Chủ tịch TP. Hà Nội đối thoại với công nhân

24/04/2018 4:30 PM

(Chinhphu.vn) - Tại buổi đối thoại với đại biểu dự ĐH Công đoàn TP. Hà Nội lần thứ XVI, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Thành phố dự kiến sẽ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng để xây nhà ở cho công nhân với diện tích từ 35-40 m2.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại buổi đối thoại với Đại biểu dự ĐH Công đoàn TP. Hà Nội. Ảnh: Gia Huy

Chiều 24/4, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã chủ trì hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo TP. Hà Nội với 500 đại biểu dự đại hội Công đoàn TP. Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2018-2023.

Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà ở cho công nhân

Tại buổi đối thoại, bà Phạm Thị Vân Anh, Công đoàn Công ty Canon Việt Nam đại diện 140 nghìn công nhân lao động Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội nêu ý kiến mong muốn Thành phố xem xét quỹ đất xây chung cư cho công nhân có giá từ 200-300 triệu/căn hộ và công nhân được trả góp.

Trả lời nhóm vấn đề điều kiện phúc lợi nhà ở cho công nhân lao động tại khu công nghiệp Quang Minh, Bắc Thăng Long và khu công nghiệp khác chậm triển khai cùng chính sách của Thành phố để tạo điều kiện cho công nhân mua nhà từ 2-4 trăm triệu đồng... Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong nhiều năm qua Thành phố đã thường xuyên quan tâm đến phát triển nhà ở cho đối tượng công nhân lao động, sinh viên, người thu nhập thấp.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ năm 2014, Thành phố đã xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng trên địa bàn Thành phố, trong đó có công nhân lao động. Theo đó, từ năm 2014-2020 sẽ xây dựng 6,2 triệu m2 nhà ở cho công nhân lao động, đến nay đã triển khai 3,5 triệu m2 nhà ở, còn 2,7 triệu m2 đang triển khai.

Chủ tịch TP. Hà Nội cũng cho biết, cách đây 3 tuần, Thành phố đã có cuộc họp để có cơ chế tháo gỡ xây dựng nhà ở cho công nhân và sinh viên.. Hiện trong 3,5 triệu m2 nhà ở cho người thu nhập thấp có giá bán dưới 15 triệu đồng Thành phố đều không thu phí sử dụng đất.

Để phục vụ phát triển nhà ở cho công nhân, Thành phố đang xây dựng chương trình và sẽ kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư trong chương trình hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp vào tháng 6 sắp tới để bổ sung nhà ở cho công nhân khu công nghiệp Quang Minh, Bắc Thăng Long, khu tái định cư tại huyện Quốc Oai...

Cũng theo ông Nguyễn Đức Chung, vấn đề Thành phố phải giải quyết là liên quan đến diện tích các căn hộ. Theo quy định của Bộ Xây dựng, trên địa bàn Hà Nội diện tích thấp nhất của các căn hộ là 45 m2, vì vậy nếu muốn có căn hộ cho công nhân có giá từ 200-400 triệu đồng thì phải hạ diện tích.

"Hà Nội dự kiến sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng để xây nhà ở cho công nhân với diện tích từ 35-40 m2 và làm việc với doanh nghiệp đầu tư để có thể hạ giá thành xuống dưới 15 triệu đồng/m2 cho các căn hộ diện tích nêu trên", Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết

Đại diện Đại biểu dự ĐH Công đoàn TP. Hà Nội nêu câu hỏi với lãnh đạo TP. Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh

Thống kê nhu cầu gửi trẻ tại các KCN

Tại buổi đối thoại, đại diện Liên đoàn Lao động một số cơ sở nêu tình trạng thiếu chỗ học cho trẻ mầm non, đặc biệt tại các địa bàn có KCN, nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh đã trở thành vấn đề “nóng” trong những năm gần đây.

Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Sóc Sơn Đỗ Thị Hương đặt vấn đề, hiện nay nhu cầu gửi con nhỏ tại các trường công lập chủ yếu dành cho người dân ở các địa phương, do đó công nhân phải gửi trẻ ở các trường tư thục hoặc tại các nhà dân trông trẻ tự phát với điều kiện chật chội, cơ sở vật chất không bảo đảm, người trông không có trình độ sư phạm… khiến công nhân lao động không yên tâm, băn khoăn, lo lắng. Công nhân mong muốn, TP. Hà Nội tiếp tục quan tâm xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân, trước mắt cho các cháu từ 6-24 tháng tuổi.

Trước vấn đề xây dựng trường mầm non cho con em công nhân, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, cuối năm 2017, trong buổi đối thoại với công nhân, lao động KCN Bắc Thăng Long, Thành phố đã giao UBND huyện Đông Anh xây dựng trường mầm non ở xã Kim Chung để phục vụ nhu cầu gửi con của các công nhân nơi đây.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đồng thời nhấn mạnh, Thành phố hoàn toàn đồng ý việc xây dựng các trường mầm non như này nhưng cần rà soát, thống kê lại số lượng con em công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Chủ tịch TP. Hà Nội cho rằng, sở dĩ có việc thống kê số lượng này do có nhiều công nhân thuê, tạm trú tại các địa phương không thông báo thì con số này còn rất khó để biết, do đó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố cần phối hợp với giám đốc các khu công nghiệp, khu chế xuất thống kê số lượng trẻ để có thể xây dựng các trương mầm non phù hợp với nhu cầu gửi trẻ của công nhân.

Với ý kiến đại diện công nhân nêu còn có việc phân biệt đối xử giữa con em công nhân lao động với con em tại địa phương, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong các cuộc giao ban Thành phố tới, Thành phố sẽ bàn và giải quyết vấn đề này.

Đối với ý kiến đại biểu nêu về vấn đề ùn tắc giao thông trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, vấn đề ùn tắc không chỉ là vấn nạn của riêng Hà Nội mà của nhiều Thành phố lớn trên thế giới, đây là vấn đề đau đầu của các nhà quản lý. Hà Nội còn khó khăn hơn bởi hạ tầng đang phát triển chưa thể đáp ứng đủ với tốc độ đô thị hóa, bên cạnh đó là ý thức khi giao thông chưa cao, nhiều phương tiện giao thông đặc biệt là xe máy... Hiện Thành phố còn 38 điểm đen về ùn tắc giao thông.

Năm 2017, UBND Thành phố đã trình HĐND và được thông qua về đề án giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn có tầm nhìn đến năm 2030 với nhiều giải pháp và hy vọng các giải pháp sẽ dần khắc phục các hạn chế nêu trên. Trước mắt, Thành phố khắc phục bằng hệ thống điều khiển giao thông, quản lý phương tiện giao thông, tăng cường tuyên truyền ý thức giao thông... Chủ tịch UBND Thành phố mong muốn LĐLĐ TP. Hà Nội phát động phong trào để công nhân và người lao động tăng cường ý thức khi tham gia giao thông chấp hành tốt luật giao thông đường bộ.

Gia Huy-Thùy Linh

Top