Chủ động hội nhập để nâng cao vị thế của Thủ đô

06/02/2016 10:00 AM

(Chinhphu.vn) - Đẩy mạnh hội nhập quốc tế với tinh thần chủ động, tích cực, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài và điều kiện thuận lợi của hội nhập quốc tế để phục vụ công cuộc phát triển của Thủ đô là phương hướng TP. Hà Nội đã đặt ra để tăng cường và thúc đẩy hoạt động đối ngoại của Thủ đô trong giai đoạn tiếp theo.

Ảnh minh họa

Tích cực hội nhập quốc tế

Trong quá trình 30 năm đổi mới và quá trình hội nhập quốc tế, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của Thủ đô Hà Nội mang tính đặc thù, không chỉ là đối ngoại với tư cách một thành phố mà còn đóng góp tích cực cho việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại chung của cả nước.

Đến nay, Hà Nội có quan hệ hữu nghị và hợp tác với gần 100 Thủ đô, thành phố lớn trên thế giới. Trong đó, đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với 187 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hà Nội đã đẩy mạnh quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác quan trọng, đóng góp vào công tác đối ngoại quốc gia: Với Viêng Chăn và các địa phương của Lào, với Thủ đô Phnom Pênh - Campuchia, với Matxcơva, Bắc Kinh, với Hoa Kỳ, với các nước ASEAN và các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Anh, Italia, Đức, Thụy Điển ...

Hà Nội cũng tham dự tích cực tại các diễn đàn đa phương như Mạng lưới các thành phố lớn châu Á thế kỷ 21 (ANMC21); Hội nghị Thị trưởng Thủ đô các nước ASEAN, Hội nghị Thị trưởng Thủ đô các nước Á- Âu (ASEM); Hiệp hội các thị trưởng của các thành phố nói tiếng Pháp; Hiệp hội các thành phố có lịch sử lâu đời.

Trong đối ngoại kinh tế, Hà Nội luôn coi hội nhập kinh tế quốc tế là lĩnh vực trọng tâm, các lĩnh vực hội nhập quốc tế khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế. Thành phố đã mở rộng và tăng cường quan hệ kinh tế quốc tế với các đối tác; thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch hai chiều tại các thị trường tiềm năng; tăng cường tuyên truyền quảng bá về môi trường, chính sách ưu đãi đầu tư của Thành phố.

Kết quả trong cả giai đoạn 5 năm sau khi gia nhập WTO (2008 - 2014), tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu Hà Nội bình quân đạt 15%/năm và đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Còn ước tính cả năm 2015, kim ngạch xuất khẩu tại Hà Nội tăng 2,5% so cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 3,1%.

Hiện Hà Nội có 2.900 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký gần 26 tỷ USD đến từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đứng đầu là Nhật Bản (54%), tiếp đến là Trung Quốc, Hồng Kong (14,8%).

Công tác hội nhập quốc tế của Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần củng cố, tạo môi trường hòa bình. Đồng thời, Hà Nội cũng đã tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế để phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững; tăng cường nội lực, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Thủ đô và đất nước.

Tuy nhiện, TP. Hà Nội cũng nhận định, quan hệ đối ngoại của Thành phố đã không ngừng được mở rộng, nhưng chưa thực sự đi vào chiều sâu, nhiều mối quan hệ dừng ở mức thiết lập quan hệ hữu nghị ban đầu. Hệ thống văn bản pháp quy trong quản lý các hoạt động đối ngoại đã hình thành, tuy nhiên trong nhiều lĩnh vực vẫn còn thiếu các văn bản quy phạm, cần tiếp tục hoàn thiện, xây dựng, bổ sung; tồn tại tình trạng thiếu hụt nhiều về nguồn nhân lực chất lượng và vật lực cho công tác đối ngoại.

Tăng cường và thúc đẩy hoạt động đối ngoại

Xác định rõ trách nhiệm của Thành phố trong thực hiện nhiệm vụ, trong giai đoạn 2016 – 2020, Hà Nội tiếp tục củng cố quan hệ đã thiết lập, tích cực mở rộng hợp tác với các Thủ đô, thành phố tiềm năng. Chú trọng các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá du lịch, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài và tài trợ quốc tế.

Bên cạnh đó, Hà Nội tăng cường hội nhập kinh tế, văn hóa trong khu vực và trên thế giới với tư cách là Thủ đô thành viên cộng đồng ASEAN; tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về Thủ đô với bạn bè quốc tế.

Đặc biệt, tranh thủ tối đa mọi thuận lợi trong hợp tác chính trị và trong các lĩnh vực khác để đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường, tranh thủ vốn, công nghệ, trình độ quản lý phù hợp với các định hướng phát triển của Thủ đô.

Chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp Thành phố triển khai hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại, nâng cao năng lực hội nhập; Phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao trong việc bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động trong các tranh chấp kinh tế, thương mại quốc tế; Tiếp tục cải tiến, nâng tầm phương thức ngoại giao kinh tế; Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu dự báo thu thập thông tin, tham mưu về kinh tế thế giới và xu hướng phát triển liên kết kinh tế quốc tế; Tăng cường các cơ chế phối hợp, thực hiện tốt chức năng đôn đốc, thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận đã đạt được.

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cho lập trường, chính sách của Việt Nam, nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức và nhân dân Thủ đô về nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại. Tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, sự hợp tác và tình hữu nghị giữa Thủ đô Hà Nội với các thủ đô, thành phố và địa phương trong khu vực và trên thế giới. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, các tiềm năng kinh tế, nguồn nhân lực và cơ hội hợp tác của Thủ đô.

Năm 2016, Hà Nội xây dựng và triển khai đề án đánh giá thực trạng, hiệu quả và vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho Thành phố trong thời gian qua, đồng thời tập trung nghiên cứu đưa ra các chế độ, chính sách phù hợp của Thành phố.

Để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và xây dựng cơ cấu tổ chức cán bộ làm công tác đối ngoại của Thành phố, Sở Nội vụ đặt mục tiêu  nâng cao chất lượng công tác xây dựng ngành, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đối ngoại có đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện. Có kế hoạch từng bước bổ sung, tăng cường lực lượng cán bộ đối ngoại chuyên sâu cho các cơ quan đối ngoại của thành phố và tổ chức triển khai các hoạt động đối ngoại đảng, đối ngoại nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Gia Huy

Top