Cần nghiêm khắc với hành vi tạo thực phẩm ‘bẩn’

05/05/2016 10:02 AM

(Chinhphu.vn) - Thời gian gần đây, cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc tập thể do ăn phải thực phẩm “bẩn”, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Do đó, để đẩy lùi tình trạng thực phẩm “bẩn” đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự góp sức của người dân.

Thực phẩm 'bẩn' đang đầu độc người tiêu dùng - Ảnh: Internet

“Ma trận” thực phẩm sạch - bẩn

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, nạn thực phẩm bẩn cũng nguy hiểm giống như “quốc nạn” tham nhũng, lãng phí bởi thực phẩm bẩn không chỉ xuất hiện ở chợ, ở những gánh hàng rong mà có trong cả các siêu thị uy tín nếu buông lỏng quản lý các hợp đồng mua bán với nhà cung ứng. Điều đó khiến cho người tiêu dùng rơi vào “ma trận” hàng hóa và không thể phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch.

Các loại hóa chất độc hại có trong lương thực, thực phẩm cũng đã gây nên nhiều loại bệnh trong đó có bệnh ung thư với trung bình mỗi năm có ít nhất 125.000 trường hợp mắc mới. Số người chết hằng năm do ung thư lên tới 82.000, chiếm 73,5% của tổng số người bệnh.

“Hiện chúng ta mua bán rất phức tạp, lòng vòng, không có địa chỉ, mua bán bằng tiền mặt, mua xong tay là xong. Cho nên tôi cho rằng vấn đề tổ chức vận động hàng hóa để đảm bảo an toàn là quan trọng nhất. Phải có những địa chỉ, cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm” ông Phú cho hay.

Đồng quan điểm với ông Phú, ông Lê Văn Hưng, Chuyên gia cao cấp Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam khẳng định, đây thực sự là vấn đề đáng báo động không chỉ đối với hàng xuất khẩu mà còn đối với các hàng hóa nội địa. Trong mấy năm qua, Liên minh châu Âu đã trả lại hàng hóa được xuất khẩu từ Việt Nam. Việc này không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới uy tín quốc tế. Do đó, cần lành mạnh hóa vấn đề này không chỉ đối với sức khỏe người tiêu dùng mà còn đối với hàng xuất khẩu cũng như hàng nội địa.

Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm lại đáng báo động như hiện nay. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm soát và mạnh tay xử lý đối với các trường hợp kinh doanh, vận chuyển… thực phẩm mất an toàn, nhưng thực phẩm bẩn, thực phẩm nhiễm hóa chất vẫn tiếp tục tràn lan với mức độ ngày càng đáng báo động.

Giải pháp nào để kiểm soát?

Theo các chuyên gia, mặc dù chúng ta đã có quy định của pháp luật để quản lý và quy định các khung hình phạt nhưng chưa thể triệt tiêu tận gốc vấn đề, tình trạng vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn diễn ra hàng ngày gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để giải quyết tình trạng này cần tăng chế tài xử và cần phải nghiêm khắc với các hành vi mang tính chất cố tình, gian dối để làm ra các sản phẩm không an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng các công cụ để kiểm soát an toàn thực phẩm.

Để ràng buộc trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm cần xây dựng chuỗi sản xuất để nếu một cơ sở trong chuỗi vi phạm sẽ bị đào thải ra khỏi thị trường. Thêm vào đó là cần có một hiệp hội các nhà sản xuất liên kết với nhau cùng sản xuất sản phẩm sạch để kiểm soát chéo lẫn nhau. Về phía doanh nghiệp phải thay đổi tư duy sản xuất, cần xây dựng chuỗi cung ứng hệ sinh thái sản xuất để có thể kiểm soát được chất lượng trong khâu sản xuất.

Cùng chung quan điểm và đồng tình với việc doanh nghiệp cần liên kết trong sản xuất và kiểm soát chất lượng thực phẩm, ông Vũ Doãn Duy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hà Nội Food Việt Nam nhận định, liên kết giữa các doanh nghiệp cần phải trở thành chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp có thể tự xây hệ sinh thái sản xuất, hoặc phải tự liên minh lại với nhau để cung ứng cho thị trường những sản phẩm hàng hóa chất lượng và phải thực sự là thực phẩm sạch...

Thành Nam

Top