Chăn nuôi theo chuỗi liên kết để phát triển hiệu quả

16/07/2019 10:15 AM

(Chinhphu.vn) - Là Thủ đô song Hà Nội có điều kiện phát triển chăn nuôi do có lợi thế về đất đai với nhiều vùng đồi gò, vùng ven. Do đó, việc phát triển mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết được xem là giải pháp hiệu quả vừa đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn vừa phát triển chăn nuôi bền vững cho Hà Nội.

Phát triển chăn nuôi bò thịt tại xã Minh Châu, huyện Ba Vì.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện tại đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội luôn đứng ở tốp đầu cả nước với đàn gia cầm khoảng 30 triệu con (đứng đầu cả nước), đàn lợn 1,2 triệu con (đứng sau tỉnh Đồng Nai), đàn trâu bò khoảng 180 ngàn con (bò sữa khoảng 15 nghìn con)… Đặc biệt, với tỷ lệ người dân sinh sống ở vùng nông thôn ở các quận, huyện còn khá cao nên người dân đã coi chăn nuôi là một nghề để phát triển kinh tế.

Vì vậy, để phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững, những năm qua Thành phố đã có nhiều chính sách để khuyến khích phát triển chăn nuôi, nổi bật là chính sách hỗ trợ giống, phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm; chính sách hỗ trợ vaccine, hóa chất cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Đáng chú ý, trong những năm qua với chính sách khuyến khích chăn nuôi theo hướng liên kết chuỗi, từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến tiêu thụ sản phẩm để chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững, nhất là trong 3 năm qua (giai đoạn 2015-2018), Hà Nội đã xây dựng 11 mô hình phát triển chăn nuôi theo chuỗi liễn kết. Đến nay, các chuỗi đã có kết quả rất tốt như: Chuỗi gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây; chuỗi thịt lợn sinh học Quốc Oai; chuỗi thịt lợn sinh học Liên Việt; chuỗi thịt lợn hữu cơ Bảo Châu; chuỗi thực phẩm AZ, chuỗi thực phẩm Greenfood...

Các nội dung chuyên môn và hoạt động chính của liên kết chuỗi là thông qua các cơ quan quản lý nhà nước để được hướng dẫn, hỗ trợ một phần kinh phí ban đầu cho đào tạo nhân lực (kể cả cán bộ quản lý và những cán bộ kỹ thuật, công nhân lao động ...). Nội dung đi sâu vào nâng cao kiến thức về vai trò, lợi ích khi tham gia chuỗi, về an toàn thực phẩm, xử lý chuyên môn, hoạt động kinh doanh dịch vụ, kỹ năng giao tiếp bán hàng. Đồng thời tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương khác đã có liên kết chuỗi, kể cả các tổ chức trong nước và nước ngoài.

Hỗ trợ xây dựng và áp dụng triệt để quy trình chăn nuôi và quy chế quản lý chất lượng sản phẩm tại các chuỗi. Hướng dẫn điều kiện và trình tự xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi tại các chuỗi. Đến nay các mô hình liên kết chuỗi trên đã có trên 40 hộ chăn nuôi lợn, gia cầm áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, trên thực tế những năm qua Thành phố đã hỗ trợ các chuỗi liên kết trong chăn nuôi với các chuỗi trên khoảng 50 máy vắt sữa cho các hộ chăn nuôi bò sữa, xây dựng 20 điểm bán và giới thiệu sản phẩm cho các mô hình chuỗi. Đồng thời áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi bằng mã QR CODE, từ đó giúp các chuỗi minh bạch qúa trình sản xuất, tạo niềm tin cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm. Bên cạnh đó, hỗ trợ các chuỗi trong công tác tuyên truyền với nhiều hình thức để người tiêu dùng biết về các sản phảm an toàn trong chuỗi liên kết.

Việc xây dựng, phát triển chuỗi liên kết được khẳng định trong những năm qua được các cấp, các ngành và người dân ghi nhận. Về hiệu quả kinh tế khi xây dựng chuỗi liên kết gắn kết được các hộ nông dân, hình thành các nhóm, tổ, đội và hợp tác xã chăn nuôi. Tập hợp được những con người có cùng tâm huyết, cùng có mục đích muốn chăn nuôi bền vững. Chủ động được thị trường tiêu thụ sản phẩm, tránh được tình trạng ”được mùa mất giá, được giá mất mùa” thường xảy ra trong phát triển nông nghiệp. Đảm bảo chắc chắn giảm chi phí đầu vào, nhiều đơn vị cung cấp đầu vào cũng sẽ muốn bán hoặc tiêu thụ sản phẩm cho cơ sở chăn nuôi đã tham gia liên kết chuỗi.

Việc tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm được quản lý, sản xuất theo quy trình rõ ràng, minh bạch và được tuyên truyền rộng rãi từ đó người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm giúp ra tăng giá trị sản phẩm (gia tăng giá trị sản phẩm từ 15 – 20 % so với sản phẩm khi chưa được sản xuất theo chuỗi) và mở rộng thị trường, nhiều chuỗi đã thiết lập được hệ thống các đại lý, nhà phân phối, cửa hàng tiện tích trên địa bàn cả nước.

Từ việc triển khai xây dựng 11 mô hình chuỗi giá trị và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố đến nay đã mở rộng được 26 mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các chuỗi đã bước đầu hoàn thiện với đầy đủ các nhóm tác nhân liên kết hợp tác trên cơ sở hợp đồng quy định rõ ràng quyền lợi, trách nhiệm của các bên tham gia liên kết. Tính đến thời điểm này hằng ngày các chuỗi đang cung cấp cho thị trường khoảng 8,45 tấn thịt gia cầm; 29 tấn thịt lợn, 2,15 tấn thịt bò; 165 nghìn quả trứng; 79 tấn sữa bò và các sản phẩm từ sữa bò. Xây dựng được trên 20 cửa hàng, điểm bán và giới thiệu các sản phẩm của các mô hình chuỗi trên địa bàn Thành phố trong đó tập trung chủ yếu tại các quận nội thành.

Bên cạnh đó xây dựng liên kết chuỗi còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước từ chăn nuôi, giết mổ, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Giúp các tác nhân sản xuất nâng cao ý thức sản xuất đảm bảo an toàn, có trách nhiệm đối với người sử dụng...

Tập trung chuỗi liên kết chăn nuôi lợn

Tuy nhiên việc xây dựng liên kết chuỗi hiện nay cũng gặp phải những khó khăn, hạn chế do còn thiếu các Doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi nên chưa đa dạng hóa được sản phẩm, chưa tạo ra được nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm chăn nuôi. Thói quen sử dụng thịt mát, thịt cấp đông của đa số người tiêu dùng vẫn chưa được cải thiện.

Vì vậy, trong thời gian, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Hà Nội sẽ tập trung nhân rộng các mô hình điểm về chuỗi liên kết chăn nuôi đã có hiệu quả trong thời gian qua. Đồng thời tiếp tục tạo điều kiện để các mô hình chuỗi phát triển hơn nữa, trong đó tập trung một số chuỗi về chăn nuôi lợn để đáp ứng sự hẫng hụt về thịt lợn khi bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, làm ảnh hưởng rất lớn tới tổng đàn lợn của Thành phố. Đồng thời đi sâu phát triển các chuỗi chăn nuôi bò thịt và gia cầm để tận dụng lợi thế sẵn có, tận dụng sản phẩm nông nghiệp, vùng bãi rất có điều kiện phát triển cả về số lượng và chất lượng, chú trọng hơn nữa việc phát triển tạo ra các sản phẩm hữu cơ, sinh học.

Ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu Thành phố có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ xây dựng chuỗi, các chính sách phải được tập trung đều ở các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại, tiêu thụ sản phẩm để động viên khuyến khích kịp thời cho các tác nhân tham gia phát triển chuỗi. Thu hút và lấy doanh nghiệp là đầu tàu cho việc phát triển liên kết các chuỗi. Các chuỗi đều phải gắn với cơ sở giết mổ, sơ chế đóng gói đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu để tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm của các chuỗi.

Thiện Tâm

Top