Cần cụ thể hóa quy hoạch chống lũ

31/10/2017 5:36 PM

(Chinhphu.vn)-Chiều ngày 31/10, UBND TP.Hà Nội và Bộ NN&PTNT đã họp thống nhất một số nội dung liên quan đến điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ chi tiết từng tuyến sông có đê trên địa bàn TP Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị-Ảnh: Minh Nhung

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Viết Sơn, Trưởng phòng Quy hoạch Thủy lợi Bắc Bộ, Viện Quy hoạch Thủy lợi- đơn vị tư vấn lập dự án, cho biết hệ thống công trình phòng chống lũ của Hà Nội nằm trọn trong lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình, được sự điều tiết của các hồ chứa lớn là Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang với tổng dung tích phòng chống lũ là 8,5 tỷ m3. Các hồ chứa lớn có khả năng cắt lũ từ 48.500 m3/s xuống còn 28.000 m3/s, bảo đảm cho Hà Nội chống được lũ có chu kỳ lặp lại 500 năm.

Bên cạnh đó, Hà Nội có 42 tuyến đê được phân cấp với chiều dài hơn 626 km. Trong đó có các tuyến đê sông lớn gồm Sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Cà Lồ... Các tuyến đê của Thành phố được nối liền và không thể tách rời với các tuyến đê của các tỉnh lân cận gồm Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hà Nam.

Với vị trí như vậy, để điều chỉnh quy hoạch đê điều, năm 2009, thành phố Hà Nội đã lập và phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ trên địa bàn thành phố (Quy hoạch lũ Hà Nội). Năm 2014, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ sông Đáy theo Quyết định 1821. Đến năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ cho hệ thống sông Hồng-sông Thái Bình (Quy hoạch lũ sông Hồng). Trong đó có nội dung khác biệt so với quy hoạch lũ Hà Nội. Ngoài ra, nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của Thành phố (đô thị, giao thông, sử dụng đất) có nhiều nội dung, hạng mục liên quan đến công tác phòng chống lũ và đê điều.

Vì vậy, có thể thấy việc điều chỉnh quy hoạch đê điều là rất cần thiết. Quy hoạch sẽ chủ động phòng chống lũ cho Thành phố theo tiêu chuẩn đã được quy định tại các Quyết định số 257 và 1821 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội; cụ thể hóa các giải pháp phòng chống lũ trên địa bàn thành phố Hà Nội dựa trên các định hướng chung của quy hoạch khung của hệ thống sông Hồng; làm cơ sở pháp lý để thực hiện các quy hoạch, các dự án có liên quan và là cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trình phòng, chống lũ.

Theo đó, các vấn đề Hà Nội cần phải rà soát, điều chỉnh theo Quyết định 257 của Thủ tướng Chính phủ gồm: Không gian thoát lũ (toàn bộ không gian nằm giữa hai đê chính, không cho phép xây dựng đê bối mới); quy hoạch sử dụng bãi sông (Quy hoạch lũ sông Hồng năm 2016 cho phép nghiên cứu xây dựng 20 bãi, diện tích 4.568 ha, với mật độ xây dựng thấp); ứng xử với dân cư vùng bãi sông (chỉ di dời dân tại các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở) và bổ sung đánh giá tác động của các hoạt động kinh tế xã hội đến công tác phòng chống lũ.

Nghiên cứu để quy hoạch phù hợp

Theo kết quả tính toán, khi Hà Nội xây dựng 20 bãi sông với tỷ lệ diện tích xây dựng thấp sẽ ít ảnh hưởng đến mực nước lũ. Bên cạnh đó, việc xây dựng đường giao thông, dự án kiến nghị lựa chọn phương án xây dựng đường ở cao trình 11 m. Phương án này sẽ ảnh hưởng đến lũ ở mức trung bình, thân thiện với cảnh quan và rủi ro ngập lụt thấp.

Đưa ra ý kiến đóng góp và tham luận tại Hội nghị, hầu hết các đại biểu đều thống nhất với phương án điều chỉnh quy hoạch của Viện Quy hoạch Thủy lợi. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng việc quy hoạch bãi sông không nên để bãi sông trống vì như vậy sẽ tạo ra cảnh quan rất xấu. Một số tỉnh, thành như Đà Nẵng có quy hoạch và xây dựng vùng bãi trống tạo đã nên cảnh quan đẹp, đây là vấn đề mà Hà Nội cần xem xét và học tập. Bên cạnh đó, trong quy hoạch vấn đề bãi sông được bàn tới nhiều nhưng còn một vấn đề khác là đê chống lũ cũng rất quan trọng. Vì vậy, các đại biểu mong thành phố đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, về cơ bản Bộ thống nhất với điều chỉnh quy hoạch theo Quyết định 257 của Thủ tướng Chính phủ. Đó là không di chuyển toàn bộ dân cư vùng bãi mà chỉ di dời 1.900 hộ và bảo vệ dân cư. Bên cạnh đó, Hà Nội cần cân nhắc không gian chứa lũ và trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Việc quy hoạch điều chỉnh của Hà Nội là hợp lý nhưng chưa được xem xét kỹ. Vì vậy, các cơ quan cần khẩn trương xem xét, nghiên cứu, sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Còn nhiệm vụ trước mắt, Hà Nội cần cụ thể hóa Quyết định 257 của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp thu ý kiến và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung hoàn toàn nhất trí với các ý kiến đóng góp của các đại biểu là bảo vệ được số dân cư hiện hữu. Đồng thời mong muốn dự án quy hoạch sẽ khả thi để Hà Nội có thể cải tạo được hạn chế và bảo vệ được dân cư cũng như ngăn chặn tình trạng lấn chiếm. Bên cạnh đó, đề xuất Bộ NN&PTNT cũng như các tổng cục, đơn vị và các nhà nghiên cứu... dựa trên tình hình thực tế hiện nay của Hà Nội có thể đóng góp, đưa ra phương án quy hoạch khoa học, tối ưu nhất cho người dân và vấn đề đê điều chống lũ của Thủ đô.

Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở NN&PTNT và đơn vị quy hoạch tiếp thu tất cả những ý kiến của các đại biểu. Đồng thời Hà Nội cần nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học để có cái nhìn toàn diện về điều chỉnh quy hoạch trên sông Hồng và các sông. Và tính toán đến các giải pháp đắp đê, giữ đê trong những trường hợp cần thiết.

Minh Nhung

Top