Chống buôn lậu pháo nổ dịp cận Tết: Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn

20/12/2019 3:45 PM

(Chinhphu.vn) – Nắm được nhu cầu sử dụng pháo trong dịp Tết của một số bộ phận thanh niên, nhiều đối tương buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ lại gia tăng với nhiều thủ đoạn rất tinh vi. Để hạn chế tình trạng này lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm.

Lực lượng chức năng kiểm tra số pháo nổ buôn lậu. Ảnh: Bích Phương

Thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 Trung ương cho thấy, từ tháng 2/2019 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 117 vụ, 157 đối tượng, thu trên 25 tấn pháo các loại. Đặc biệt, xuất hiện sự “góp mặt” người Trung Quốc, Lào trực tiếp buôn lậu pháo vào Việt Nam. Điển hình, Đồn Biên phòng Bảo Lâm, tỉnh Lạng Sơn bắt quả tang Hoàng Lâm Hải (người Trung Quốc) vận chuyển trái phép 1.978kg pháo.

Theo Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia Đàm Thanh Thế, sở dĩ các vụ vi phạm liên tục xảy ra là do lợi nhuận từ pháo lậu mang lại rất lớn. 1 hộp pháo hoa mua tại Trung Quốc có giá khoảng 70.000 đồng, nhưng vận chuyển trót lọt đến Hải Dương bán được 450.000 đồng, vào đến miền Nam giá đội lên tới hơn 1 triệu đồng. Lợi nhuận cao nên các đối tượng buôn bán, vận chuyển luôn tìm cách để đưa pháo từ Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Lào… về Việt Nam tiêu thụ.

Từ nay đến Tết Canh Tý 2020, tình trạng buôn lậu pháo nổ từ nước ngoài qua các tuyến biên giới, cửa khẩu, vùng biển về nội địa Việt Nam sẽ có những diễn biến phức tạp hơn gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ngày 15/12 vừa qua, Công an quận Bắc Từ Liêm đã bắt quả tang Phạm Đức Biên (trú tại xã Khánh Nhạc, huyện Mê Linh) mua bán trái phép 6,5kg pháo nổ. Tại cơ quan điều tra, Biên khai nhận mua số pháo trên của Nguyễn Thành Danh (trú tại xã Thanh Lâm, Mê Linh). Khám xét khẩn cấp nhà của Danh, công an quận Bắc Từ Liêm thu giữ 14,2 kg pháo nổ. Cùng ngày Công an quận Bắc Từ Liêm cũng đã phát hiện Phạm Liêm (trú tại xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh) đang mua bán khoảng 6,5 kg pháo nổ.

Theo ông Nguyễn Công San, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, những vụ nhập lậu pháo số lượng lớn bị phát hiện, bắt giữ gần đây dù các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi như thường xuyên thay đổi phương thức vận chuyển, từ việc thuê mang vác hàng nhỏ lẻ qua biên giới đến việc sử dụng xe có tải trọng lớn, thậm chí nhiều đối tượng còn sử dụng xe ô tô cá nhân để chuyên chở pháo lậu. Khi bị phát hiện, hầu hết các đối tượng đều khai nhận chỉ là người chở thuê gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Việc đấu tranh, xử lý hoạt động buôn bán pháo nổ trái phép hiện gặp không ít khó khăn do Luật Đầu tư năm 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 lại quy định “Kinh doanh pháo nổ” là ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, còn việc kinh doanh các loại pháo khác là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Theo đó hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng các loại pháo hoa là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, không xem xét trách nhiệm hình sự, nhưng loại pháo này xét về tính chất, mức độ nguy hiểm tương tự pháo nổ. Vì vậy, nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở này để kinh doanh buôn bán pháo công khai trên không gian mạng.

Với quyết tâm phòng, chống buôn lậu, mua - bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo nổ trước, trong và sau Tết, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống sản xuất, vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng các loại pháo trên địa bàn TP. Hà Nội.

Cụ thể, giao Công an Thành phố xây dựng kế hoạch đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi sản xuất, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ các loại pháo, thuốc pháo, vật liệu nổ. Đồng thời huy động tối đa lực lượng tuần tra kiểm tra địa bàn, kịp thời bắt giữ, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ và pháo, đặc biệt trong các ngày 29, 30, mùng 1 Tết Canh Tý.

Cục QLTT TP. Hà Nội vận động các tổ chức, cá nhân, hộ dân ký cam kết không sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, đốt pháo nổ trên địa bàn...

Bích Phương

Top