Chăn nuôi thủ đô: Chuyển đổi từ mệnh lệnh cuộc sống

22/03/2019 9:38 AM

(Chinhphu.vn) – Việc phát sinh nhiều ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố thời gian qua khiến người dân đang nghi ngại việc dùng thịt lợn. Ngành chăn nuôi của thủ đô đang đứng trước đòi hỏi phải chuyển đổi mạnh mẽ theo chuỗi để đảm bảo thị trường bền vững, tránh được tác động của dịch bệnh, thiên tai…

Hà Nội đã phát triển 15 vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư - Ảnh: Đỗ Hương

Ngành ưu thế trong nông nghiệp

Dù là Thủ đô nhưng Hà Nội hiện là nơi có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng top đầu cả nước và chăn nuôi chiếm 50% GDP trong tổng cơ cấu nông nghiệp. Hiện nay, ngành chăn nuôi Hà Nội tiếp tục chuyển dịch đúng hướng từ nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung và trang trại khi hình thành các vùng chăn nuôi xa khu dân cư tổ chức sản xuất khép kín nên công tác giám sát và kiểm soát dịch bệnh rất hiệu quả.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, lĩnh vực chăn nuôi của Thủ đô còn thiếu các doanh nghiệp chế biến sâu nên chưa đa dạng hóa được sản phẩm, chưa tạo ra được nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm chăn nuôi. Thiếu các doanh nghiệp là đầu tầu, cầu nối giữa người sản xuất với thị trường sản phẩm, giúp đẩy mạnh khâu tiêu thụ.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sản xuất chăn nuôi trên địa bàn cả nước gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ đặc biệt là chăn nuôi lợn, nhiều người dân chăn nuôi lợn bị thua lỗ. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các cấp, các ngành nên giá thịt lợn đã dần ổn định. Mặt khác Hà Nội đang từng bước chuyển đổi theo mô hình tập trung, đưa các giống chất lượng cao vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao nên đã khuyến khích được các hộ chăn nuôi. Vì vậy, chăn nuôi năm 2017 vẫn đạt được kết quả cao. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2017 tăng 2,74%. Toàn thành phố có tổng đàn trâu 25.351 con, đàn bò 129.539 con, đàn lợn 1.869.008 con và đàn gia cầm các loại có 30.014.000 con.

Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại là 435,046 tấn, trong đó thịt trâu là 1.658 tấn, tăng 10% so với năm 2015. Thịt bò là 10.554 tấn tăng 12% so với năm 2015, thịt lợn là 330.674 tấn tăng 7,68% so với năm 2015, thịt gia cầm 91.357 tấn, trong đó thịt gà 71.893 tấn tăng 13,7% so với năm 2015, sản lượng trứng các loại đạt 1.285 triệu quả, tăng 11% so với năm 2015.

Đối với công tác giết mổ gia cầm, hiện trên địa bàn thành phố có 1.070 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó, số cơ sở được kiểm soát là 128 cơ sở, số lượng thịt tiêu thụ được kiểm soát đáp ứng được khoảng 60% lượng thịt tiêu thụ. Số cơ sở giết mổ tập trung được triển khai thực hiện theo quy hoạch 10/45 điếm, trong đó có 8 điểm đã xây dựng và đi vào hoạt động có hiệu quả tốt với tổng sản lượng giết mổ thực tế khoảng 220 tấn/ngày, đạt trên 50% công suất thiết kế và hai điểm đang triển khai thực hiện.

Hiện nay, Hà Nội đã hình thành rất nhiều chuỗi khép kín các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị phát triển mạnh, nhiều nhãn hiệu sản phảm chăn nuôi được bảo hộ và khai thác hiệu quả như: Nhãn hiệu tập thể Gà đồi Ba Vì, Gà Mía Sơn Tây, Gà đồi Sóc Sơn, Vịt Vân Đình và Trứng vịt Liên Châu, trong đó có 7 chuỗi đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng QR code.

Theo ông Nguyễn Huy Đăng, trong thời gian tới ngành chăn nuôi Hà Nội cần phát triển theo hướng nâng cao chất lượng con giống và phát triển theo quy hoạch. Thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, chế biến áp dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng ngày càng phát triển. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ tiên tiến vào sản xuất chăn nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và thị hiếu của người tiêu dùng.

Chuyển dần sang trang trại lớn

Điểm nhấn thành quả của ngành chăn nuôi Hà Nội là thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi với 4 nội dung gồm: Chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại; hình thành các vùng chăn nuôi xa khu dân cư tổ chức sản xuất khép kín; phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống; phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm.

Những năm gần đây, Hà Nội tập trung đẩy mạnh việc mở rộng và nâng cao chất lượng sản xuất, cung cấp con giống theo phương pháp nhập đàn giống chất lượng cao từ nước ngoài để cải tạo đàn giống vật nuôi trong nước theo hướng thuần hóa để thích nghi với môi trường trong nước, sản lượng cao hơn và khả năng kháng dịch bệnh tốt hơn. Đặc biệt, Hà Nội đã xây dựng Trung tâm sản xuất tinh bò ứng dụng công nghệ cao có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đưa các chương trình, Nghị quyết, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp công nghệ cao của thành phố vào cuộc sống.

Hiện Thành phố đã phát triển 15 vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư. Trong đó có 2 vùng chăn nuôi bò sữa với tổng đàn là 10.828 con chiếm 70% tổng đàn toàn thành phố, 4 vùng  chăn nuôi lợn với tổng đàn 195 nghìn con, chiếm 10% tổng đàn toàn thành phố và 9 vùng chăn nuôi gia cầm, thủy cầm với tổng đàn 5,8 triệu con chiếm 19% tổng đàn toàn thành phố. Hà Nội cũng phát triển 76 xã chăn nuôi trọng điểm gồm 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn và 29 xã chăn nuôi gia cầm, thủy cầm.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tập trung phát triển những giống mới có năng suất, chất lượng cao. Các giống mới đưa vào chăn nuôi đã khẳng định tính thích nghi và cho hiệu quả kinh tế như: Bò thịt BBB, bò Wagyu, gà D300, lợn nhập ngoại cao sản… Ngành Nông nghiệp Hà Nội đã làm chủ công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong việc lai tạo và sản xuất giống vật nuôi chất lượng cao. Hiện nay, tỷ lệ lợn nái ngoại thuần và nái ngoại chiếm 86%; đàn lợn nái ngoại cao sản nhập từ Pháp, Đan Mạch cho năng suất sinh sản vượt trội, số lợn con cai sữa của đàn lợn nái ngoại đạt trên 25 con/nái/năm; tỷ lệ đàn bò thịt được lai tạo giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với nguồn chất lượng cao như bò lai Sind, Brahman, BBB… đạt hơn 90%.

Theo ông Hà Tiến Nghi, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) tính đến thời điểm này, Hà Nội đã xây dựng, phát triển được 46 mô hình chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ. Ngoài phát triển chuỗi, Hà Nội còn hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu tại các chuỗi. Đặc biệt, đã có 8 nhãn hiệu chăn nuôi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng bảo hộ, trong đó có 5 nhãn hiệu được cấp bằng bảo hộ “Nhãn hiệu tập thể” gồm: Gà đồi Ba Vì, gà Mía Sơn Tây, gà đồi Sóc Sơn, vịt Vân Đình (huyện Ứng Hòa) và trứng vịt Liên Châu (huyện Thanh Oai).

Bên cạnh tăng cường hỗ trợ xây dựng chuỗi, năm 2018, trung tâm đẩy mạnh ứng dụng mã QRcode để thực hiện minh bạch thông tin điện tử cho các sản phẩm từ khâu chăn nuôi tới giết mổ sơ chế, chế biến, bảo quản tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, đã có 7 mô hình chuỗi áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi bằng mã QRcode, từ đó, giúp minh bạch thông tin các chuỗi, giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm lưu thông trên thị trường; các chuỗi chủ động kết nối, tổ chức cho người tiêu dùng tham quan chuỗi và dùng thử sản phẩm, giúp doanh thu các chuỗi tăng 5%-10%.

Đỗ Hương

Top