Chợ Tết ở ngoại thành

11/02/2018 5:02 PM

(Chinhphu.vn)-Giữa những tấp nập, bộn bề của cuộc sống đô thị, những ngày sát Tết này, nhiều người đã trở về mảnh đất gia đình, quê hương của mình. Ở đó có những phiên chợ quê đầm ấm, giản dị mà rộn rã, gắn với ký ức của nhiều người con xa quê, ra thành thị kiếm sống.

Phiên chợ Tết đông đúc ngay dưới con đê làng

Nằm ngay bên dòng sông Đáy, phiên chợ Tía-chợ Tết làng Tử Dương, xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) vẫn giữ được những nét đẹp xưa. Chợ thường họp đều đặn mỗi tháng sáu phiên, phiên nào cũng đông đúc, nhộn nhịp nhưng chỉ những ngày giáp Tết, chợ mới mang một nét đẹp đặc biệt đến lạ kỳ. Đó là những người dân ở quanh các làng đều tụ họp ở đây sắm đồ Tết cho gia đình, để chuẩn bị cho một cái Tết thật đầy đủ, ấm áp.

Từ làng Bột Xuyên, Cao Lãm nằm ngay sát bên, đến những làng xa hơn như làng Viên An, làng Phúc Lâm, tất cả đều hồ hởi đến đây mua sắm Tết, tạo nên một cảnh tượng đông vui, tấp nập chưa từng thấy. Người dân không chỉ đi chợ Tết để sắm đồ Tết mà còn để cảm nhận rõ hơn cái không khí Tết đang về, để hưởng thụ cái ồn ào, náo nhiệt những ngày cuối năm.

Nằm ngay dưới con đê chắn lũ của làng, chợ Tía dường như vẫn còn giữ được những nét đẹp của chợ Tết xưa với những hàng quán chen chúc, nằm sát bên nhau. Những ngày giáp Tết, chợ không chỉ họp ngay dưới con đê mà tràn lên trải dài cả con đê vào tận cổng Cái bên trong làng, hai bên con đê nhỏ dường như không đủ sức chứa những hàng quán ngày Tết, với bao nhiêu sắc màu của ống giang, lá dong, hoa quả, bánh kẹo, cây cảnh, rồi cả những trò chơi ngày Tết…

Những ống giang được sắp xếp gọn gàng ở một góc chợ, người dân đang lựa chọn những ống giang tốt nhất để mang về gói bánh chưng

Ngày Tết, chợ luôn có đủ các loại hàng hóa quen thuộc với người dân địa phương, tất cả đều được bày bán thành từng khu riêng biệt, mỗi một mặt hàng lại tập trung bán ở một nơi khác nhau trong chợ, trải dài cả một góc nhỏ, đặc biệt không thể thiếu được lá dong, ống giang để gói bánh chưng ngày Tết.

Không khí chợ quê những ngày giáp Tết luôn mang lại cho người dân quê cảm giác ấm cúng, gần gũi, khác hẳn với những phiên chợ thành phố nội đô. Chợ quê với đầy đủ các loại hàng hóa, từ những nguyên liệu để nấu bánh thờ cúng tổ tiên đến hoa quả để bày lên mâm ngũ quả và có cả những thực phẩm thiết yếu khác.

Ở chợ quê ngày giáp Tết ,mặt hàng nào cũng có, tất cả đều do người dân tự trồng, tự làm ra, từ những bó rau xanh mướt được trồng ngoài ruộng đến những con cá được nuôi dưới ao, rồi những buồng cau trong sân vườn, tất cả đều được người dân bày bán tại chợ, mọi người ai cũng an tâm hơn khi mua sắm Tết.

Những món quà vặt như bỏng thổi, mật mía, đường phên... chỉ ở chợ quê mới có

Chìm đắm trong khung cảnh chợ quê, có những thứ có lẽ chỉ còn là hoài niệm, ta không thể tìm thấy chúng ở những phiên chợ có phần tấp nập ngoài thành phố kia. Có những mặt hàng dường như chỉ về chợ quê, ta mới tìm thấy cho mình một chút ký ức tuổi thơ, một chút của chợ xưa, của Tết xưa, của tình người. Vài tấm bỏng mật, vài nắm bỏng gạo, mấy gói kẹo dồi chó đám trẻ con chia nhau trong những ngày họp chợ, hay cái bánh rán, cái bánh giầy… mà không một nơi nào có ngoài chợ quê.

Và còn có cả những chiếc mẹt, cái thúng, đôi quang gánh, cái dế, cái chổi… cũng đầy đủ hơn trong phiên chợ Tết, cũng được mang ra bầy bán ở một góc chợ. Người dân cũng tranh thủ mua về để chuẩn bị cho những ngày vụ mùa sau Tết, hay chỉ đơn giản là phục vụ gia đình. Tất cả đều được chính những người dân nơi đây tự tay khéo léo vót nan đan một cách tỉ mỉ.

Chổi tre, rổ rá, lồng gà... những nét rất riêng ở chợ quê

Đến cả những mẹt đầy quế, hạt tiêu được các bà, các mẹ mang khắp các góc chợ bán cũng rất đông khách mua, người dân thường mua hạt tiêu để gói bánh chưng, làm nem, các món ăn ngày Tết… và cả một chút quế làm chè kho thơm hơn.

Đi chợ Tết ở làng quê, ta mới cảm nhận được cái không khí của ngày Tết như đang trong từng hơi thở, từng con ngõ nhỏ. Không khí rộn ràng, náo nhiệt mang theo bao nhiêu hơi ấm của mùa xuân dù tiết trời đang vào cuối đông. Không chỉ có người lớn mà trẻ nhỏ cũng háo hức chạy lon ton theo sau còn ngoái đầu lại. Hàng quán thì tấp nập tiếng rao bán, hồ hởi chào nhau lời chào cuối năm.

Cuộc sống ngày càng hiện đại, con người dường như đã quên đi những nét đẹp văn hóa truyền thống xa xưa của dân tộc ta, nhưng có lẽ, trở về với những miền quê, nhất là được đắm chìm vào trong những phiên chợ cuối năm, người ta vẫn không khỏi chạnh lòng, tìm về một nơi mang lại bao nhiêu ký ức về một Hà Nội xưa - nơi vẫn còn ghi lại dấu ấn một thời của Tết xưa cũ.

Đi chợ quê những ngày giáp Tết luôn có một cảm xúc thật khó tả, đó là cái phấn khởi khi chuẩn bị bước sang một năm mới-bắt đầu một khởi đầu mới nhưng cũng có cái nuối tiếc khi có những điều chưa thực hiện được ở năm cũ. Chợ quê ngày giáp Tết là như vậy, có ồn ào, náo nhiệt nhưng cũng yên tĩnh, trầm lắng bởi tuy chợ nay vẫn giữ được những nét đẹp xưa nhưng đã không còn nguyên vẹn như chợ Tết xưa nữa, chẳng thấy được cho mình hình ảnh những ông đồ già ngồi viết câu đồi đỏ treo ngày Tết.

Bài, ảnh: Thanh Tâm

Top