Chọn rau an toàn theo tiêu chí nào?

18/01/2019 4:34 PM

(Chinhphu.vn)-Rau an toàn (RAT) được người tiêu dùng tìm mua ngày một nhiều hơn theo xu hướng bảo đảm an toàn thực phẩm. Xu hướng này cũng kích thích sản xuất ngày càng mở rộng. Chính vì vậy, giá RAT không còn quá cao như nhiều năm về trước. Tuy nhiên vẫn không hề dễ dàng để chọn được sản phẩm thực sự bảo đảm chất lượng.

Rau an toàn cần có những tiêu chí cụ thể hơn để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn - Ảnh: Đỗ Hương

Từ câu chuyện “rau mầm”

Cách đây khoảng 5 năm, khi làn sóng tự trồng rau ở nhà “lên ngôi” do những cảnh báo về chất lượng rau ở các chợ dân sinh không bảo đảm, thì một trong những loại rau được các bà nội trợ rỉ tai nhau bảo đảm chất lượng nhất và nhiều giá trị dinh dưỡng đó là các loại rau mầm.

Trong số các loại rau mầm thì các loại rau mầm cải chiếm 90%, còn lại có một số loại rau mầm như rau muống, các loại đậu đỗ chiếm tỷ lệ rất ít, thường được sản xuất dưới dạng tự cung tự cấp trong gia đình khi có nhu cầu. Các giống rau nhập nội hầu như không có mặt trên thị trường của Hà Nội. Như vậy, trên thị trường hiện nay các sản phẩm rau mầm còn đơn điệu, chưa đa dạng, chủng loại rau mầm chủ yếu là các loại mầm cải.

Hiện trên địa bàn TP Hà Nội đã hình thành một số cơ sở, doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng sản phẩm rau mầm như: Công ty Tư vấn và đầu tư Rau hoa quả Gia Lâm (thuộc Viện Nghiên cứu Rau quả), Công ty TNHH Song Ngưu, Công ty Công nghệ cao Minh Dương... Sản phẩm của các doanh nghiệp này đều có bao bì, thương hiệu và mã vạch để truy nguyên nguồn gốc xuất xứ. Đối với hộ gia đình, giải pháp hiệu quả là thay đổi về hình thức sản xuất theo hộ hoặc nhóm hộ có doanh nghiệp đứng ra đặt hàng, hướng dẫn kỹ thuật, ký hợp đồng thu mua.

Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, rau mầm được xem như một loại sản phẩm mới làm phong phú cơ cấu rau, tăng khối lượng rau an toàn và rau chất lượng cao, nhất là vào thời điểm trái vụ. “Tuy nhiên, hiện nay chưa có giống rau nào dùng riêng cho sản xuất rau mầm. Đa số người sản xuất đều mua hạt giống từ các cửa hàng bán các loại giống cây trồng và chưa quan tâm đến chất lượng của hạt giống rau”, bà Thoa nhấn mạnh.

Một trong những nguyên nhân rau mầm chưa thực sự an toàn vì việc sử dụng giá thể, dụng cụ sản xuất rau mầm không đúng cách là những nguyên nhân dân đến mất vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm. Điều đáng lo ngại là phần lớn sản phẩm rau của các hộ gia đình với quy mô tương đối khi xuất ra thị trường đều không có bao bì, nhãn mác. Như vậy, cơ quan quản lý Nhà nước khi thanh, kiểm tra cũng không thể xác định được nguồn gốc cũng như mức độ an toàn của sản phẩm này.

Dưới góc độ là người quản lý sản xuất, bà Thoa cũng kiến nghị  “Để kiểm soát chặt hơn vấn đề này, TP Hà Nội cần sớm ban hành bộ tiêu chuẩn cơ sở về hạt giống cho sản xuất rau mầm. Đối với cơ sở sản xuất rau mầm, cần thực hiện đúng theo quy trình, có sổ sách ghi chép nhằm minh bạch các yếu tố đầu vào cũng như toàn bộ quá trình sản xuất và có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi cần thiết”.

Nên chọn rau chính vụ

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, việc báo chí phản ánh một số siêu thị ở Hà Nội nhập rau "bẩn" đóng gói rau an toàn, rau sạch là có thực."Người tiêu dùng mua rau ở siêu thị là an tâm về tâm lý, chứ về chất lượng có an toàn hay không thì khó có thể khẳng định. Bởi rau sạch Vân Nội hiện được phân phối trên 70 siêu thị và hàng trăm chợ cóc, chợ dân sinh thì thử hỏi kiểm soát làm sao hết. Người dân đang ở trong một ma trận hàng hoá, ma trận về rau an toàn", ông Phú nói.

Lãnh đạo Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nói rằng, người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng nguồn gốc và chất lượng rau xanh. Bởi ngay cả cách gọi cũng chưa rõ ràng, nơi thì gọi là rau an toàn, nơi là rau sạch, nơi là rau hữu cơ, trong khi bao bì chưa thể hiện cụ thể trách nhiệm của người sản xuất mà chỉ đề chung chung là rau Vân Nội, rau Đạo Đức…

"Sản phẩm rau an toàn, rau sạch khi đến tay người tiêu dùng phải trải qua kiểm tra từ khâu sản xuất, phân phối chứ không chỉ là dán tem hay đeo cho nó nhãn mác vùng sản xuất. Điều này ngày nào chưa làm tốt thì ngày đó vẫn còn rau bẩn, rau không bảo đảm lưu thông trên thị trường", ông Phú nói.

Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố Hà Nội cho rằng, muốn biết rau có sạch, an toàn hay không thì phải phân tích mẫu. "Hiện nay ở các vùng rau an toàn đều có cán bộ của chúng tôi, nhưng việc xử phạt hành chính đối các hộ dân vi phạm là rất khó. Ở Hà Nội, việc sản xuất rau xanh sử dụng thuốc quá tiêu chuẩn là rất ít. Cái khó là rau các tỉnh mang về rất khó kiểm soát. Vừa qua, kiểm tra các chợ đầu mối, lấy mẫu phân tích cho thấy số lượng vượt quá dư lượng cho phép là khá nhiều, nhưng chủ yếu rau sản xuất ở nơi khác. Hà Nội liên tục xúc tiến ký kết với các tỉnh về việc phân phối sản xuất rau an toàn, nhưng có tỉnh vẫn chưa ký vì họ chưa kiểm soát được chất lượng", ông Hồng cho biết.

Cũng theo ông Hồng, quy định về rau an toàn dựa trên 4 tiêu chuẩn, trong đó tiêu chuẩn khó nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau. Đây cũng là thứ mà người tiêu dùng e ngại nhất. Nhiều nơi vẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật muộn, không bảo đảm dư lượng ở mức cho phép. "Cần phải hiểu hai loại rau an toàn gồm rau đã được kiểm soát và rau an toàn chưa được kiểm soát. Loại được kiểm soát là có tem, giấy chứng nhận, còn loại chưa kiểm soát dù sản xuất an toàn nhưng lưu thông thì chưa được dán tem, chưa có giấy chứng nhận", ông Hồng lý giải.

Trước mắt, với những người tiêu dùng có nhu cầu lựa chọn rau mầm làm thực phẩm cần lựa chọn các loại rau chính vụ và có nhãn mác cơ sở sản xuất cũng như các thông số kỹ thuật về hạn sử dụng. Những sản phẩm cũng nên được lựa chọn từ các cơ sở uy tín, có vùng nguyên liệu tự sản xuất để đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Đó là cách rút ngắn nhất thời gian trong trường hợp cần truy xuất nguồn gốc những sản phẩm đã được bày bán trên thị trường.

An Khuê

Top