Chú trọng phát triển giao thông ‘xanh’

20/01/2020 10:30 AM

(Chinhphu.vn) – Hiện nhiều đô thị lớn tại Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng và quá tải hạ tầng giao thông. Ô nhiễm từ giao thông đô thị còn là tác nhân gây ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội, chất lượng môi trường sống…, đặc biệt là tới sức khỏe con người. Chính vì vậy, phát triển giao thông xanh tại các đô thị Việt Nam, trong đó có Thủ đô Hà Nội đang ngày càng được chú trọng.

Xe điện là một giải pháp giao thông xanh ở Thủ đô. Ảnh: Thành Nam

Ở Hà Nội, trong khi ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí đang diễn biến phức tạp do lượng xe cá nhân gia tăng mất kiểm soát, gây quá tải hạ tầng, đe dọa môi trường, giao thông xanh lại vẫn còn khá mới mẻ. Đa số người dân không có thói quen đi bộ, đi xe đạp hay sử dụng phương tiện vận tải công cộng (VTCC), mà vẫn lệ thuộc rất lớn vào xe cá nhân, đặc biệt là xe máy.

Số liệu từ Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho thấy, giai đoạn 2017-2019, các loại phương tiện giao thông đều có sự gia tăng qua các năm. Trong năm 2017, số lượng phương tiện tăng 5,3%, năm 2018 tăng 4,2% và năm 2019 tăng 1,5%. Tính đến Quý 1/2019, Phòng đã quản lý trên 6,6 triệu phương tiện, trong đó, xe máy đang chiếm đến 86% lượng phương tiện giao thông tham gia ở Hà Nội. Đối với loại hình phương tiện xe buýt, phương tiện giao thông công cộng chủ yếu tại Việt Nam hiện nay lại mới đạt tiêu chuẩn khí thải euro 2, euro 3. Trong khi đó, tại châu Âu, mức tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện hiện đang là euro 4, thậm chí, ở một số quốc gia còn đang áp dụng euro 6, euro 7. Các phương tiện giao thông cơ giới là nguồn phát thải nhiều nhất lượng khí thải CO2 và khói bụi ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống và sức khỏe con người.

Theo các chuyên gia, giao thông xanh là các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Giao thông xanh sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén... Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG; xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… chính là tham gia giao thông xanh.

Ô nhiễm không khí ở đô thị do các hoạt động giao thông vận tải chiếm 70%. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, chính quyền và người dân đô thị cần nhận thức được những ảnh hưởng của việc sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đến chất lượng môi trường.

Hiện, Hà Nội mới chỉ bắt đầu có sự xuất hiện của xe buýt sử dụng khí CNG, xe máy điện nhưng ô tô điện và xe đạp thì vẫn còn rất khiêm tốn. Trong năm 2020, Hà Nội đón chào sự xuất hiện của tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông, năm 2021 sẽ có thêm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Đây là loại hình VTCC khối lượng lớn, sử dụng nhiên liệu điện sạch, an toàn. Tuy nhiên, quan trọng nhất là Hà Nội phải hạn chế, tiến tới giảm dần hàng triệu chiếc xe máy, ô tô cá nhân; hệ thống xe buýt cũng cần được xanh hóa...

Giao thông xanh là giải pháp toàn diện cho đô thị Hà Nội

Mặc dù phát triển giao thông xanh là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở các đô thị, tuy nhiên, mục tiêu về phát triển giao thông xanh hiện nay đang vấp phải không ít khó khăn, thách thức. Điển hình là các vấn đề về: Quy hoạch phát triển đô thị; phương tiện cá nhân gia tăng nhanh chóng và vượt kiểm soát; kết cấu hạ tầng tuy đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu,...

Để xây dựng được một Hà Nội văn minh, hiện đại, đáng sống với giao thông xanh, nguồn lực đầu tiên cần đến là chính sách. Các cấn đề như hạn chế xe cá nhân, đầu tư cho VTCC; phát triển xe chạy bằng nhiên liệu sạch; phổ biến xe đạp hay khuyến khích người dân đi bộ đều cần có chính sách rõ ràng, cụ thể và phù hợp.

Thành phố cần tăng thêm nhiều ưu đãi để thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh VTCC hướng tới sử dụng xe buýt chạy bằng khí thiên nhiên, điện. Coi yếu tố xanh là một trong những tiêu chí bắt buộc trong việc cạnh tranh quyền khai thác các tuyến VTCC. Đồng thời, đưa ra các biện pháp hạn chế xe cá nhân lưu thông để hướng người dân đến với VTCC, vừa bảo đảm hiệu quả kinh tế, vừa hạn chế tối đa trở ngại cho cho VTCC khi lưu thông trên đường.

Một trong những kế hoạch nhằm phát triển giao thông xanh tại Hà Nội là hình thành hệ thống cho thuê xe đạp với giá rẻ để phục vụ nhu cầu di chuyển ngắn của người dân, tăng cường kết nối các khu vực đô thị với hệ thống VTCC.

Xe đạp vốn là loại phương tiện nhỏ, chiếm ít diện tích lưu thông cũng như dừng đỗ, phù hợp với hiện trạng giao thông còn nhiều đường phố nhỏ, ngõ nhỏ như Hà Nội. Bất cứ khu vực nào cũng có thể thiết lập các trạm xe đạp công cộng, đặc biệt tại những nhà ga tàu điện, bến xe buýt, khu trung tâm sầm uất, nơi gần đường giao thông chính. Với sự phát triển vượt bậc về khoa học, công nghệ thông tin như hiện nay, không khó để quản lý những chiếc xe đạp, tránh mất mát, hư hại.

Đồng thời khuyến khích việc đầu tư phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn sử dụng năng lượng sạch, ít gây ô nhiễm môi trường như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao và xe buýt nhanh...

Có thể thấy giao thông xanh là giải pháp toàn diện cho đô thị Hà Nội trong hiện tại và cả tương lai. Chính quyền cũng như nhân dân Thành phố cần chung tay, đồng lòng vì một Thủ đô văn minh, hiện đại và đáng sống.

Thành Nam

Top