Cầu Giấy: Quản lý an toàn thực phẩm còn nhiều vướng mắc

21/05/2019 2:19 PM

(Chinhphu.vn) - Là một quận có nhiều nhà hàng, quán ăn nên việc quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn quận Cầu Giấy gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý.

Bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy phát biểu về vấn đề ATTP trên địa bàn quận. Ảnh: Thiện Tâm

Bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, trên địa bàn quận có tổng số 3.685 cơ sở thực phẩm. Trong đó thành phố quản lý 802 cơ sở, quận quản lý 1.419 cơ sở và phường quản lý 1.464 cơ sở.

Trên địa bàn quận không có cơ sở sản xuất thực phẩm lớn, không có khu công nghiệp lớn nhưng do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh nên số lượng các cơ sở dịch vụ ăn uống ngày càng gia tăng. Do vậy việc quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn quận rất phức tạp, còn gặp nhiều khó khăn.

Những năm gần đây, quận Cầu Giấy đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, thành phố trong việc chấp hành pháp luật về ATTP. Đồng thời quyết liệt, sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban ngành phối hợp chặt chẽ cùng UBND 8 phường thực hiện việc quản lý ATTP thông qua việc kịp thời ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo từ chỉ thị, quyết định và các kế hoạch, văn bản đôn đốc. Tuỳ theo tình hình thực tế trên địa bàn quận, từng thời điểm, đặc biệt khi có hoặc nguy cơ có sự cố về ATTP trên địa bàn; tổ chức tốt các đợt cao điểm, các chuyên đề, các mô hình mới. Từ những kết quả đạt được đã tạo ra những chuyển biến mới, rõ nét trong công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn quận, được thành phố, quận uỷ và HĐND quận ghi nhận.

Quận cũng thường xuyên, đột xuất kiểm tra tại cơ sở và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Qua đó đã có tác động lớn về ý thức chấp hành các quy định bảo đảm ATTP của các doanh nghiệp, cơ sở và cá nhân người dân. UBND quận xác định tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm là giải pháp giáo dục có hiệu quả, có sự lan toả cao trong cộng đồng. Chính vì lẽ đó, kết quả xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP của UBND quận Cầu Giấy rất cao. Năm 2018, quận kiểm tra 1.694/4.296 lượt kiểm tra, xử phạt với số tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Theo số liệu từ đầu năm 2019 đến nay, toàn quận đã xử lý xử phạt hơn 200 cơ sở thực phẩm, số tiền phạt hơn 900 triệu đồng, tiêu huỷ hàng hoá trị giá hơn 80 triệu đồng.

Nhiều thay đổi nhưng vẫn khó khăn

Năm 2018, quận Cầu Giấy có tuyến phố Duy Tân được chọn để triển khai tuyến phố ATTP có kiểm soát đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát ATTP trên địa bàn quận. Phố Duy Tân có 35 cơ sở dịch vụ ăn uống, phục vụ khoảng  hơn 5.000 lượt khách/ngày.

Trong quá trình triển khai Kế hoạch, thời gian đầu phường cũng gặp một số khó khăn do một số chủ cơ sở còn chưa ủng hộ việc tham gia xây dựng tuyến phố ATTP có kiểm soát do thói quen kinh doanh từ lâu nay chủ yếu là giao dịch miệng với các cơ sở cung cấp nguyên liệu, không có đầy đủ hóa đơn chứng từ, sổ sách theo dõi theo đúng quy định. Một số cơ sở kinh doanh thường xuyên đổi chủ, chuyển địa điểm; một số hộ kinh doanh chưa bảo đảm điều kiện ATVSTP khu vực sơ chế, chế biến thực phẩm chưa bảo đảm vệ sinh, chưa thực hiện quy trình thực phẩm một chiều.

Xác định việc xây dựng tuyến phố ATTP có kiểm soát là một trong những nhiệm vụ chính trị của phường trong năm 2018, UBND phường đã phối hợp với BCĐ ATTP của quận tập trung chỉ đạo các bộ phận chức năng thực hiện rà soát, lập danh sách, phân loại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên tuyến phố Duy Tân. Chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tổ chức tập huấn kiến thức ATTP cho cán bộ chuyên môn, chủ các cơ sở kinh doanh, người tham gia chế biến thực phẩm… Để bảo đảm tất cả các cơ sở dịch vụ ăn uống tại tuyến phố này tuân thủ các quy định về ATTP, lực lượng chức năng của quận và phường thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát, tư vấn, từ đó kịp thời nhắc nhở, xử lý các hộ vi phạm. Đoàn kiểm tra liên ngành quận, phường đã tiến hành kiểm tra các cơ sở trên tuyến phố Duy Tân 2 lượt/ tuần/ 1 cơ sở. Kết quả đã phê bình trên loa truyền thanh phường 5 cơ sở; nhắc nhở tại chỗ 15 cơ sở; phạt tiền 3 cơ sở 12 triệu đồng.

 Kể từ khi tuyến phố Duy Tân được chọn triển khai thí điểm xây dựng “Tuyến phố ATTP có kiểm soát”, những người bán hàng ở đây đã thay đổi nhận thức trong hoạt động chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Năm 2019, tuyến phố Trần Vỹ của phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy được thành phố chọn để thực hiện tuyến phố ATTP có kiểm soát. Tuyến phố Trần Vỹ dài khoảng 800m, phục vụ khách hàng chủ yếu vào buổi trưa và buổi tối (khoảng 2000 luợt/ngày), có tổng số 37 cơ sở, trong đó có 14 cơ sở dịch vụ ăn uống, 4 nhà hàng, 19 cửa hàng cà phê.

Là một trong những tuyến phố được thành phố chọn để thực hiện Tuyến phố ATTP có kiểm soát, phường Mai Dịch đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát tại phường. Trong đó xây dựng các tiêu chí để triển khai tuyến phố ATTP có kiểm soát, căn cứ dựa trên những tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Y tế; rà soát điều tra tất cả các cơ sở thực phẩm (kể cả thức ăn đường phố) trên toàn bộ tuyến phố. Đồng thời tổ chức truyên truyền các biện pháp đảm bảo ATTP cho chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm trên tuyến phố… Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành phường thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở các cơ sở thực hiện tốt các tiêu chí an toàn thực phẩm. Phát hiện và xử lý sớm các trường hợp không thực hiện tốt. Kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở không đảm bảo ATTP.

 

Theo bà Trịnh Thị Dung, trong Tháng hàng động vì ATTP đã được triển khai bài bản, quyết liệt tạo sự thống nhất, đồng bộ tại cấp quận, phường và các phòng, ngành liên quan. Từ đó tạo sự chuyển biến rõ rệt trong cộng đồng đến từng cơ sở. Các cơ sở thực phẩm trên địa bàn quận qua kiểm tra đa số thực hiện tốt theo các tiêu chí ATTP trong sản xuất. Các cơ sở đã từng bước đầu tư hiện đại từ cơ sở hạ tầng đến trang thiết bị (có tủ kính, giá kệ để thực phẩm, sản phẩm được sắp xếp theo ngành hàng, có nhãn mác đầy đủ theo quy định và có công bố tiêu chuẩn sản phẩm) trong việc tạo dựng một cơ sở thực phẩm, các sản phẩm thực phẩm được kiểm tra chất lượng bằng phương pháp cảm quan đạt yêu cầu

Công tác truyền thông đem lại hiệu quả rõ tạo được sự nhận thức trong cộng đồng, để từ đó các cơ sở tự giác chấp hành các quy định về ATTP.

Các cơ sở có đủ các thủ tục pháp lý, có nguồn gốc thực phẩm và phụ gia thực phẩm rõ ràng (có hợp đồng mua bán và hóa đơn mua hàng), nhân viên và chủ cơ sở được cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP, khám sức khỏe định kỳ, cơ sở được vệ sinh thường xuyên, sắp xếp gọn gàng.

Tuy nhiên, do đặc điểm là một quận đông dân, số lượng di dân lớn, nên việc quản lý vấn đề ATTP trên địa bàn quận còn gặp những hạn chế, khó khăn. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ vệ sinh không thường xuyên còn nhiều bụi bẩn, giấy khám sức khỏe và giấy xác nhận kiến thức (tập huấn) về ATTP đã hết thời hạn; hợp đồng mua bán thực phẩm còn để hết hạn, hoá đơn mua không đầy đủ, gia vị dùng để chế biến thực phẩm không dán nhãn ghi từng hộp. Xét nghiệm nhanh (tinh bột, dấm, hàn the, nước sôi...) tại một số cơ sở thức ăn đường phố tỉ lệ đạt còn thấp…

Là một quận đông dân, tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng trình độ dân trí chưa đồng đều, nhận thức của người dân về ATTP chưa cao, di biến động dân lớn (khoảng 70.000 người). Vì vậy, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường , ATTP và phòng chống dịch bệnh trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Thiện Tâm

Top