Chăn nuôi Hà Nội: phát triển nhờ cơ giới hóa

29/06/2016 9:45 AM

(Chinhphu.vn) - Tỷ trọng ngành chăn nuôi đã đạt hơn 52% cơ cấu trong nông nghiệp của Hà Nội. Một trong những lý do để ngành phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua đó là nhờ việc triển khai ứng dụng các loại máy móc trang thiết bị trong chăn nuôi rất hiệu quả.

Chăn nuôi đươc cơ giới hóa tại HTX Cổ Đông, Sơn Tây. Ảnh: An Khuê

Từ mô hình Hợp tác xã Cổ Đông

HTX Chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông Sơn Tây (Đồng Trạng, Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội) được thành lập năm 2006, hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới. Đây là một trong những HTX phát triển mạnh trên địa bàn Hà Nội và là địa chỉ cung ứng lượng thịt lợn sạch không những cho Thủ đô mà còn cho cả các tỉnh, thành miền Bắc.

Tuy nhiên theo ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX, cho đến nay, các chất thải vật nuôi của HTX vẫn chưa được xử lý triệt để, do việc đầu tư chi phí xử lý môi trường còn cao, quá khả năng đối với các chủ trang trại là thành viên của HTX. Nhiều trang trại gặp khó về nguồn đầu tư sản xuất, nhất là tiếp cận vốn vay ngân hàng. Nhận thức của người chăn nuôi về bảo vệ môi trường, đặc biệt là phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi còn hạn chế, sự quản lý của Nhà nước về môi trường chưa đáp ứng được các bất cập. Do vậy, để thúc đẩy phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm theo quy mô lớn, HTX rất cần nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, bảo đảm an toàn cho môi trường.

Vượt lên những khó khăn trên, với sự năng động và đoàn kết của các thành viên trong HTX, để mở rộng sản xuất kinh doanh, trong thời gian tới, HTX tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi cá sấu, lợn rừng, nhím… Đây là những vật nuôi ít bị dịch bệnh và là đặc sản có hiệu quả kinh tế cao. Để có thể mở rộng được như vậy, theo ông Chiến mấu chốt vấn đề là HTX đã ứng dụng được cơ giới hóa mạnh mẽ vào mô hình của mình.

Hiện, tổng đàn lợn của HTX khoảng 175.000 con/lứa, đàn gà từ 950.000 - 1.000.000 con/lứa, cho lợi nhuận trên 80 tỷ đồng mỗi năm. Thu nhập của các thành viên HTX từ 300 - 400 triệu đồng/năm.

Tiền thân của HTX là CLB Chăn nuôi xã Cổ Đông, ra đời từ năm 2001.Trước đây, khi chăn nuôi, các thành viên phải tự lo mọi thứ từ con giống, đến thức ăn rồi đầu ra, nguy cơ rủi ro trong kinh tế rất cao, ý thức của người chăn nuôi còn hạn chế đối với việc bảo đảm vệ sinh môi trường. Từ khi HTX ra đời, các thành viên được hỗ trợ, và yên tâm sản xuất, cùng nhau hợp tác làm ăn, cải thiện cuộc sống.

Hiện nay, HTX đã thu hút được 350 thành viên, hoạt động trên địa bàn 4 huyện, thị xã là Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ và Thạch Thất, trong đó, thành viên ở Cổ Đông (thị xã Sơn Tây) chiếm hơn 2/3.

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX đã áp dụng công nghệ điện tử trong quản lý. Giờ đây, xã viên HTX khi cần giao dịch với đối tác chỉ cần gửi tài liệu qua email, không phải đi lại mất nhiều thời gian như trước, tiết kiệm được thời gian để tập trung cho mở rộng số lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm. HTX còn tổ chức cho xã viên đi tham quan học hỏi kinh nghiệm các mô hình ở các tỉnh và cả ở nước ngoài. Cơ hội “mở mang” cho các xã viên cũng đến từ việc cơ giới hóa, giải phóng sức lao động cho người nông dân trong HTX.

Nhân rộng toàn thành phố

TP Hà Nội hiện có đàn gia súc, gia cầm đứng ở tốp đầu cả nước với tổng đàn trâu bò trên 170 ngàn con, trong đó đàn trâu 24 ngàn con, đàn bò sữa trên 15 ngàn con, đàn bò thịt trên 130 ngàn con. Đàn lợn trên 1,5 triệu con, đàn gia cầm thủy cầm gần 25 triệu con. Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đến nay tỷ trọng chăn nuôi đã đạt 52,7% cơ cấu trong nông nghiệp.

Những ứng dụng cụ thể đó là cơ giới hóa hệ thống chuồng nuôi, là việc điều khiển được tiểu khí hậu chuồng nuôi, bảo đảm chủ động được nhiệt độ, độ ẩm trong chuồng phù hợp với sự phát triển của vật nuôi. Chuồng nuôi luôn thông thoáng và bảo đảm nhiệt độ thích hợp cho vật nuôi sinh trưởng tốt, nâng cao khả năng sinh sản, khả năng cho sữa.

Như trong chăn nuôi lợn đến nay đã có hàng trăm hộ chăn nuôi lợn ngoài khu dân cư xây dựng hệ thống chuồng nuôi kín (điều tiết nhiệt bằng hệ thống điện trong chuồng nuôi) thay cho chuồng hở. Với chăn nuôi bò sữa có trên 3.300 hộ đã có tới gần 70% số hộ lắp đặt hệ thống làm mát, hệ thông chống nóng để đảm bảo sức khỏe cho bò sữa trong mùa hè.

 

Cơ giới hóa trong hệ thống phối trộn thức ăn, đây cũng là một tiến bộ đáng kể trong chăn nuôi trên địa bàn Thành phố. Đến nay với trên 3.300 hộ chăn nuôi bò sữa đã có trên 80% hộ chăn nuôi bò sữa sử dụng các loại máy cắt cỏ, thái cỏ. Đặc biệt một số mô hình đã sử dụng máy trộn thức ăn hoàn chỉnh (TMR) sử dụng 100% thức ăn tổng hợp cho đàn bò sữa để nâng cao sản lượng, chất lượng sữa. Trong chăn nuôi lợn và gia cầm (trên 800 hộ chăn nuôi lợn, trên 2.000 hộ chăn nuôi  gia cầm) chăn nuôi  quy mô lớn ngoài khu dân cư đã có gần 70% các hộ sử dụng thiết bị máng ăn máng uống tự động, bán tự động. Bên cạnh đó đã có nhiều hộ sử dụng các loại máy trộn để chủ động trộn thức ăn cho đàn vật nuôi rất có hiệu quả.

Về vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng đa số hộ chăn nuôi đã dùng các loại máy phun thuốc sát trùng công suất lớn, máy cọ rửa chuồng trại. Các hệ thống được cơ giới hóa có tính ứng dụng cao, nâng cao năng suất lao động, không lãng phí nguyên liệu, nguồn nhân lực. Đặc biệt các hộ chăn nuôi đã hạn chế được rất lớn vấn đề rủi ro do dịch bệnh, đây cũng là vấn đề mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho người chăn nuôi. Bên cạnh những hoạt động trên, cơ giới hóa còn quản lý theo dõi được quá trình sử dụng thức ăn, sinh sản, sức khỏe vật nuôi. Các loại máy vắt sữa (đã có gần 70% số hộ sử dụng máy vắt sữa), máy kiểm tra chất lượng sữa phát hiện động dục. 

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết: “Việc đưa cơ giới hóa trong chăn nuôi đã mang lại hiệu quả rõ nét làm giảm nhân công lao động, nâng cao năng suất chăn nuôi. Với mỗi trại chăn nuôi nếu như trước đây phải sử dụng hàng chục người lao động để thực hiện việc chăm sóc nuôi dưỡng vệ sinh chuồng trại thì giờ đây chỉ cần sử dụng  1 – 2 lao động. Trước năm 2010 năng suất sữa mới đạt trên 4 tấn/chu kỳ thì nay đã đạt trên 5 tấn/chu kỳ, ở lợn tỷ lệ nái sinh sản đạt trước đây đạt dưới 2 lứa/năm, đến nay đạt 2,2 – 2,3 lứa/năm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng chăn nuôi một cách rõ nét”. 

An Khuê

Top