Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng nhẹ

26/04/2019 9:00 AM

(Chinhphu.vn) – Theo báo cáo của Cục Thống kê thành phố Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 4 trên địa bàn thành phố tăng 0,24% so với tháng trước. Tính bình quân 4 tháng năm 2019, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,06% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong tháng 4, có 7/11 nhóm hàng có chỉ số tăng so tháng trước, trong đó cao nhất là nhóm giao thông tăng 4%, chủ yếu do trong tháng giá xăng dầu tăng 2 lần. Nhóm có chỉ số tăng cao thứ 2 là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,63%, do giá gas tăng, giá dầu hỏa tăng, giá điện tăng kéo theo một số vật liệu xây dựng như sắt thép tăng. Các nhóm còn lại có chỉ số tăng nhưng không đáng kể. Có 3/11 nhóm hàng có chỉ số giảm so tháng trước là: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,82% do giá một số loại lương thực, thực phẩm giảm như gạo, thịt gia súc tươi sống, một số loại rau củ...; đồ uống và thuốc lá giảm 0,23%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,2%.

Cụ thể, trong tháng 4, nhóm lương thực giảm với mức giảm là 0,23% so với tháng trước. Giá gạo và giá khoai lang đều giảm, giá gạo tẻ ngon giảm 0,54%; gạo nếp giảm 1,18%, giá gạo tẻ thường ổn định. Giá khoai lang giảm 8,85%. Giá gạo giảm do nguồn cung tương đối dồi dào, giá khoai giảm nhiều do sản lượng trồng và thu hoạch lớn nên nguồn cung dồi dào. 

Trong tháng nhóm thực phẩm tiếp tục giảm 1,2% so với tháng trước, do hầu hết các mặt hàng trong nhóm có quyền số cao giảm như giá thịt gia súc tươi sống giảm 2,32%, chủ yếu do giá thịt lợn giảm 3,21%, thịt bò tăng nhẹ 0,04%. Mặc dù công tác truyền thông, tuyên truyền khiến người tiêu dùng có nhận thức đúng hơn về dịch bệnh và thịt lợn vẫn là nguồn protein truyền thống  nhưng do dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp nên người tiêu dùng còn e ngại, hạn chế sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn, chuyển sang các loại thực phẩm khác như gà, thủy hải sản khiến cho giá các loại thực phẩm này tăng (nhóm thịt gia cầm tươi sống tăng 0,12%, thủy hải sản tươi sống tăng 0,34% so với tháng trước). Tình hình thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào nên nhiều loại rau củ giảm như cà chua, rau muống, đỗ quả tươi giảm mạnh. Một số loại rau trái vụ như bắp cải, su hào... tăng giá.

Nhóm hàng tiêu dùng, một số mặt hàng trong nhóm may mặc tăng nhẹ do nhu cầu mua sắm đồ dùng cho mùa hè tăng khiến cho nhóm may mặc tăng  0,05% so với tháng trước. Nhóm đồ dùng gia đình cũng tăng 0,23% so với tháng trước do trong nhóm một số mặt hàng như quạt điện, đèn điện và dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng máy điều hòa tăng...

Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng có chỉ số tăng 0,63% so tháng trước do giá gas, giá dầu hỏa tăng. Giá gas trong nước từ 1/4/2019 tăng 583đ/kg tương đương với mức tăng 7.000đ/bình 12kg. Với lần tăng giá đợt này giá gas đã tăng 4 lần chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019 với mức tăng  40.000đ/12kg so với năm 2018. Giá dầu hỏa cũng được điều chỉnh tăng 2 lần trong tháng khiến chỉ số nhóm dầu hỏa tăng 8,01%.

Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng tại thời điểm 2/4/2019 và 17/4/2019 khiến cho nhóm xăng dầu tăng 9,88% so với tháng trước. Đây là yếu tố tác động làm chỉ số giá nhóm giao thông tăng 4% so với tháng trước.

Báo cáo của Cục thống kê thành phố cho biết, chỉ số giá vàng giảm 0,68% so với tháng trước. Giá vàng 99.99 bán ra trên thị trường tư nhân phổ biến ở mức 3.672 nghìn đồng/chỉ. Giá USD của các ngân hàng tháng này cũng giảm nhẹ 0,01%. Giá USD bán ra của ngân hàng ngoại thương có giá bình quân là 23.251 đ/USD.

Minh Anh

Top