Cán bộ phải gần dân, sát dân, nắm rõ nguyện vọng của dân

14/08/2019 10:05 AM

(Chinhphu.vn) - Cán bộ HĐND quận, huyện phải chú trọng, lựa chọn những vấn đề phức tạp, lâu chưa được giải quyết để tiếp dân và theo dõi đến cùng vụ việc.

Người dân nêu ý kiến về mức bồi thường đất nông nghiệp trong một cuộc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo Thành phố

Nhiều đơn thư đã được giải quyết

Thời gian qua, công tác tiếp dân và xử lý đôn đốc, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã được các cấp ban ngành và các địa phương hết sức chú trọng. Nhiều đơn thư đã được giải quyết. Người dân đã hiểu hơn các chính sách của pháp luật.

Ông Trần Văn Hải, Phó Chủ tịch HĐND quận Hà Đông, cho biết, vào thứ 4 hàng tuần, Thường trực HĐND quận dành thời gian cho tiếp dân. Qua tiếp dân, Thường trực HĐND quận thường xuyên có ý kiến, kiến nghị với Thường trực Quận ủy, HĐND, UBND quận giải quyết nguyện vọng của dân. Đối với những vấn đề liên quan đến các phường thì yêu cầu các phường giải quyết. Ngoài ra, khi tiếp xúc cử tri ở cơ sở, những vấn đề đơn thư nhiều lần thì giao trực tiếp các ngành có liên quan giải quyết. Khi kiến nghị không được giải quyết trong một thời gian nhất định thì HĐND quận sẽ tiến hành giám sát trực tiếp tại các đơn vị, cơ sở liên quan. Với cách làm như vậy, trong thời gian qua đơn thư giảm rõ rệt, vai trò của HĐND quận được phát huy.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch HĐND quận Nam Từ Liêm, trong quá trình tiếp dân, đại biểu HĐND quận kết hợp với giải thích, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo quy định của pháp luật. Công tác tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân gián tiếp được Thường trực HĐND quận xử lý kịp thời, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn quy định.

Vì vậy, số lượng đơn thư, kiến nghị gửi đến Thường trực HĐND quận từ những năm đầu nhiệm kỳ đến nay đã tăng đột biến, khẳng định được vai trò và hiệu quả trong công tác xử lý đơn thư, kiến nghị, tố cáo của Thường trực HĐND quận.

Nhấn mạnh về vai trò trách nhiệm của HĐND các quận huyện, Phó Trưởng Ban Ban Tiếp công dân TP Lê Đình Cung cho rằng, Thành phố cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức về công tác tiếp dân từ TP đến quận, huyện, xã, phường, trong đó nâng cao vai trò người đứng đầu. Đặc biệt, cần tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra công vụ, tăng chất lượng công tác quản lý nhà nước; chú trọng giám sát chất lượng chỉ đạo của Chủ tịch UBND cấp huyện, xã, tăng cường chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo tính khả thi cao; thường xuyên giám sát, đôn đốc việc thực hiện các kết luận; bố trí cán bộ tiếp công dân đủ số lượng, đảm bảo chất lượng và phải coi tiếp công dân là một trong những vị trí công việc để quy hoạch cán bộ.

Đồng thời, cần ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào công tác tiếp dân với việc cập nhật phần mềm tiếp dân và xử lý đơn thư để từ đó tăng hiệu quả công tác này.

Theo ông Đỗ Văn Đương, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, cán bộ tiếp dân phải thể hiện tấm lòng với nhân dân, có ý thức bảo vệ quyền lợi của dân, không phải tiếp dân cho xong trách nhiệm mà phải trau dồi kiến thức về luật pháp cũng như kiến thức thực tế, nghiên cứu kỹ đơn thư của dân để giải quyết, không phải cứ nhận đơn xong là chuyển các ngành khác, tránh gây áp lực cho chính quyền. Đặc biệt lưu ý trách nhiệm tiếp dân định kỳ của lãnh đạo HĐND; tiếp phải có kết quả, nếu đơn không được giải quyết thì đưa ra chất vấn.

Muốn gần dân, sát dân, phải nắm rõ nguyện vọng của dân

Về vấn đề này, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU của Thành ủy nhấn mạnh, Thành ủy luôn coi trọng công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo và có chỉ đạo nhất quán nên trong thời gian qua, công tác này của thành phố đã có nhiều chuyển biến, mặc dù đơn thư còn số lượng nhiều nhưng đây cũng là phản ánh thực tế, phát sinh trong quá trình đời sống dân sinh.

Trong quá trình phát triển, nhiều vụ việc trọng tâm, trọng điểm đã được Thành phố xử lý kịp thời, không trở thành vấn đề an ninh chính trị, giảm rõ rệt các vụ việc phức tạp, không để phát sinh thành điểm nóng với tinh thần của Thành phố là giải quyết đến cùng, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của dân.

Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cũng nhấn mạnh, lãnh đạo Thành phố chỉ đạo với tinh thần không chỉ giải quyết trên giấy mà cán bộ phải xuống từng địa phương, gần dân, sát dân, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân. Nhờ đó trong thời gian qua đã có sự chuyển biến đáng kể trong giải quyết đơn thư khiếu kiện của nhân dân.

Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cũng nêu 4 vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới. Một là, HĐND cần sâu sát, nắm chắc thông tin, chủ động hơn nữa trong công tác tiếp dân, đôn đốc xử lý giải quyết, phát huy sức mạnh, hiệu lực, hiệu quả thực tế, không chỉ chuyển đơn thư.

Thứ hai, HĐND các cấp phải tiếp tục đổi mới, bám sát, học cách làm, hiệu quả hoạt động của HĐND TP. Đặc biệt trong công tác tiếp dân phải khoa học, đại biểu nắm chắc vấn đề, bố trí các đơn vị liên quan cùng tiếp dân.

Thứ ba, phải gắn kết công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của HĐND, chính quyền, MTTQ.

Thứ tư, từng cấp từng ngành cố gắng, chủ động làm tốt hơn vai trò tham mưu cho cấp ủy, thông tin tình hình nắm được, phát hiện qua quá trình tiếp dân, tiếp xúc cử tri để giúp cấp ủy chỉ đạo, đôn đốc, giải quyết dứt điểm tâm tư, nguyện vọng của cử tri, của nhân dân. Đặc biệt, qua đó phát hiện những vi phạm của cán bộ, đảng viên để xử lý kịp thời.

Với vai trò là lắng nghe và giải quyết những nguyện vọng của nhân dân, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, căn cứ theo quy định, quy chế hoạt động của HĐND, 3 tháng HĐND TP sẽ giao ban với thường trực HĐND quận, huyện, thị xã. Từ đầu năm tới nay, HĐND TP đã tổ chức 2 phiên giao ban với Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã, trong đó chú trọng hướng dẫn tổ chức phiên giải trình; công tác tuyên truyền hoạt động của HĐND với nhân dân và chuyên đề hôm nay về công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, việc lựa chọn chuyên đề này là hoàn toàn cần thiết đối với các quận huyện, bởi đây là hoạt động thường xuyên nhưng qua quá trình thực hiện còn nhiều điểm chưa hài lòng với chất lượng hoạt động và mong muốn đổi mới, nâng cao hiệu quả.

Đồng thời cũng nhấn mạnh, qua kiểm tra cho thấy, việc tiếp dân của đại biểu HĐND các cấp nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật, chất lượng tiếp dân ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, tiếp dân có lúc, có nơi còn hình thức, đại biểu HĐND còn chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình trong tiếp dân. Vì vậy, cơ quan thường trực phải ban hành những quy định rất cụ thể về đại biểu tiếp dân; chú trọng phân công, sắp xếp đại biểu tiếp dân gắn với tập huấn nghiệp vụ, cung cấp tài liệu.

Đặc biệt, Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc lưu ý, Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã phải chú trọng, lựa chọn những vụ việc phức tạp, lâu chưa được giải quyết để tiếp dân và theo dõi đến cùng vụ việc, nếu không được giải quyết dứt điểm thì đưa ra chất vấn tại kỳ họp. Các cán bộ khi tiếp xúc, giải quyết các vấn đề nhân dân kiến nghị cũng phải thể hiện bản lĩnh, hiểu luật, nắm chắc văn bản để giải thích cho dân hiểu, đồng thuận.

* Về kết quả hoạt động 7 tháng đầu năm 2019, hoạt động HĐND cấp quận có chuyển biến thực sự với có nhiều đổi mới. Nổi bật là hoạt động giám sát, khảo sát, phiên giải trình tăng nhanh và hiệu quả rõ rệt. Công tác tiếp xúc cử tri trước kỳ họp được đổi mới, gắn với báo cáo kết quả hoạt động của HĐND TP, tổ chức chuyên đề…

Đáng chú ý, Tổ đại biểu HĐND hoạt động ngày càng hiệu quả, đến nay 30 tổ đại biểu đã xây dựng được kế hoạch giám sát, không trùng về nội dung với HĐND TP.

Vĩnh Hoàng

Top