Cần phát triển thương mại điện tử trong các làng nghề

18/10/2018 4:21 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều 18/10, Cục Công thương địa phương (Bộ Công Thương), Sở Công Thương Hà Nội phối hợp Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế về tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với làng nghề trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thùy Linh

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang làm thay đổi sâu sắc tư duy và hình thức hoạt động của mọi lĩnh vực trên thế giới. Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, các làng nghề Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cũng đang đứng trước rất nhiều cơ hội và thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Hà Nội tự hào là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, trong đó có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống có bề dày lịch sử lâu đời, gắn liền với lịch sử phát triển của Thủ đô như: Gốm Bát Tràng, Lụa Vạn Phúc, Thêu Quất động… Tính đến nay, Hà Nội có 1.350 làng nghề, đang tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD/năm.

Làng nghề Hà Nội đang đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế thủ đô. Tuy nhiên, làng nghề nói chung và làng nghề Hà Nội nói riêng vẫn đang còn nhiều tồn tại như mẫu mã sản phẩm ít được đổi mới, thiếu khả năng tự khai thác thị trường, công nghệ thiết bị sản xuất chủ yếu thô sơ, lạc hậu…

“Hội thảo hôm nay nhằm mục đích tuyên truyền cho làg nghề về cách mạng công nghiệp 4.0 và những tác động của nó tới nền kinh tế nói chung và các làng nghề nói riêng. Tạo cơ hội cho các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội làng nghề thủ công mỹ nghệ,… lắng nghe các chuyên gia đánh giá điểm mạnh, điểm yếu và cơ hội, thách thức của làng nghề dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đàm Tiến Thắng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, các chuyên gia có chung ý kiến rằng, các cơ quan quản lý, hiệp hội cần xây dựng các chuyên đề tuyên truyền về thương mại điện tử để nâng cao nhận thức và hiểu biết cho doanh nghiệp, người dân tại các làng nghề. Phối hợp chặt chẽ với các trường đại học có đào tạo ngành thương mại điện tử để đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn hoặc liên kết trong đào tạo, tuyển dụng nhân lực thương mại điện tử.

Các làng nghề xuất phát từ điều kiện thực tế của mình triển khai áp dụng các giai đoạn của thương mại điện tử. Đó là thông tin; sự hiện diện qua Website; mạng nội bộ; tự động hoá giao dịch và mạng extranet-thương mại điện tử tích hợp cấp độ cao.

Đồng thời, cần phát triển liên kết trong nội bộ làng nghề với bên ngoài trong phát triển thương mại điện tử; tăng cường hỗ trợ của nhà nước cho thương mại điện tử tại các làng nghề; xây dựng môi trường thương mại điện tử hiện đại, đồng bộ. Vấn đề quan trọng là xây dựng thể chế đồng bộ cho phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.

Cùng với đó, phát triển mạnh mẽ hệ thống thanh toán điện tử, bảo đảm an ninh, an toàn trong giao dịch thương mại điện tử, khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực thương mại điện tử...

Thùy Linh

Top