Chiến tích bắn rơi chiếc B52 đầu tiên trên bầu trời Hà Nội

20/12/2017 3:20 PM

(Chinhphu.vn) - Cách đây 45 năm, đêm 27/12/1972 chiếc B52 đầu tiên của Đế quốc Mỹ đã bị không quân ta bắn rơi trên bầu trời Hà Nội. Đây là dấu mốc lịch sử trong Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, là chiến tích không thể nào quên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân. Ảnh: Thành Nam

Để hiểu rõ hơn về chiến thắng vang dội 12 ngày đêm "Hà nội-Điện Biên Phủ trên không", phóng viên Trang tin Thủ đô Hà Nội – Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trò chuyện với Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân-người đã anh dũng lái chiếc máy bay MIG 21 bắn rơi "pháo đài bay" B52.

Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không là một chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta, trong đó không thể không nói đến chiến công hiển hách của không quân Việt Nam khi bắn rơi B52 của Mỹ. Vậy Trung tướng có thể chia sẻ lại kỷ niệm khi bắn rơi chiếc B52 đầu tiên?

Trung tướng Phạm Tuân: Trước khi đem B52 ra đánh phá miền Bắc, Mỹ đã nghiên cứu rất kỹ lực lượng, phương tiện của chúng ta. Mỹ nắm rất rõ chúng ta có những loại tên lửa, pháo, máy bay nào… và thuộc từng sân bay của ta. Do đó, Mỹ rất tự tin mang B52 ra ném bom, đánh phá Hà Nội và các tỉnh khác vào cuối năm 1972.

Máy bay B52 của Mỹ thời đó được coi là “Siêu pháo đài bay”, là một trong 3 loại vũ khí chiến lược của Mỹ lúc bấy giờ, gồm B52, tàu ngầm nguyên tử và tên lửa hạt nhân. Đó là vũ khí chiến lược, hay còn gọi là “quả đấm thép” của Mỹ để triển khai cuộc chiến tranh hiện đại.

Máy bay B52 có thể mang được 30 tấn bom/chiếc. Mỗi khi xuất kích chiến đấu, B52 thường được nhiều máy bay khác bay cùng để yểm trợ như F4, F100, F111,... Mặt khác, hệ thống làm nhiễu sóng ra đa của các máy bay này rất tốt nên chúng ta rất khó phát hiện ra B52 để triển khai tấn công. Nhưng chúng ta đã có sự phối hợp: Không quân đánh vòng ngoài, tên lửa đánh vòng trong tại vị trí cách Hà Nội khoảng 40km-50km.

Khoảng 21h ngày 27/12/1972, tôi được lệnh xuất kích từ sân bay Yên Bái. Khi cất cánh lên gặp rất nhiều máy bay F4, nhưng lệnh là "Cơ động. Vượt qua". Vừa tránh xong tốp đầu, lại gặp tiếp F4, song lệnh ở dưới vẫn là tránh nó mà đi. Sau đó sở chỉ huy thông báo B52 cách 200 km, 150 km rồi 100 km.

MIG 21 cứ một phút bay được 40km-50 km nên chỉ vài phút tôi tiếp cận mục tiêu. Lúc bám theo mục tiêu, tôi rất căng thẳng vì sợ B52 tắt đèn chạy mất. B52 có vận tốc 900 km/h, chậm một phút thì nó đã bay được 15 km, mình sẽ không đuổi được. Trước đó, một số phi công khi đuổi theo B52, mồ hơi rơi xuống, lấy tay quệt, đến lúc mở mắt ra thì mục tiêu cũng mất luôn.

Số hiệu của phi công tôi lúc đó là 361, 3 sở chỉ huy chính ở Hà Nội, Thọ Xuân, Mộc Châu và một đài phụ trợ ở Yên Phong thay nhau nhắc nhở “361, mục tiêu ở đằng trước mấy cây”. Lần đầu tiên phi công tiếp cận B52 trong điều kiện như vậy nên sở chỉ huy nhắc nhở liên tục: Bật tên lửa ở vị trí 2 quả, mở nút phóng tên lửa quan sát... Tôi phải trấn an: “Các anh cứ yên trí, tôi nhất quyết bắn rơi máy bay B52”.

Khi cách máy bay B52 còn 4 km, tôi nhận lệnh bắn. Nhưng lúc đó, tôi thấy nó còn ở xa, đèn chưa rõ lắm nên bảo chờ tý. Khẩu lệnh thứ hai, hạ lệnh 'Bắn, thoát ly ngay bên trái'. Tôi lại bảo chờ tý. Đến khẩu lệnh thứ ba “Bắn. Thoát ly ngay”, tôi mới kéo máy bay lên, chỉnh điểm ngắm, thấy tín hiệu tên lửa tốt, tôi phóng 2 quả.

Quả tên lửa thứ nhất bay vút đi, quả thứ hai theo sau tạo thành một đường sáng rực. Tôi kéo máy bay lên và lật ngửa thì nhìn thấy chiếc B52 nổ. Chiếc B52 bị trúng đạn sáng lòa cả một góc trời.

Sáng hôm sau (28/12) Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen ngợi vì đã bắn rơi máy bay B52. Trận đánh đêm 27/12/1972, lần đầu tiên Không quân nhân dân dân Việt Nam bắn rơi B52 trong chiến dịch 12 ngày đêm.

Theo Trung tướng, trận “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” có ý nghĩa thế nào đối với quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước?

Trung tướng Phạm Tuân: Trở lại một chút về bối cảnh lịch sử của trận Điện Biên Phủ trên không này, Mỹ rất khó khăn trên chiến trường miền Nam tiến tới phải ký Hiệp định Paris về Việt Nam theo yêu cầu của chúng ta, nhưng Mỹ lật lọng muốn dùng B52 đánh vào Hà Nội như là một trận cuối cùng muốn đè bẹp ý chí giải phóng dân tộc của nhân dân ta, cắt đứt chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Đấy chính là mục tiêu trong chiến dịch B52 của Mỹ.

Nếu chúng ta không thắng được trong trận này, chắc chắn cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của chúng ta sẽ còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy chúng ta quyết đánh thắng B52, khiến Mỹ bắt buộc phải ký hiệp định theo những yêu cầu của ta. Mỹ phải rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, công nhận sự thống nhất của nước ta. Khi Mỹ rút, chúng ta tiếp tục chuẩn bị lực lượng cho cuộc tổng tiến công nổi dậy và chiến thắng hoàn toàn ở chiến dịch Hồ Chí Minh.

Tôi nghĩ mặc dù 2 chiến dịch này cách nhau mấy năm nhưng nó hoàn toàn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” chính là tiền đề cho chiến thắng toàn diện.

Có thể nói, chiến thắng này có ý nghĩa vô cùng to lớn về mặt chính trị, chiến thắng khẳng định đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn của Đảng và Bác Hồ, của chân lý “Không có gì quý hơn, độc lập, tự do” và của chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt của nhân dân ta. Đó là chiến thắng của sự chính nghĩa, của sức mạnh chính trị, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc cùng với sức mạnh của thời đại; là niềm tin, ý chí quyết đánh, dám đánh và quyết tâm đánh thắng bằng tất cả sự mưu trí, dũng cảm và tinh thần chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn đánh bại sức mạnh quân sự của chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là Mỹ, mở đường cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới ở Việt Nam;...

Trung tướng có thể nhắc lại tinh thần cũng như sự quyết tâm của Đảng và nhân dân ta thời điểm đó?

Trung tướng Phạm Tuân: Đến thời điểm B52 đánh ra Hà Nội thì đấy là thời điểm quyết định một mất một còn với địch, không còn cách nào khác nữa và có lẽ so sánh lực lượng giữa địch và ta thì ta không hơn gì địch, có khi địch còn hơn ta. Tuy nhiên, nhờ có ý chí quyết tâm của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng như việc chúng ta đã biết trước được âm mưu của địch để chuẩn bị lực lượng bước vào cuộc chiến đầy gian khó. Với ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam, chúng ta đã giành chiến thắng.

Nguồn gốc của chiến thắng là rất nhiều nhưng cái đầu tiên theo tôi, đó là sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta, của Bác Hồ đã đánh giá và dự đoán được trước tình hình. Từ đó chúng ta chuẩn bị lực lượng (lực lượng con người là chính), sau đó là chuẩn bị vũ khí cho trận đánh.

Một điều nữa, một tinh thần làm nên chiến thắng của nhân dân ta đó là sự đoàn kết. Trong chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, tất cả quân binh chủng đều tham gia trở thành một sức mạnh tổng hợp. Cho đến bây giờ sau 45 năm, rất nhiều học giả, ngay cả phía đối phương của chúng ta vẫn không thể tưởng tượng được và chưa phân tích được vì sao chúng ta lại thắng, trong khi Mỹ mạnh như vậy lại thua. Có lẽ chỉ người Việt Nam chúng ta mới hiểu được điều đó.

Xin cảm ơn Trung tướng!

Thành Nam (thực hiện)

Top