Chủ động phòng, chống bệnh lở mồm long móng

13/03/2016 10:00 AM

(Chinhphu.vn) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 1660/VP-NNNT, phê duyệt “Chương trình quốc gia Phòng, chống bệnh lở mồm long móng (LMLM) giai đoạn 2016 - 2020”.

Trước đó, UBND TP Hà Nội nhận được văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm, long móng giai đoạn 2016 - 2020”. Cụ thể, Chương trình thực hiện trong vòng 5 năm (2016 - 2020), mục tiêu đến năm 2020, khống chế thành công bệnh LMLM ở một số vùng, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh LMLM gia súc ở Việt Nam và xây dựng được ít nhất một vùng an toàn dịch bệnh LMLM. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trên cơ sở Chương trình này, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và sở, ngành liên quan của địa phương xây dựng kế hoạch kinh phí thuộc diện ngân sách địa phương bảo đảm thực hiện Chương trình (bao gồm cả tiền công tiêm phòng trong vùng khống chế) tại địa phương,  kế hoạch tiêm phòng vắc xin, kế hoạch giám sát để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hàng năm, chủ động thống kê số lượng gia súc của địa phương thuộc diện tiêm phòng trong Chương trình; tổng hợp nhu cầu hàng năm của địa phương về số lượng, chủng loại vắc xin sử dụng trong Chương trình, gửi Cục Thú y để tổng hợp báo cáo các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính theo quy định; tổng hợp nhu cầu đột xuất về việc thay đổi số lượng, chủng loại vắc xin, gửi Cục Thú y để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh.

Tổ chức mua đúng chủng loại vaccine LMLM để thực hiện Chương trình theo hướng dẫn của Cục Thú y; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai các nội dung, giải pháp của Chương trình trên địa bàn; đồng thời báo cáo các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Thú y), Tài chính kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Trường hợp có sự thay đổi chủng loại vaccine do thay đổi typ vi rút gây bệnh LMLM hoặc thay đổi về số lượng trâu, bò, UBND các tỉnh, thành phố xem xét, điều chỉnh kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương thuộc vùng đệm theo điều chỉnh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các địa phương có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện tiêm phòng đối với đàn trâu, bò giống của nhà nước, đàn trâu, bò của các hộ gia đình, cá nhân trong vùng khống chế thuộc diện phải tiêm phòng bắt buộc (tổng mức kinh phí thực hiện, số kinh phí địa phương đảm bảo, số kinh phí đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ,...) gửi các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính để có cơ sở xem xét hỗ trợ.

Nguyên Phương

Top