Cần tận dụng ‘giai đoạn vàng’ để cứu doanh nghiệp.

08/05/2020 7:13 PM

(Chinhphu.vn) - Một trong những vấn đề đang đặt ra đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội là làm thế nào để tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ trong khi khó khăn là thực tế hiện nay khi dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp lao đao thậm chí phá sản.

Đại diện lãnh đạo nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (DNNVV) đều đánh giá cao chủ trương của Chính phủ và các gói hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch COVID-19. Nhưng còn có những ý kiến băn khoăn rằng, chưa có tiêu chí cụ thể nào để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn hỗ trợ trong khi tính từ ngày 23/1, thời điểm Việt Nam bắt đầu ghi nhận có ca nhiễm Covid-19 đến nay đã gần ba tháng trôi qua doanh nghiệp vẫn đợi chờ, nhiều doanh nghiệp khó trụ vững, thậm chí phá sản. 

Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phân loại và có tiêu chí rõ ràng, để doanh nghiệp được hỗ trợ kịp thời; bao nhiêu cho doanh nghiệp lớn, bao nhiêu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều kiện được hỗ trợ như thế nào?

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng nhưng một số doanh nghiệp khi làm việc với các chi nhánh ngân hàng thì đều được trả lời đang triển khai hướng dẫn để thực hiện. Hoặc ngân hàng đồng ý giãn nợ nhưng lại tăng lãi suất. Trước đây được ưu đãi thì nay chuyển sang lãi suất thị trường.

Theo Ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội (SHF), việc giãn nợ, cấp tín dụng hay các chính sách hỗ trợ khác giờ như những chiếc “máy thở” cứu doanh nghiệp, nhưng lại chưa có “ô xy”. Ngay với trường hợp SHF, việc tiếp cận tín dụng không dễ dàng. Ông Dũng cho biết, doanh nghiệp của ông nhận được thông tin trả lời về việc giãn nợ từ chi nhánh ngân hàng rằng: “Nếu giãn nợ sẽ bị giảm mức xếp hạng tín dụng và đưa vào danh sách nợ xấu. Như vậy thì có khác gì trước khi có dịch Covid-19”, ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse đặt tình huống: “Giai đoạn sau dịch, nói về nguyên tắc thì "sau giai đoạn nén sẽ là giai đoạn bung”, nhưng khi hồi lại thì doanh nghiệp còn sống không mới là quan trọng”. Với dịch Covid-19 doanh nghiệp nào cũng gặp khó khăn, doanh nghiệp càng lớn khó khăn càng lớn. Nhưng, doanh nghiệp lớn mà “chết” thì liên quan đến một loạt các kết nối, các đối tác với nhiều hệ lụy đi theo. Cũng như phòng chống dịch bệnh, cần tận dụng “giai đoạn vàng” để cứu doanh nghiệp.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, để tháo gỡ những khó khăn trên cho các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội, việc khảo sát thực tế số doanh nghiệp đang gặp khó khăn là cần thiết. Vì đến nay các doanh nghiệp khó khăn thật sự vẫn đang loay hoay không tiếp cận được.

Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp cũng đề cập đến một số vướng mắc khác như: Cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhất trong lĩnh vực hải quan, tài nguyên môi trường, xây dựng, đất đai; đổi mới và cải cách mạnh mẽ về thể chế, rà soát sửa đổi bổ sung những văn bản không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; hoãn, giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT trong năm 2020; giãn thời gian trả nợ ngân hàng, khoanh nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay; hỗ trợ tìm nguyên liệu sản xuất thay thế. 

Đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa việc điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; sớm phê duyệt các danh mục sử dụng đất, tránh quy trình xét duyệt, giải quyết quá lâu làm doanh nghiệp không đủ lực để tồn tại.

Cũng theo ông Mạc Quốc Anh, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch Covid – 19 cần đổi mới mạnh mẽ về thủ tục hành chính, cắt giảm hiệu quả các thủ tục chuyên ngành nhất là các thủ tục đầu tư xây dựng, các dự án hiện nay vướng mắc nhiều và cũng qua nhiều năm chưa tháo gỡ được.

Để các doanh nghiệp có cơ hội tăng năng suất, mở rộng quy mô và năng lực khi một số doanh nghiệp đã có thị trường, Nhà nước cần tạo cơ hội về mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng, tháo gỡ kịp thời những khúc mắc về mặt bằng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp có thể sớm sản xuất kinh doanh. Xây dựng các các cụm công nghiệp ở các huyện là rất thiết thực, thuận tiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ở địa phương.

Bên cạnh đó cần cung cấp thông tin thị trường, dự báo kịp thời. Đổi mới công tác Xúc tiến thương mại của Bộ Công thường và các tỉnh. Tổ chức các Chương trình xúc tiến thương mại đẩy mạnh nhu cầu mua, đón các đoàn khách vào Việt Nam thông qua Thương mại điện tử. Xây dựng bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm của các doanh nghiệp và hướng dẫn kinh doanh an toàn cho các doanh nghiệp. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng cầu, cảng biển và nhất là khâu logistic...

Minh Anh

Top