Cần tăng cường thanh tra ATTP tuyến cơ sở

09/10/2019 8:33 AM

(Chinhphu.vn) - Chiều ngày 8/10, UBND TP, Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu chỉ đạo tại hội nghị - Ảnh: Thiện Tâm

Căn cứ Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 3/01/2019 của UBND Thành phố về việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP trên địa bàn thành phố Hà Nội, 30/30 quận, huyện, thị xã và 584/584 xã, phường, thị trấn đã ban hành và triển khai Kế hoạch thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tới các ban, ngành, đoàn thể, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Để đảm bảo đúng quy định nhân lực về công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tại quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn, Sở Y tế đã chủ động phối hợp với các đơn vị đào tạo, cấp chứng chỉ thanh tra chuyên ngành và bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra. Đồng thời phối hợp với Trường Cán bộ thanh tra Chính phủ triển khai 39 lớp đào tạo, cấp chứng chỉ thanh tra chuyên ngành ATTP cho 3.340 công chức, viên chức, Phó Chủ tịch/Chủ tịch xã/phường thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

Đến nay 100% các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn có đủ công chức, viên chức đảm bảo điều kiện theo quy định tại Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ để thành lập từ 1-2 đoàn thanh tra tiến hành thanh tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Đến ngày 20/9/2019, có 29/30 quận, huyện đã tiến hành thanh tra ATTP. Đã thanh tra được 310 cơ sở, xử phạt 96 cơ sở, số tiền phạt 313 triệu đồng. Đã có 18/30 quận, huyện, thị xã triển khai thanh tra chuyên ngành tại tuyến xã, phường, thị trấn. Tổng số xã, phường, thị trấn đã triển khai thanh tra là 131/584 xã với 859 cơ sở, xử phạt 206 cơ sở, số tiền phạt là 408 triệu đồng.

Phát biểu tại hội nghị ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho rằng, trong 9 tỉnh, TP, Hà Nội triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP một cách bài bản và nghiêm túc. Trong khi nhiều địa phương khác còn lúng túng khi triển khai. Tuy nhiên, các đoàn thanh tra cấp cơ sở hiện mới chỉ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực y tế.

Theo ông Nguyễn Hùng Long, để công tác thanh tra đạt hiệu quả cần tiến hành thanh tra, kiểm tra một cách toàn diện hơn. Đặc biệt, cái gốc của vấn đề bảo đảm ATTP chính là sản phẩm nông nghiệp. Một vấn đề nóng trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn hiện nay chính là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, trong thời gian tới, TP Hà Nội nên đặt ra nhiệm vụ cho công tác thanh tra chuyên ngành ATTP cụ thể, về lĩnh vực y tế kiểm tra bao nhiêu cơ sở, lĩnh vực công thương và nông nghiệp kiểm tra bao nhiêu cơ sở.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện thí điểm triển khai công tác thanh tra chuyên ngành ATTP một cách bài bản, hiệu quả và được Chính phủ đánh giá cao. Ngoài ra, từ năm 2016, TP đã có 5 quận, huyện và 10 xã, phường triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP và đến nay, những đơn vị này tiếp tục triển khai khá tốt nhiệm vụ này. Nhờ đó, trong 9 tháng của năm 2019, TP chưa để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn với nhiều người mắc.

Về khó khăn phát sinh trong quá trình thanh tra ở các quận huyện, Phó Chủ tịch TP Nguyễn Văn Sửu cho rằng, việc thanh tra muốn đạt hiệu quả phải được triển khai liên tục. Khi thanh tra, cơ sở đóng cửa thì lần sau lại đến tiếp và nếu họ cứ tiếp tục đóng cửa thì sẽ cho dừng hoạt động. Trong quá trình thanh tra cần phát huy hiệu quả của các xe kiểm nghiệm nhanh lưu động hiện có, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm, từ đó thay đổi hành vi của người sản xuất, kinh doanh.

Với phương châm phải đi kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch TP yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện, xã, phường, đặc biệt là các chủ tịch, phó chủ tịch cấp huyện phải đích thân đi kiểm tra an toàn thực phẩm ít nhất 1 lần/tháng, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra 1 lần/tuần. Ngoài ra, các quận, huyện phải thực hiện 1 tháng/lần tổ chức giao ban, đánh giá công tác triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, từ đó rút kinh nghiệm triển khai hiệu quả hơn.

Thiện Tâm

Top