”. Mẹ chị cũng chỉ biết an ủi và nói trong nước mắt: “Con thiệt hơn các bạn vì mắt kém”.

Phải nghỉ học, nhưng lúc đó chị vẫn mầy mò học chữ mỗi ngày, học cùng ông nội, cùng bố mẹ bằng cách viết những chữ to ra giấy, hoặc dùng phấn trắng viết lên bảng đen giúp cháu nhìn rõ hơn các nét chữ to để học, học chữ, ghép vần. Lên 9 tuổi, chị được bố mẹ xin cho học tại trường Nguyễn Đình Chiểu, chị không ngừng nỗ lực học tập và liên tục 12 năm liền là học sinh xuất sắc của trường.

Ngay từ khi học tại trường Nguyễn Đình Chiểu, chị Hà đã có niềm yêu thích đặc biệt với môn tiếng Anh. Gặp nhiều đoàn khách quốc tế đến thăm trường, chị mong muốn học giỏi tiếng Anh để có thể hiểu được, để có thể giao lưu với họ. Nhờ sự kiên trì và nghị lực phi thường, năm 2000, khi tham gia kỳ thi Olympic tiếng Anh toàn miền Bắc, chị đã giành giải Ba và là thí sinh khiếm thị duy nhất đạt giải.

Sau khi đỗ vào chuyên ngành tiếng Anh của trường Đại học Mở, một lần lên mạng tra cứu tài liệu, chị biết thông tin về khóa đào tạo về kỹ năng lãnh đạo dành cho người khuyết tật châu Á - Thái Bình Dương tại Nhật Bản, nên chị đã tự tin nộp hồ sơ đăng ký. Trải qua các đợt tuyển chọn gắt gao với 350 đối thủ, chị Hà đã là người Việt Nam duy nhất theo học khóa học này.

Sau một năm rưỡi nỗ lực hoàn thành khoá học ở Nhật, chị tốt nghiệp loại xuất sắc và trở về trong niềm tự hào của gia đình. Sau khi về nước, chị tiếp tục đi học và tốt nghiệp đại học năm 2009.

Cùng giúp những hoàn cảnh khó khăn

Năm 2012, tại đại hội nhiệm kỳ mới, chị Đỗ Thúy Hà được bầu làm Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa. Với cương vị này, chị luôn cố gắng tạo việc làm, dạy chữ, dạy nghề, tổ chức giao lưu, sinh hoạt định kỳ… cho gần 200 thành viên của Hội.

Chia sẻ với phóng viên, chị Hà cho biết, người khiếm thị hiện nay đã có những trợ giúp về công nghệ để gắn kết với cuộc sống bên ngoài. Với chiếc máy tính, điện thoại có hỗ trợ phần mềm đọc màn hình, chị sử dụng thông thạo mọi thứ trên mạng internet.

Có điều kiện thuận lợi hơn để học, tìm hiểu thông tin, chị Hà đã và đang tích cực tìm kiếm thông tin, liên kết, tìm nguồn tài trợ… để tạo công ăn việc làm cho các hội viên. Chị Hà chia sẻ, tạo được công ăn việc làm cho các hội viên bằng cách học nghề và làm nghề phù hợp, tạo được thu nhập ổn định để các hội viên thấy mình có ích, tự nuôi sống bản thân, để các hội viên không thấy mặc cảm, không trở thành gánh nặng của xã hội.

Ngoài công việc tại đây, chị còn dạy từ thiện tiếng Việt cho người Nhật vào các tối cuối tuần, tham gia nhóm tình nguyện để dạy chữ nổi tiếng Việt cho các bạn Nhật; biên tập lại sách, truyện chữ nổi của những người Nhật đã viết và tặng riêng cho trẻ em khiếm thị ở Việt Nam…

Chia sẻ một khát vọng rất lớn của bản thân, chị Hà cho biết đó là mong muốn việc giáo dục, tiếp xúc với người khuyết tật sẽ được quan tâm hơn ở Việt Nam. Ngay từ các cấp tiểu học đến đại học, Nhà nước nên có chương trình cho học sinh tiếp cận với người khuyết tật để họ có thể nhận biết, tìm hiểu và giúp đỡ những người khuyết tật một cách thiết thực, hiệu quả nhất.

“Tôi may mắn hơn nhiều người vì những năm đầu đời tôi vẫn còn được thấy ánh sáng, còn nhiều người thì không… dù tàn nhưng không thể phế, chỉ cần mình quyết tâm thì sẽ làm được tất cả mọi việc”, chị Đỗ Thúy Hà chia sẻ.

Hiện nay, hạnh phúc êm ấm với gia đình nhỏ và cậu con trai đầu lòng đã 5 tuổi, chị Hà cho biết, dù không còn được nhìn thấy gương mặt con, nhưng chị nói ngay khi bác sĩ thông báo chị sinh con trai, chị đã oà khóc vì hạnh phúc. Và bản năng của một người làm mẹ đã giúp chị hoàn thành tốt việc chăm sóc cho cậu con trai nhỏ.

Với vẻ ngoài hiền dịu, gương mặt sáng và xinh đẹp cùng nỗ lực phi thường, mong gia đình nhỏ của chị sẽ luôn hạnh phúc viên mãn và những công việc chị đang làm vì cộng đồng sẽ luôn được ghi nhận.

Ngày 5/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chính thức có quyết định tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2016 cho 9 cá nhân tiêu biểu, trong đó có người phụ nữ khiếm thị mang tên Đỗ Thúy Hà, hiện là Chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa, TP Hà Nội.

Gia Hân

Top