Chưa “mạnh tay” với thực phẩm không an toàn

29/04/2016 6:00 PM

(Chinhphu.vn) - Đa số các vùng rau an toàn (RAT) của Hà Nội đạt chất lượng. Nhưng cái yếu lớn nhất của ngành là chưa chỉ rõ được cho người dân đâu là RAT. Hơn nữa, ngành cũng chưa “mạnh tay” đối với các hộ làm ăn ẩu, các thương lái và các đơn vị làm ăn gian dối, làm nhũng nhiễu thông tin, thật giả lẫn lộn...

Các địa phương cần quy hoạch lại sản xuất rau an toàn theo hướng tập trung. Ảnh: Nguyễn Dũng

Đây là chia sẻ của ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội khi nói về việc quản lý rau sạch hiện nay trên địa bàn thành phố.

Thưa ông, theo tiêu chuẩn của ngành Nông nghiệp thì rau được canh tác như thế nào được xác định là RAT?

Ông Ngô Đại Ngọc: Theo tiêu chuẩn của ngành Nông nghiệp, hiện nay có ba loại rau có thể đánh giá là RAT, đó là: rau hữu cơ, RAT theo tiêu chuẩn VietGAP và RAT ở những vùng được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn.

Thực tế, sản xuất rau hữu cơ trong 10 năm qua, diện tích mới chỉ tăng từ 2ha lên 30ha như hiện nay. RAT theo tiêu chuẩn VietGAP với những quy định thực hành khắt khe, toàn thành phố hiện cũng chỉ có vài trăm héc ta, còn lại chủ yếu là RAT ở các vùng đủ điều kiện sản xuất tới gần 5.000ha.

Theo quy trình, kỹ thuật trồng rau thì với RAT theo tiêu chuẩn VietGAP và RAT thông thường đều được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Không chỉ ở Hà Nội, các tỉnh, thành phố trong cả nước mà cả các nước tiên tiến như Nhật Bản, Mỹ, Pháp… cũng vẫn sử dụng thuốc BVTV trên rau màu. Vấn đề là dùng ra sao cho hợp lý mà thôi.

Như vậy, khác với hiểu biết của nhiều người tiêu dùng là RAT là loại rau không dùng thuốc BVTV?

Ông Ngô Đại Ngọc: Kể cả đối với một nền sản xuất hiện đại trong điều kiện môi trường sinh thái thay đổi không ngừng như hiện nay, nếu không có các loại thuốc BVTV thì cây trồng rất dễ bị sâu bệnh, năng suất thấp, không có nông sản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc BVTV phải được dùng đúng liều lượng, kỹ thuật, thời gian từ khi phun thuốc đến thu hoạch phải bảo đảm đúng kỹ thuật mới bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Một điều cũng đáng buồn là trong thời gian vừa qua, những thông tin không chính xác về việc sử dụng thuốc BVTV ở các vùng rau đang khiến dư luận hoang mang. Người trồng rau kêu oan vì đã sử dụng thuốc BVTV đúng như hướng dẫn và tập huấn nhưng nhiều vùng rau vẫn bị người tiêu dùng “tẩy chay” vì lo nhiễm độc.

Theo chúng tôi đánh giá, đa số các vùng RAT của Hà Nội đạt chất lượng. Nhưng cái yếu lớn nhất của ngành là không tuyên truyền để người dân hiểu rõ. Và chưa có sự minh bạch rõ ràng đối với các hộ làm ăn ẩu, các thương lái và các đơn vị làm ăn gian dối, làm nhũng nhiễu thông tin, thật giả lẫn lộn.

Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tập trung công tác chỉ đạo như thế nào để người dân có thể yên tâm hơn khi sử dụng sản phẩm rau trên địa bàn thành phố?

Ông Ngô Đại Ngọc: Theo tôi cần một giải pháp đồng bộ trên nhiều mặt. Trước tiên là cần siết chặt lại thị trường kinh doanh thuốc BVTV. Trước đây khu vực HTX phát triển, toàn bộ thuốc BVTV cũng như các vật tư nông nghiệp thiết yếu đều do HTX đứng ra cung ứng thì thuốc giả, thuốc cấm, kém chất lượng… hầu như không có đất sống.

Hiện nay, ở các vùng rau lớn có tới vài chục hộ đứng ra kinh doanh, cạnh tranh lẫn nhau và có nhiều mánh khóe. Vì vậy chính quyền địa phương cần quản lý chặt các cửa hàng này, đồng thời xây dựng, tạo điều kiện cho 1 cửa hàng lớn nhất, bán hàng tốt nhất về mặt bằng, nhân lực rồi tuyên truyền để nhân dân nắm được, dần tẩy chay các cửa hàng nhỏ lẻ, kinh doanh chộp giật. Mặt khác, các HTX phải tổ chức được các tổ dịch vụ phun thuốc BVTV.

Các địa phương cần quy hoạch lại sản xuất theo hướng tập trung. Cán bộ nông nghiệp không thể đứng 24/24 giờ để canh nông dân phun thuốc nhưng việc cần làm là quản lý chặt để nông dân tự giác thực hiện. Thêm nữa là nâng cao hiệu quả công tác tập huấn sản xuất RAT. Hiện nay, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế như quy định tập huấn ngắn ngày (không quá 3 buổi), nhiều hộ người trực tiếp sản xuất thì không đi mà nhờ người già, người thân khác đi học hộ nên chưa áp dụng đúng vào sản xuất. Ngành Nông nghiệp cũng cần mạnh dạn chứng nhận các sản phẩm an toàn để khuyến khích sản xuất cũng như định hướng tiêu dùng.

Chúng tôi cũng rất mong muốn truyền thông sẽ đồng hành trên con đường đưa rau sạch đến bàn ăn người dân. Bên cạnh việc chỉ ra những địa chỉ sản xuất thiếu an toàn thì chúng tôi cũng coi truyền thông là kênh tham khải trong các góp ý, hiến kế để hoàn thiện chỉ đạo, điều hành sản xuất RAT.

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!  

Nguyễn Dũng (thực hiện)

Top