Chủ động phòng dịch, kiểm soát an toàn thực phẩm

01/03/2019 3:02 PM

(Chinhphu.vn) - Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, Y tế là ngành đòi hỏi cao về tính hội nhập, không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân Thủ đô, mà cả khách du lịch trong và ngoài nước. Chính vì thế, ngành Y tế không chỉ quan tâm đến khám chữa bệnh, mà cần phải quan tâm phòng chống dịch, kiểm soát an toàn thực phẩm.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội làm việc với Sở Y tế - Ảnh: Gia Huy

Dịch bệnh được kiểm soát

Báo cáo tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải với Sở Y tế sáng 1/3, liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Sở có 80 đơn vị trực thuộc, gồm 3 đơn vị quản lý hành chính nhà nước, 42 bệnh viện, 5 trung tâm chuyên khoa, 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã.

Năm 2018, các chỉ tiêu khám, chữa bệnh cũng đạt và vượt kế hoạch, số lượt khám chữa bệnh năm 2018 đạt gần 6,68 triệu lượt (tăng 4,5% so với năm 2017), trong đó trên 767 nghìn người bệnh điều trị nội trú (tăng 6,4%), trên 144 nghìn ca phẫu thuật (tăng 4,5%). Trong 2 tháng đầu năm 2019, ngành y tế thí điểm kết nối trung tâm cấp cứu 115 với các bệnh viện đa khoa để xử trí, cấp cứu bệnh nhân kịp thời. Kết quả, ngành y tế đã khám cho trên 965 nghìn lượt bệnh nhân, thực hiện phẫu thuật, thủ thuật trên 324 nghìn lượt...

Sở Y tế luôn chủ động trong công tác phòng dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch; chủ động giám sát các khu vực xuất hiện dịch cao của năm trước. Năm 2018, trên địa bàn không xuất hiện các dịch bệnh nguy hiểm như cúm A/H7N9, tả, bại liệt…, các dịch bệnh lưu hành hầu hết giảm so với năm 2017.

Trong năm 2018 ghi nhận trên 4.400 trường hợp sốt xuất huyết (giảm trên 88% so với năm 2017); trên 2.100 trường hợp tay chân miệng; 571 trường hợp sởi; 83 trường hợp ho gà... Năm 2018, bệnh sởi nằm trong tầm kiểm soát, chưa thành dịch, tuy nhiên theo Giám đốc Sở Y tế, các chuyên gia dự báo số ca mắc năm 2019 có thể tiếp tục tăng do đây là năm bước vào chu kỳ dịch sởi sau 5 năm. Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi luôn đạt so với tỷ lệ chung của quốc gia nhưng hàng năm vẫn còn 3-5% trẻ không được tiêm vắc xin sởi, là đối tượng dễ mắc bệnh.

Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành thường xuyên trên địa bàn, riêng năm 2017 phát hiện trên 37 nghìn trường hợp. Đối với Hà Nội, các yếu tố có nguy cơ để sốt xuất huyết phát sinh, phát triển thành dịch vẫn luôn tồn tại như tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng là nơi muỗi đẻ trứng, mật độ dân cư cao, nhiều khu vực nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn, ở tạm bợ... Vì vậy ngành Y tế xác định chủ động, tích cực tập trung các biện pháp phòng, chống không để sốt huyết bùng phát thành dịch.

Đối với an toàn vệ sinh thực phẩm, Hà Nội hiện có trên 66 nghìn cơ sở thực phẩm, 7 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, 10 cơ sở giết mổ bán chuyên nghiệp, 4 khu giết mổ gia súc thủ công, trên 1.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ; trên 450 chợ, 124 siêu thị... Sản xuất thực phẩm đáp ứng 60% tiêu dùng, còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu. Năm 2018 đã có 938 đoàn kiểm tra chuyên ngành thanh kiểm tra trên 120 nghìn cơ sở, hủy sản phẩm của 250 cơ sở; năm 2018 ghi nhận 3 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có vụ ngộ độc xảy ra tại trường mầm non Xuân Nộn, Đông Anh với 209 người mắc.

Khó khăn trong kiểm soát an toàn thực phẩm được Giám đốc Sở Y tế cho biết là do lượng cơ sở lớn, nhiều cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất thủ công, theo mùa vụ, cơ sở thức ăn đường phố đa dạng, cán bộ làm công tác này chủ yếu kiêm nhiệm. Một số chính quyền cơ sở chưa coi trọng quản lý an toàn thực phẩm, chưa chủ động kiểm tra, giám sát, quản lý các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống bệnh sởi - Ảnh: Gia Huy

Nâng cao chất lượng dịch vụ

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá, Hà Nội là đô thị đang phát triển mạnh, nhu cầu khám chữa bệnh lớn, năm 2018, tập thể cán bộ ngành Y tế đã hết sức nỗ lực, đóng góp vào kết quả phát triển của Thủ đô. Trong đó lớn nhất là công tác bảo đảm sức khỏe cho người dân; quan tâm phòng chống dịch bệnh, y tế dự phòng...

Bí thư Thành ủy cho rằng với những hạn chế ngành nêu lên tại cuộc làm việc cho thấy khó khăn và thách thức của ngành Y tế còn rất lớn, tuy nhiên Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, những hạn chế này sẽ mở ra các giải pháp trong năm 2019 và những năm tiếp theo, đặc biệt là cần tăng cường công tác hội nhập quốc tế, tăng cường phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường.

Đặc biệt, Hà Nội đang hướng đến xây dựng thông minh, văn minh hiện đại thì yêu cầu với ngành Y tế càng đòi hỏi cao hơn, vì vậy đòi hỏi đội ngũ y bác sỹ, đội ngũ quản lý tập trung tư duy trong quá trình đưa ra giải pháp cho ngành bởi nếu không nhận thức được quá trình này thì các giải pháp đưa ra sẽ không phù hợp.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị ngành Y tế gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các quy tắc ứng xử tạo hình ảnh thân thiện, nâng cao mức độ hài lòng của bệnh nhân, nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng công tác phục vụ, đem lại sự hài lòng cho người bệnh.

Trước đó, sáng 1/3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã đến kiểm tra công tác phòng chống bệnh sởi trên địa bàn quận Đống Đa, đến thị sát tình hình tại Trường mầm non Hoa Sữa, số 27 Lương Định Của, phường Kim Liên, quận Đống Đa.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đã kiểm tra biện pháp của Trạm Y tế phường khi có trường hợp phụ huynh quên tiêm chủng cho con và việc tuyên truyền, khuyến khích người dân khám bệnh định kỳ, khám tầm soát sớm các bệnh hiểm nghèo.

Gia Huy

Top