Chủ động làm ‘sạch’ thị trường hàng hóa dịp Tết

23/01/2019 2:15 PM

(Chinhphu.vn) - Để làm “sạch” thị trường hàng hóa dịp Tết, lực lượng chức năng Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là vào thời gian cao điểm dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát hàng hóa. Ảnh: Thùy Linh

Buôn lậu gia tăng

Thời điểm gần tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2018, thị trường hàng hóa trở nên sôi động và nhộn nhịp hơn. Đây cũng là thời điểm dễ bị các gian thương lợi dụng trà trộn các loại hàng hóa kém chất lượng, hàng cấm, hàng giả nhằm trục lợi.

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, từ ngày 1/11/2018 đến ngày 18/1/2019, Cục Quản lý thị trường Thành phố đã kiểm tra 1.391 vụ, đã xử lý 1.128 vụ vi phạm thương mại, hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng. Tổng số tiền phạt hành chính là 4.954 tỷ đồng.

Trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, các lực lượng chức năng của BCĐ 389/TP đã tổ chức thanh kiểm tra hơn 11.000 vụ, xử lý 9.455 vụ; trong đó, riêng hoạt động gian lận thương mại là 8.193 vụ; hàng cấm, hàng lậu là 814 vụ; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ là 448 vụ. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu được hơn 1.368 tỷ đồng.

Trước đó ngày 10/1, lực lượng chức năng đã bắt giữ một vụ buôn lậu, gian lận thương mại lớn, với hàng tấn bánh kẹo giả nhãn mác Thái Lan, Hàn Quốc. Theo khai nhận của người vận chuyển, số bánh kẹo này có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong đó, có nhiều loại dành cho trẻ em, dưới dạng kẹo cao su, bao bì bắt mắt, nhưng khi mở ra lại có mùi hắc xộc lên rất mạnh.

Nhận định về thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp sát Tết, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ 389/TP Chu Xuân Kiên cho biết, dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, cũng là thời điểm các đối tượng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả hoạt động mạnh.

Mặt hàng thường được làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là thực phẩm, bánh kẹo, rượu, hóa mỹ phẩm, thời trang may mặc... Ngoài nguồn hàng có xuất xứ Trung Quốc, các đối tượng đang chuyển sang mặt hàng có chất lượng cao hơn, xuất xứ Mỹ, châu Âu, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Thay vì tập kết hàng lậu trên xe lớn như những năm trước, các đối tượng buôn lậu đã xé lẻ hàng lậu, hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm... vận chuyển bằng xe máy, ô tô khách, xe tải nhẹ từ biên giới và các tỉnh giáp ranh với Hà Nội; trà trộn cùng hàng hóa có hóa đơn từ các chợ Tân Thanh, Đồng Đăng (Lạng Sơn), các tỉnh An Giang, Long An, Quảng Ninh... đưa vào Hà Nội để tiêu thụ và trung chuyển tới các địa phương khác.

Khảo sát thực tế của phóng viên trên thị trường cho thấy, hàng hóa tiêu dùng không chỉ được khuyến mãi, giảm giá trong các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, mà tại nhiều cửa hàng, thậm chí trên vỉa hè, những khu đất trống cũng được tận dụng để bày bán hàng hóa "sale off", "khuyến mãi khủng", "giảm giá sốc"... Song thực tế phần lớn hàng bày bán là hàng nhái, chất lượng kém.

Kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Liên quan đến việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm góp phần duy trì một thị trường thực phẩm sạch cho người dân Thủ đô, ông Chu Xuân Kiên cho biết, cùng với việc kiểm soát hàng hóa được đưa vào Hà Nội, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu thực phẩm, đại lý, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ, các chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị.

Trong đó sẽ kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm của các nguyên liệu chính và chất phụ gia được các cơ sở đưa vào sản xuất, chế biến, kinh doanh; kiểm tra tem, nhãn, bao bì hàng hóa đối với các mặt hàng truyền thống có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết như thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả, rượu, bia, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo...; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tuyến đường vận chuyển thực phẩm vào Thành phố gắn với các chốt kiểm dịch động vật liên ngành nhằm phát huy vai trò trách nhiệm của các chốt kiểm dịch, tránh kiểm soát hình thức.

Để người dân Thủ đô yên tâm vui đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, bảo đảm hàng hóa lưu thông trên thị trường ổn định, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chính sách của Nhà nước về kích cầu, tạo điều kiện thông thoáng về lưu thông hàng hóa để trà trộn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đưa vào tiêu thụ tại các hội chợ tiêu dùng, hội chợ hàng khuyến mãi, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa phục vụ nhân dân trong dịp Tết.

Bên cạnh sự vào cuộc của các ngành chức năng, ông Kiên cho rằng, người tiêu dùng nên thận trọng khi chọn mua các sản phẩm hàng hóa; đặc biệt lưu ý mặt hàng thực phẩm phải có nguồn gốc, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ. Khi phát hiện thực phẩm "bẩn", hàng giả, hàng nhái, cần báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời.

Thùy Linh

Top