Cấp mã định danh cho hơn 2.500 sản phẩm nông sản

24/06/2019 4:12 PM

(Chinhphu.vn) – Tính đến nay, Hà Nội đã hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn rõ nguồn gốc xuất xứ, giúp người tiêu dùng cũng có thể kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm, đặc biệt đã cấp mã định danh cho trên 2.500 sản phẩm nông sản.

Ảnh minh họa

Đây là kết quả từ sự nỗ lực của các cấp, các ngành thành phố Hà Nội trong thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP). Trong đó có việc xây dựng, phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn…

Triển khai xây dựng, phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, từ đầu năm đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục triển khai một số chương trình, đề án lớn hỗ trợ công tác bảo đảm ATTP như Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; Chương trình phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao; Dự án chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo ATTP; Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản...

Đáng chú ý, trên địa bàn Thành phố đã hình thành, phát triển các vùng sản xuất tập trung, trong đó, diện tích trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP đạt hơn 225ha; đã hình thành rõ nét 76 xã chăn nuôi trọng điểm và 4.276 trại quy mô lớn ngoài khu dân cư; 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

Hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử sử dụng mã QRcode cũng được các sở, ngành thành phố tích cực xây dựng. Đến nay, Hà Nội đã hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn rõ nguồn gốc xuất xứ, giúp người tiêu dùng cũng có thể kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm, đặc biệt đã cấp mã định danh cho trên 2.500 sản phẩm, cấp phát trên 5.000.000 tem truy xuất dán trên các sản phẩm nông sản an toàn.

Về phát triển mô hình quản lý theo chuỗi sản phẩm cung ứng, thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT và các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trong việc duy trì và phát triển các chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn; đẩy mạnh quản lý, phát triển hệ thống kinh doanh theo chuỗi đáp ứng mô hình kinh doanh, phục vụ theo hướng văn minh hiện đại tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ... trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, các cấp, các ngành thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì 121 chuỗi liên kết ATTP từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó, có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 69 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi; đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ, như: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn chín muộn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê...

Các cơ quan chức năng cũng đã cấp 8 giấy xác nhận cho 15 chuỗi rau, thịt với 18 điểm kinh doanh thực phẩm của nhiều chuỗi nông sản an toàn được sản xuất trên địa bàn thành phố và tại các địa phương lân cận để tập trung truyền thông, quảng bá, tuyên truyền các sản phẩm an toàn theo chuỗi…

Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã tổ chức hội nghị đánh giá kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản 21 tỉnh, thành phố phía Bắc trong chuỗi cung ứng rau, thịt cho Hà Nội; giới thiệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Hà Nội kết nối với các cơ sở sản xuất của các tỉnh, thành phố; giới thiệu hệ thống phân phối nông sản tại Hà Nội, qua đó, đã có nhiều biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các doanh nghiệp được ký kết.

Bích Phương

Top