Cần cơ quan chức năng ‘xắn tay’ vào cuộc

27/10/2020 8:46 AM

(Chinhphu.vn) – Để việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên đem lại hiệu quả bền vững, các đơn vị chức năng cần “xắn tay” vào cuộc, kiểm soát chặt công tác đầu tư, thi công, đặc biệt là biện pháp bảo vệ sau khi đưa công trình vào sử dụng.

* Lát đá vỉa hè tại Hà Nội: Tốn kém và không như kỳ vọng

Thi công lát đá vỉa hè tại hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Thùy Chi

Yêu cầu tuân thủ quy trình nghiệm thu 3 bước

Nhằm khắc phục tình trạng tuổi thọ đá vỉa hè bị giảm từ 70 năm xuống còn 2 năm, Sở Xây dựng Hà Nội đã gấp rút rà soát, kiểm tra, rút kinh nghiệm để tiến tới bảo đảm độ bền “vĩnh cửu” cho đá lát vỉa hè.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng các dự án lát đá vỉa hè, Sở Xây dựng đã tổ chức nhiều cuộc họp rà soát, trao đổi, chỉ đạo rút kinh nghiệm công tác triển khai các dự án lát đá vỉa hè. Đồng thời, ban hành một loạt quy chuẩn thi công và quy định về chất lượng đá lát hè.

Ông Võ Nguyên Phong cho biết, theo quy định mới, các đơn vị phải rà soát lại toàn bộ thiết kế, vật liệu tại các dự án lát đá vỉa hè trên địa bàn để nâng cao chất lượng, bảo đảm tuổi thọ cho công trình. Các quận, huyện đang sử dụng loại đá marble (đá cẩm thạch) Thanh Hóa cần nghiên cứu tăng độ dày vật liệu, bởi loại đá này có độ chịu uốn, chịu lực và độ cứng nhỏ hơn đá granite rất nhiều.

Sở Xây dựng đã đưa ra các khuyến nghị cho các quận, huyện lựa chọn loại vật liệu và hướng dẫn quy trình chuẩn cho việc thi công. Còn trách nhiệm lựa chọn đá và thực hiện quy trình là của chủ đầu tư. Trong hồ sơ mời thầu, các đơn vị cần quy định rõ cơ sở xét thầu về vật liệu đá lát.

Bên cạnh đó, các quận, huyện kiểm soát chặt nguồn gốc đá lát, cũng như khi nhập đá cần kiểm tra phương pháp khai thác do một số cơ sở dùng mìn nổ khiến khi gia công, chế tạo không bảo đảm chất lượng.

Về quy trình thi công, ông Phong cho hay, Sở Xây dựng đề nghị các quận, huyện tuân thủ nghiệm thu 3 bước. Thứ nhất, các đơn vị chỉ lát hè khi hoàn thành hạ tầng kỹ thuật như hạ ngầm hệ thống cấp thoát nước, trồng cây xanh, chiếu sáng, cấp điện, thông tin liên lạc.... Xung quanh các hố ga, miệng cống, ống cấp thoát nước... phải bảo đảm kín khít, tránh hiện tượng rò rỉ nước làm rút cát, nền đất gây sụt lún nền hè. Toàn bộ mặt nền hè đường phải được đầm chặt theo yêu cầu thiết kế, bảo đảm độ dốc thiết kế từ ranh giới lát hè đến hàng bó vỉa và phải tổ chức nghiệm thu trước khi đổ bê tông.

Thứ hai, bê tông phải bảo đảm về cường độ và chiều dày đối với từng loại kết cấu hè theo quy định; bảo đảm độ dốc, cao độ vỉa hè theo thiết kế; lấy mẫu kiểm tra cường độ bê tông theo quy định và phải nghiệm thu trước khi lát đá.

Thứ ba, các vị trí lát đá sát các gốc cây, tủ điện, cột điện, hố ga, các góc cong... phải được thi công bảo đảm yêu cầu mỹ thuật. Với các gốc cây có kích thước lớn, rễ cây nhô lên cao cần được thiết kế bó gốc cây bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cây xanh. "Đơn vị nào không thực hiện đúng quy trình, quy chuẩn hoặc làm chưa tốt thì phải làm lại cho đúng yêu cầu. Sở Xây dựng sẽ có các đoàn kiểm tra giám sát vấn đề này", ông Phong nhấn mạnh.

Tăng cường quản lý, giám sát để bảo đảm chất lượng

Theo ý kiến của một số chuyên gia, để bảo đảm chất lượng của đá lát vỉa hè, các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác quản lý, tăng cường kiểm tra giám sát của chủ đầu tư đối với nhà thầu.

Ông Trịnh Hoàng Tùng, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm - đơn vị thi công lát hè quanh hồ Gươm cho biết, Quận đã sử dụng loại đá granite sản xuất ở Bình Định thay cho loại đá Thanh Hóa trước kia. Loại đá mới dày hơn, thấm nước tốt, có độ chịu uốn, chịu lực rất cao. Với việc bảo đảm các quy chuẩn thi công và điều kiện của Thành phố, ông Tùng nhận định đá lát có thể "bền vĩnh cửu".

Nhằm bảo đảm chất lượng công trình, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng cho hay, Ban Quản lý đã quy định rõ giải pháp thiết kế, tuân thủ theo đúng chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội tại Quyết định số 1303/QĐ-UBND ngày 21/3/2019 về “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn Thành phố” và tuân theo loạt quy chuẩn thi công và quy định về chất lượng đá lát hè của Sở Xây dựng Hà Nội, trong đó quy định rõ kết cấu lát hè tại các vị trí khác nhau, như vị trí thông thường, đầu ngõ hay cổng cơ quan, trường học có ô tô qua lại.

“Chúng tôi cũng yêu cầu đơn vị thi công, tư vấn giám sát kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào (xi măng, cát), nhất là nguồn gốc đá, các chỉ tiêu cơ lý của tấm đá phù hợp quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4732:2016 về đá ốp, đá tự nhiên. Việc thi công tuân thủ nghiệm thu theo đúng quy định”, ông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.

Tương tự, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Đống Đa Lê Anh Tuấn chia sẻ, bên cạnh bảo đảm các thông số phù hợp quy định theo tiêu chuẩn  quốc gia, vật liệu đá lát trước khi đưa vào sử dụng đều được lấy mẫu thí nghiệm, bảo đảm các chỉ tiêu về độ hút nước, khối lượng, thể tích, độ bền uốn, độ chịu mài mòn. Trong quá trình thi công, Ban Quản lý dự án, tư vấn giám sát kiểm soát chặt chẽ độ đầm chặt nền, cấp phối bê tông, cấp phối vữa lát, chiều dày bê tông...

Bên cạnh việc kiểm tra công tác quản lý chất lượng, giám sát đối với các dự án lát đá vỉa hè cũng được UBND các quận đặc biệt chú trọng. Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình Bùi Thanh Bình cho hay: Các dự án lát đá vỉa hè đều được ban giám sát đầu tư của cộng đồng các phường nơi có dự án giám sát ngay từ khi triển khai. Ngoài ra, UBND Quận còn ký hợp đồng với đơn vị tư vấn giám sát đủ năng lực phối hợp với cán bộ của quận liên tục giám sát chất lượng công trình, nhắc nhở đơn vị thi công bảo đảm vệ sinh môi trường.

Trong khi đó, UBND quận Hoàn Kiếm đã thành lập Ban Chỉ đạo để giám sát việc triển khai các dự án chỉnh trang, lát đá vỉa hè; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Liên quan đến công tác giám sát chất lượng công trình lát đá vỉa hè, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, vừa qua Sở đã tổ chức đợt 1 kiểm tra 12 dự án (18 tuyến phố) trên địa bàn 4 quận: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình. Sở đã lấy mẫu thí nghiệm kiểm tra xác suất các vị trí ngẫu nhiên tại hiện trường để kiểm tra chất lượng và chiều dầy lớp kết cấu theo kế hoạch được duyệt.

Ông Nguyễn Quang Huy cho hay, kết thúc kiểm tra, Đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng lập Biên bản có đánh giá về chất lượng hiện trạng thi công các dự án lát hè, nêu rõ những hạn chế tồn tại; kiến nghị đề xuất cụ thể đối với UBND các quận, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các quận, Phòng Quản lý đô thị, Đội quản lý trật tự xây dựng, nhà thầu giám sát, nhà thầu thi công cùng các đơn vị liên quan để bảo đảm chất lượng công trình, công tác an toàn, vệ sinh môi trường tại các dự án lát đá hè do UBND quận làm chủ đầu tư.

Diện mạo mới của vỉa hè phố Lê Thái Tổ sau khi được thay “áo mới”. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Bài toán giữ gìn “tấm áo mới” 

Tính đến thời điểm hiện tại, tại nhiều tuyến đường phố như: Trần Phú, Chu Văn An, Lê Hồng Phong, Đinh Tiên Hoàng, Cửa Đông, Lê Thái Tổ, Bà Triệu, phố Huế…, việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và ngay lập tức phát huy được hiệu quả.

Đây cũng là nhận định chung của nhiều người dân thủ đô Hà Nội khi được hỏi về hiệu quả, tác động của việc thay thế đá lát vỉa hè đối với cuộc sống. Anh Trần Đức Duy (quận Đống Đa) cho biết, việc chỉnh trang hè phố bằng đá tự nhiên đã thay đổi thói quen, cách hành xử của người dân với vỉa hè. Theo lý giải của anh Duy, trước đây, bó vỉa trên tuyến đường này rất thấp, vào giờ cao điểm người điều khiển xe máy thường lao lên vỉa hè để di chuyển, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông đối với bản thân và người đi bộ. Tuy nhiên, sau khi chỉnh trang, các bó vỉa đã được nâng cao, ít điểm lên xuống, trên vỉa hè còn bố trí cả phần đường dành cho người khuyết tật di chuyển… Nhờ đó, việc đi lại của khách bộ hành cũng bảo đảm hơn.

Nói về độ bền của vỉa hè, nhiều người dân đều cho rằng, ngoài yếu tố bảo đảm trong đầu tư, thi công, kỹ thuật thì “của bền tại người”, bảo đảm được “tuổi thọ” đá vỉa hè còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người sử dụng. Để đá vỉa hè có độ bền “vĩnh cửu”, công tác quản lý công trình sau khi đưa vào sử dụng rất cần thiết. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng quận Đống Đa cho hay: “Hiện nay, không ít dự án khi đi vào hoạt động, chính quyền các địa phương thiếu sự giám sát nên tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, mở xưởng sửa chữa… gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình, mất mỹ quan đô thị”.

Nhiều chuyên gia khẳng định, việc Hà Nội triển khai lát vỉa hè bằng đá tự nhiên tạo ra một diện mạo mới cho Thủ đô, thậm chí từng bước nâng cao ý thức trong việc quản lý, sử dụng vỉa hè của người dân. Dẫu vậy, nếu người dân, chính quyền địa phương không thực sự quyết liệt trong việc bảo vệ, giữ gìn, xử lý nghiêm hành vi xâm hại đá lát vỉa hè thì hiệu quả đem lại khó đạt được như kỳ vọng.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho hay: Lát đá vỉa hè bền vững theo thời gian là bài toán văn hóa, kinh tế và khả năng quản trị của chính quyền đô thị. Về văn hóa ứng xử, việc lát đá vỉa hè phải đồng bộ với nếp sống mới của người dân Thủ đô. Vỉa hè nên được trả lại đúng chức năng phục vụ người đi bộ. Về góc độ đô thị, vỉa hè là nơi giao tiếp cộng đồng đô thị, nơi chuyển tiếp để con người tiếp cận với những công trình kiến trúc từ trong nhà ra đến các công trình công cộng, chứ không phải để buôn bán và biến vỉa hè thành của riêng theo hình thức “bảo kê”. Những nhà mặt phố được hưởng lợi ở vỉa hè phải có trách nhiệm giữ gìn, thực hiện đúng theo quy định, quy chế riêng của Thành phố khi sử dụng vỉa hè.

Khách quan mà nói, chủ trương thay “áo mới” cho vỉa hè nói riêng và bộ mặt đô thị là rất tốt, nhưng bên cạnh việc bảo đảm chất lượng thi công của công trình, thì cũng cần sự chung tay của cả cộng đồng để bảo vệ tuổi thọ, sức bền cho đá lát vỉa hè.

Thùy Chi

Top