Cần phát triển chăn nuôi hữu cơ thay cho thương phẩm, công nghiệp

19/01/2018 2:34 PM

(Chinhphu.vn)-Ngày 19/1, phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Trung tâm Phát triển chăn nuôi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng yêu cầu Trung tâm đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Phát triển sản xuất giống, hàng hóa hiệu quả bền vững, an toàn thực phẩm thông qua các mô hình chăn nuôi, chuyển giao kỹ thuật.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hà Tiến Nghi, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, năm 2017, tình hình chăn nuôi trên địa bàn thành phố tương đối ổn định, không xảy ra dịch bệnh lớn trên đàn gia súc, gia cầm nhưng chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn. 

Về số lượng, hiện đàn trâu có hơn 25,3 nghìn con, tăng 5,8%; đàn bò gần 130 nghìn con, giảm 4,5%; đàn lợn hơn 1,8 triệu con, tăng 3,3%. Công tác phát triển chăn nuôi theo xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư gắn với quy hoạch chăn nuôi và vùng chuyên canh tập trung.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2016, tại các xã chăn nuôi trọng điểm, đàn bò sữa giảm 4,1% do năm 2017 tiêu thụ sữa gặp khó khăn, giá sữa giảm thấp, người dân chỉ tập trung phát triển các trại bò quy mô lớn. Đàn bò thịt giảm 3,4% do tốc độ đô thị hóa nông thôn nhanh nhưng chất lượng thịt lại được cải thiện đáng kể. Đàn lợn giảm 7,96%; đàn gia cầm tăng 3,78%.

Năm 2017 là năm thứ hai Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội được giao tổ chức, triển khai thực hiện Dự án Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm. Từ 11 mô hình chuỗi được thực hiện theo dự án chuỗi sản xuất cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 đến nay đã nhân rộng thành 23 mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi- tiêu thụ sản phẩm. Trong đó có một số mô hình chuỗi điển hình như: Chuỗi gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà mía Sơn Tây, thực phẩm A-Z... Hiện các chuỗi đã bước đầu hoàn thiện với đầy đủ các nhóm tác nhân liên kết hợp tác trên cơ sở hợp đồng quy định rõ ràng quyền lợi, trách nhiệm của các bên tham gia liên kết.

Đồng thời hình thành trên 20 cửa hàng và điểm bán giới thiệu các sản phẩm của chuỗi trên địa bàn các quận nội thành. Đến nay hàng ngày các chuỗi tham gia Dự án cung cấp cho thị trường khoảng 13 tấn thịt gà; 26 tấn thịt lợn; 1,5 tấn thịt bò; 282 nghìn quả trứng...

Ngoài ra, Trung tâm cũng tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và đào tạo về chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm cho cán bộ cơ sở. Thông qua các lớp tập huấn, người chăn nuôi cũng như các tác nhân tham gia chuỗi liên kết đã nắm vững các kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, tổ chức sản xuất; vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm... góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, kết nối chăn nuôi với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm tạo chuỗi liên kết chăn nuôi bền vững. 

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đẩy mạnh công tác lai tạo giống mới, nâng cao chất lượng con giống và ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu của thị trường và bảo đảm an toàn thực phẩm. Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo đối với bò sữa đạt 100%; với bò thịt đạt 79%. Chất lượng đàn bò lai được cải thiện rõ rệt, cụ thể sản lượng sữa trung bình đạt 5.000 kg/con/chu kỳ 305 ngày. Khả năng tăng trọng, khối lượng và tỷ lệ thịt của bò lai hướng thịt được cải thiện.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì ngành chăn nuôi Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế. Giá thành sản xuất ra sản phẩm chăn nuôi cao, độ đồng đều của sản phẩm không cao; số lượng sản phẩm không đủ lớn để sản xuất mang tính hàng hóa. Người chăn nuôi chưa chủ động đưa ra được giá bán của sản phẩm trên cơ sở hạch toán chi phí sản xuất để đảm bảo hiệu quả, giá cả vẫn phụ thuộc vào thị trường, thương lái. Thiếu sự liên kết, hợp tác chia sẻ lợi nhuận giữa các nhóm tác nhân.

Để giải quyết khó khăn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng yêu cầu, thời gian tới, Trung tâm cần tiếp tục kiện toàn bộ máy cán bộ, nâng cao vai trò của các trạm chăn nuôi; tập trung cho công tác quản lý giống, nâng cao tỷ lệ thụ tinh nhân tạo đối với đàn bò thịt và duy trì tỷ lệ thụ tinh nhân tạo của đàn bò sữa để nâng cao khả năng sản xuất của con lai và làm tốt công tác quản lý giống; đánh giá lại hoạt động của việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Phát triển sản xuất giống, hàng hóa hiệu quả bền vững, an toàn thực phẩm thông qua các mô hình chăn nuôi, chuyển giao kỹ thuật.

Đồng thời đánh giá lại hoạt động của chuỗi liên kết trong chăn nuôi, xuống tận nơi để kiểm tra lại hoạt động có thực sự hiệu quả hay không. Trung tâm cũng nên khuyến khích nông dân phát triển chăn nuôi hữu cơ thay vì chăn nuôi thương phẩm, công nghiệp.

Minh Nhung

Top