Chủ trương hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là hết sức đúng đắn

20/06/2018 3:18 PM

(Chinhphu.vn) - Nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, trước tiên chủ trương hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là hết sức đúng đắn. Bởi nếu đặt câu hỏi ngược lại, không mở rộng vào thời điểm đó thì ngày nay Hà Nội có đủ không gian, nguồn lực để phát triển không và việc giải các bài toán về giao thông, phát triển đô thị, môi trường như thế nào?

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thùy Linh

Sáng 20/6, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo Thành phố vào Dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội (1/8/2008-1/8/2018). Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, nhằm đánh giá những thành tựu nổi bật, rút ra bài học kinh nghiệm, những hạn chế, khó khăn và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho những năm tiếp theo, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 61-KH/TU, ngày 12/12/2017 về việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 về điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố.

Tiếp thu ý kiến của cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, các cơ quan soạn thảo đã hoàn thiện Dự thảo báo cáo tổng kết với 3 phần chính. Phần 1: Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết. Phần 2: Phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu thực hiện Nghị quyết những năm tiếp theo. Phần 3: Một số kiến nghị, đề xuất để tiếp tục phát triển Thủ đô.

“Với tinh thần nghiêm túc và mong muốn báo cáo đánh giá được toàn diện hơn, Thành ủy tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo Thành phố qua các thời kỳ về Dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 nhằm lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đồng chí để hoàn thiện nội dung Báo cáo cũng như về các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới để Thủ đô Hà Nội phát triển ngày càng văn minh, hiện đại, xứng đáng với niền tin yêu của cả nước”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.

Trình bày dự thảo báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, 10 năm qua, kinh tế của Hà Nội phát triển ổn định ở mức cao và đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, không gian kinh tế mở rộng phát triển.

Theo đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 86 triệu đồng/người, gấp 2,3 lần so với năm 2018. Thu chi ngân sách luôn bảo đảm được dự toán Trung ương và HĐND TP giao, tự cân đối và đóng góp quan trọng vào ngân sách Trung ương. Năm 2017, thu ngân sách đạt 212.276 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2018. Chi ngân sách địa phương bình quân tăng 15,76%/ năm, năm 2017 gấp 3,6 lần năm 2008.

Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật. Diện mạo nông thôn đổi mới toàn diện và rõ rệt. Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2017, Hà Nội đã có 4 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Sự nghiệp văn hóa-xã hội, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học – công nghệ tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các vấn đề an sinh xã hội được tập trung giải quyết hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,69% theo chuẩn mới. Quy mô và diện mạo đô thị của Thành phố đã được mở rộng, thay đổi nhanh chóng theo hướng hiện đại, văn minh...

Một dấu mốc lịch sử trong xây dựng và phát triển Thủ đô

Nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đóng góp ý kiến về Dự thảo 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Ảnh: Thùy Linh

Tại Hội nghị, hơn 10 ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo Thành phố đều đánh giá cao sự chuẩn bị báo cáo công phu, kỹ lưỡng của Thành ủy. Bố cục, nội dung đã bao quát toàn diện kết quả trên các lĩnh vực. Các đại biểu khẳng định, Nghị quyết 15 của Quốc hội đặt một dấu mốc lịch sử trong xây dựng và phát triển Thủ đô, mở ra nhiều tiềm năng, cơ hội, không gian để Thủ đô phát triển.

Một trong những kết quả nổi bật được các đại biểu đánh giá cao chính là công tác tổ chức bộ máy cán bộ. Theo đó, ngay sau khi hợp nhất, chỉ trong một thời gian ngắn, Thành ủy Hà Nội đã thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy trên tinh thần chủ động, sáng tạo, hợp tình hợp lý và nhân văn.

Thành ủy cũng đã quan tâm, ban hành Chương trình 02 về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, để khắc phục những hạn chế về chênh lệch hạ tầng, mức sống của nhân dân khu vực thành thị và nông thôn. Kết quả, Thành phố đã ưu tiền nguồn lực lớn đầu tư cho hạ tầng khu vực nông thôn, tập trung dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện để nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống bền vững.

Theo nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo, nhìn lại chặng đường 10 năm qua, có thể khẳng định Hà Nội đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ, nhiều việc lớn, việc khó, mà “Nếu không có tinh thần đoàn kết, sự hy sinh vì sự nghiệp chung thì không thể thực hiện được”.

Nguyên Chủ tịch UBND Thành phố dẫn chứng, khi mới hợp nhất, tổng thu ngân sách Hà Nội và Hà Tây cộng lại mới được khoảng 50 nghìn tỷ đồng, thì đến nay tăng lên trên 200 nghìn tỷ đồng. Hà Nội hiện nay không chỉ thực hiện tốt vai trò là trung tâm chính trị, văn hóa, đối ngoại, mà còn là trung tâm kinh tế lớn của cả nước; mối quan hệ hợp tác với các thành phố trong và ngoài nước ngày càng được mở rộng, đi vào thực chất, vị thế của Thủ đô không ngừng được nâng cao.

Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mới, bên cạnh phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, Hà Nội vẫn cần tiếp tục cải tiến phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, sao cho chính quy hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, trước tiên chủ trương hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là hết sức đúng đắn. Bởi nếu đặt câu hỏi ngược lại, không mở rộng vào thời điểm đó thì ngày nay Hà Nội có đủ không gian, nguồn lực để phát triển không và việc giải các bài toán về giao thông, phát triển đô thị, môi trường như thế nào?

Đồng thời cho rằng, chủ trương đúng cùng với sự sát sao trong chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, Hà Nội cũng rất chủ động, bài bản, khoa học trong tổ chức thực hiện. Quan trọng hơn là tinh thần đoàn kết trong tập thể lãnh đạo, sự chấp hành, hy sinh, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã giúp Hà Nội thực hiện thắng lợi Nghị quyết 15 của Quốc hội. Đây là những bài học kinh nghiệm để Hà Nội đã làm tốt trong 10 năm qua rồi thì tiếp tục phát huy trong những năm tới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải gửi lời cảm ơn và tiếp thu những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí nguyên lãnh đạo Thành phố. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, sau khi các quận, huyện, thị xã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, Thành ủy đã tổng hợp, xây dựng dự thảo báo cáo và đã xin ý kiến của các bộ, ban, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học.

 “Những ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo Thành phố hôm nay sẽ được Thành ủy tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo quan trọng này”, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Thùy Linh

Top