Chăn nuôi trâu bò tiếp tục phát triển ổn định

24/06/2019 4:00 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù tình hình dịch bệnh trong 6 tháng đầu năm diễn ra phức tạp trên địa bàn thành phố nhưng ngành chăn nuôi vẫn phát triển ổn định, nhất là chăn nuôi trâu bò. Đồng thời Hà Nội cũng đã hình thành được các vùng chăn nuôi trọng điểm và phát triển được các chuỗi sản xuất đảm bảo chất lượng.

Chăn nuôi bò xã Minh Châu, huyện Ba Vì mang lại thu nhập khá cho nông dân. Ảnh: Thiện Tâm

Nhiều kết quả khả quan

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian qua tình hình chăn nuôi trâu bò trên địa bàn thành phố tiếp tục phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra, đàn bò có xu hướng tăng do giá bán ổn định, nhu cầu thị trường lớn và hiệu quả kinh tế cao. Ước tính đàn trâu có 24 nghìn con, giảm 2,04%, sản lượng 770 tấn, giảm 1,53% so với cùng kỳ; đàn bò 134,4 nghìn con tăng 3,7% so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt 5.350 tấn, tăng 0,43%.

Chăn nuôi lợn hiện có 1.870 nghìn con, từ tháng 2/2019 bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra đã làm ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi lợn trên địa bàn thành phố; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, giá bán sản phẩm ổn định, ước tính đàn gia cầm hiện có khoảng 31 triệu con, tăng 11,7% so với cùng kỳ.

Có thể thấy, Hà Nội là địa bàn có dân số đông, ước tính nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm của thành phố năm 2018 khoảng 320 nghìn tấn/năm, trong khi đó sản xuất chăn nuôi của thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng 60%, còn lại phải nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.

Riêng đối với sản phẩm thịt bò, sản lượng sản xuất ra của thành phố khoảng 10 nghìn tấn/năm, mới chỉ đáp ứng được gần 20% nhu cầu thịt bò và ước tính nhu cầu thịt bò sẽ tăng trong thời gian tới. Cộng với điều kiện tự nhiên đa dạng cùng 150 nghìn ha đất đồi gò, 125 nghìn ha đất bãi phù sa, đất ven sông và 35 nghìn ha đất đồng bằng… là những điều kiện hết sức thuận lợi cho phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi bò nói riêng.

Bên cạnh đó, với các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi của Trung ương và Thành phố, ngành chăn nuôi của Thủ đô đã có nhiều bước đột phá, đến nay tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm gần 53% giá trị GDP trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay Thành phố đã phát triển được 76 xã chăn nuôi trọng điểm gồm 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn, 29 xã chăn nuôi gia cầm và trên 3,8 nghìn trại/trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, trong đó có 81 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại.

Những năm gần đây, Hà Nội cũng tập trung sản xuất giống bằng việc đưa những giống mới chất lượng cao vào sản xuất bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn bò cái sinh sản đạt gần 80% với màng lưới dẫn tinh viên được đào tạo trên 80 người. Hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 10 nghìn bê sữa và 80 nghìn bê thịt các loại, 100 nghìn liều tinh cọng rạ. Thành phố đã triển khai dự án “Ứng dụng kết quả nghiên cứu, lai tạo giống bò thịt BBB trên nền bò cái lai Sind tạo thành đàn bò F1 hướng thịt trên địa bàn thành phố Hà Nội”, đến nay dự án đã lai tạo và sản xuất được trên 130 nghìn bê lai F1 BBB, mang lại giá trị thu nhập tăng thêm đối với chăn nuôi bò thịt gần 1 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, đàn gà bố mẹ được nuôi tại các cơ sở sản xuất giống khoảng 414 nghìn con, chủ yếu là các giống gà Lương Phượng, gà mía lai ri, gà hoa và một số giống gà màu… Hàng năm thành phố Hà Nội sản xuất ra trên 100 triệu gia cầm giống.

Ngoài ra, Thành phố hiện có 52 chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, hàng ngày cung cấp cho thị trường khoảng 60 tấn thịt các loại, 300 nghìn quả trứng và 78 tấn sữa. Điển hình có một số chuỗi theo mô hình khép kín do một chủ thể là một công ty, Hợp tác xã trực tiếp sản xuất, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm như chuỗi thịt lợn AZ của Hợp tác xã Hoàng Long, Trứng gà 729 Ba Vì… Các chuỗi liên kết giữa các trại chăn nuôi với các tác nhân là doanh nghiệp giết mổ, tiêu thụ sản phẩm như chuỗi thực phẩm Nam Hà Nội, thực phẩm Tiên Viên… Các chuỗi đã thu hút được gần 3 nghìn hộ và gần 100 cơ sở bán hàng, doanh nghiệp tham gia.

Đồng thời, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong chăn nuôi cũng ngày càng được đẩy mạnh như sử dụng các chế phẩm sinh học, cây thảo dược để phục vụ chăn nuôi theo hướng sinh học, hữu cơ như: Chăn nuôi lợn hữu cơ, không xả thải ra môi trường của trang trại Bảo Châu (Sóc Sơn), chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học tại Phúc Thọ, Thường Tín, Quốc Oai… Ứng dụng kỹ thuật chế biến, bảo quản các loại phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp làm thức ăn cho bò, đảm bảo đủ nguồn thức ăn vào mùa đông, mùa khô; các trang thiết bị hiện đại như hệ thống chuồng kín, máng ăn, máng uống tự động, hệ thống xử lý môi trường.

Một số doanh nghiệp đã đầu tư dây truyền giết mổ công nghiệp, hiện đại như Công ty cổ phần thực phẩm Lan Vinh, Công ty cổ phần thực phẩm Vinh Anh. Một số cơ sở giết mổ tập trung lớn trên địa bàn Thành phố như Cơ sở Vạn Phúc (Thanh Trì) giết mổ bình quân 1.800-2.000 con/ngày, cơ sở giết mổ Minh Hiền (Thanh Oai) giết mổ 600-800 con/ngày.

Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Tuy nhiên tình hình chăn nuôi trên địa bàn thành phố cũng có nhiều diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi lợn làm giảm 5,86% tổng đàn so với cùng kỳ năm trước. Thời tiết đầu vụ xuân rét đậm, rét hại đã ảnh hưởng đến năng suất lúa xuân, dự kiến năng suất lúa xuân đạt 61,5 tạ/ha giảm 1,2 tạ/ha so với vụ  các doanh nghiệp đầu tư, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Vì vậy, theo ông Chu Phú Mỹ, trong thời gian tới, Hà Nội cần tập trung đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao thu nhập trên 1ha canh tác và nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời tăng cường công tác dự tính, dự báo, kiểm tra phát hiện sớm dịch bệnh; chủ động phòng, chống và dập tắt các ổ dịch hại kịp thời, ngăn không để dịch lan rộng và bảo vệ tốt cho sản xuất.

Tập trung phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đặc biệt là phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Đẩy mạnh sử dụng tinh bò thịt, bò sữa chất lượng như tinh bò thịt giống Wagyu, BBB, tinh bò sữa HP. Nâng cao năng suất sinh sản của đàn lợn nái bằng các giống lợn nhập ngoại từ Pháp, Canada.

Tiếp tục ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến, lưu thông các sản phẩm chăn nuôi. Đẩy mạnh xây dựng chuỗi khép kín và chuỗi liên kết trong chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi truy xuất nguồn gốc, có chỉ dẫn địa lý và có thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt, cần lấy doanh nghiệp làm đầu tầu trong xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ đầu ra các sản phẩm chăn nuôi cho các hộ chăn nuôi, hợp tác xã chăn nuôi.

Thiện Tâm

Top